Như Báo Người Lao Động đã thông tin Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa đề nghị truy tố Nguyễn Thị Thanh Nhàn , cựu chủ tịch Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC); Nguyễn Hồng Sơn, Phó tổng giám đốc AIC; Trương Thị Xuân Loan, Trưởng ban quản lý dự án 3 (Công ty AIC); Nguyễn Thị Tích Tổng giám đốc Công ty Mopha; Hoàng Đình Sơn, cựu phó giám đốc Ban quản lý dự án các Công trình y tế (Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh); Nguyễn Quý Thị, cựu trưởng phòng hành chính tổng hợp, Ban quản lý dự án (Sở Y tế) cùng nhiều bị can khác bị đề nghị truy tố về Vi phạm quy định về đấu đầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Hai bị can bị đề nghị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là Lương Văn Tám, cựu giám đốc Ban quản lý dự án (Sở Y tế Quảng Ninh) và Lê Thị Phú, cựu phó trưởng phòng quản lý giá (Sở Tài chính Quảng Ninh).
Theo kết luận điều tra, bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người thành lập, xây dựng và điều hành toàn bộ hoạt động của Công ty AIC, các công ty thành viên và công ty do bị can Nhàn thành lập để phục vụ việc tham gia đấu thầu của Công ty AIC. Trong tổ chức nội bộ Công ty AIC, Nhàn chỉ đạo tạo lập các quy định, quy chế phân cấp, phân quyền cho cá phó tổng giám đốc, Trưởng các ban phụ trách các khu vực khác nhau và theo quy trình thống nhất từ các khâu chuẩn bị phê duyệt dự án, tổ chức đấu thầu, thực hiện hợp đồng, nghiệm thu. Cùng với đó, sử dụng công ty trong hệ sinh thái do Nhàn thành lập, các công tý có quan hệ phụ thuộc, các công ty đối tác để tham gia dự thầu cho AIC.
Tại dự án mua sắm trang thiết bị Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh, bị can Nhàn giao Nguyễn Hồng Sơn (Phó Tổng giám đốc AIC) và Trương Thị Xuân Loan (Trưởng Ban QLDA 3) trực tiếp thực hiện dự án. Mặc dù không có năng lực, bị cáo Nhàn đã chỉ đạo cấp dưới điều chỉnh hồ sơ, làm, làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, gian lận trong đấu thầu. Sau đó, bị cáo Nhàn còn chỉ đạo hợp thức hóa số liệu qua Công ty Kiểm toán KTV để Công ty AIC đáp ứng hồ sơ mời thầu.
Ngoài ra, bị can Nhàn chỉ đạo 3 cấp dưới sử dụng các công ty trong hệ sinh thái và các công ty có quan hệ phụ thuộc, tham gia dự thầu với vai trò "quân xanh" cho Công ty AIC trúng thầu. Qua đó, Công ty AIC đã trúng 4 gói thầu, Công ty Mopha trúng 2 gói thầu mua sắm trang thiết bị Bệnh viện Sản - Nhi với tổng số tiền 232,19 tỉ đồng, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 50 tỉ đồng.
Theo kết luận điều tra, trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã lấy lời khai của 3 nguyên chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh là các ông: Nguyễn Văn Đọc, Nguyễn Đức Long và Nguyễn Văn Thành; nguyên phó Chủ tịch tỉnh Vũ Thị Thu Thủy; Nguyễn Văn Minh và Trần Xuân Lâm, cùng là nguyên giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Giám đốc Sở Y tế Vũ Xuân Diện.
Theo đó, lời khai của những người này thể hiện, quá trình phê duyệt, điều chỉnh dự án ở giai đoạn 2 được các cơ quan chuyên môn đề xuất, thẩm định theo quy định và không làm tăng tổng mức đầu tư đã duyệt. Việc phê duyệt kế hoạch đấu thầu được thực hiện theo trình tự, thủ tục của Luật Đấu thầu.
Do vậy, cơ quan điều tra không có căn cứ xác định các cá nhân trên có sai phạm trong việc chỉ đạo cấp dưới thực hiện trái quy định, thông đồng với nhà thầu, công ty thẩm định giá; quan hệ riêng với các cá nhân của Công ty AIC, cũng như có yếu tố, động cơ vụ lợi nên không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, Bộ Công an kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân trong công tác quản lý nhà nước để xảy ra vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và hành chính.
Bình luận (0)