Theo VKSND Cấp cao tại TP HCM, về thủ tục tố tụng, tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm xác định quan hệ tranh chấp hợp đồng mua bán nhà là chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDSĐ) - có tài sản gắn liền trên đất - ngày 2-10-2014 giữa vợ chồng ông Quyện với ông Trường và hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ (có tài sản gắn liền trên đất) ngày 16-10-2014 giữa ông Trường và bà Hoàng Ngọc Điệp thể hiện các bên thỏa thuận chuyển nhượng 447,6 m2 đất tại số 335 bis Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình, TP HCM có tài sản gắn liền là căn nhà 2 tầng diện tích 388,5 m2.
Do đó, cần xác định quan hệ tranh chấp trong vụ án này là tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ (có tài sản gắn liền trên đất), từ đó áp dụng quy định của Luật Đất đai năm 2013 để giải quyết mới phù hợp; báo cáo của VKSND TP HCM và đơn khiếu nại của vợ chồng ông Quyện về nội dung này là có căn cứ.
Ông Nguyễn Văn Quyện (thứ 2 từ phải qua) tại tòa
Tài sản này đang thế chấp cho ngân hàng, QSDĐ (có tài sản gắn liền trên đất) của vợ chồng ông Quyện ký kết hợp đồng chuyển nhượng cho ông Trường ngày 2-10-2014 thì một ngày sau (3-10-2014), ông Trường được sang tên, đồng thời ông Quyện chưa nộp tiền trả cho ngân hàng để làm thủ tục xóa thế chấp. Song, hồ sơ cho thấy Văn phòng Đăng ký đất đai làm thủ tục xóa thế chấp trước đó 3 ngày là trái quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông Quyện.
Hợp đồng chuyển nhượng giữa bà Điệp và ông Trường chưa phát sinh hiệu lực pháp luật, chưa làm phát sinh quyền sở hữu, sử dụng của bà Điệp đối với tài sản tranh chấp theo quy định. Bản án sơ thẩm và phúc thẩm áp dụng quy định của Luật Nhà ở 2005 đề xác định bà Điệp đã được chuyển giao quyền sở hữu là chưa phù hợp. Tài sản chuyển nhượng là đất và nhà nên việc giao dịch chuyển nhượng giữa các bên ngoài việc tuân theo quy định của Luật Nhà ở 2005, còn phải tuân thủ quy định của Luật Đất đai 2013.
Trong quá trình giải quyết vụ án, tòa án 2 cấp không tiến hành đối chất giữa các bên (ông Trường mãn hạn tù tháng 5-2017) để làm rõ có hay không việc ông Trường và bà Điệp xác lập giao dịch giả tạo nhằm che giấu cho giao dịch cầm cố tài sản.
Do tòa án 2 cấp xét xử vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, thu thập chứng cứ và chứng minh chưa đầy đủ; kết luận của bán án sơ thẩm và phúc thẩm không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án, có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, gây thiệt hại cho vợ chồng ông Quyện, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp cùa đương sự, nên cần thiết phải kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm theo đề nghị của VKSND TP HCM và đơn khiếu nại của vợ chồng ông Quyện.
Từ đó, VKSND Cấp cao tại TP HCM kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án 781/2019/DS- PT của TAND TP HCM. VKSND Cấp cao tại TP HCM đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP xét xử giám đốc thẩm theo hướng: Áp dụng điều 345 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015, hủy toàn bộ Bản án 781/2019/DS-PT và Bản án 549/2018/DS-ST (của TAND quận Tân Bình, TP HCM); giao hồ sơ vụ án về cho TAND quận Tân Bình xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm; tạm đình chỉ thi hành Bản án 781/2019/DS-PT cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm.
Năm 2017, Báo Người Lao Động trong bài viết "Sang tên chủ sở hữu chỉ trong 1 ngày" đã phản ánh theo hồ sơ vụ kiện, ngày 2-10-2014, vợ chồng ông Nguyễn Văn Quyện chuyển nhượng căn nhà số 335bis Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình cho ông Trần Vũ Trường với giá 58 tỉ đồng. Ông Trường trả trước 10 tỉ đồng và ký hợp đồng công chứng; phần còn lại hẹn thanh toán trong vòng 45 ngày.
Ngay hôm sau, ông Trường đã hoàn tất thủ tục sang tên căn nhà. Chỉ 2 tuần sau (ngày 16-10-2014), ông Trường ký hợp đồng chuyển nhượng nhà cho bà Hoàng Ngọc Điệp với giá chỉ 28 tỉ đồng.
Quá thời hạn cam kết, ông Trường chỉ trả thêm cho ông Quyện được 1 tỉ đồng rồi bặt tăm nên ông Quyện khởi kiện ra tòa.
Bình luận (0)