Ngày 1-8, bác sĩ Trương Khắc Chí, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận, đã thông tin liên quan tới các khiếu nại của ông Hồ Hoàng Hùng (cha của nữ sinh Hồ Hoàng Anh; phường Tấn Tài, TP Phan Rang - Tháp Chàm) về việc hồ sơ vụ án hình sự có dấu hiệu bị sai lệch.
"Đốt cháy giai đoạn"
Vào sáng 28-6, em Hồ Hoàng Anh (học sinh lớp 12 Trường chuyên Lê Quý Đôn) trong lúc điều khiển xe máy thì va chạm với một ôtô và tử vong. Sau đó, gia đình nhận thông báo của Cơ quan CSĐT Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm cho biết nồng độ cồn của em Anh là 0,79 mg/100 ml máu, do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận làm xét nghiệm.
Ông Hồ Hoàng Hùng bức xúc vì một học sinh đi đến trường lúc 7 giờ thì làm sao có thể có nồng độ cồn. Ông Hùng yêu cầu trả lại sự trong sạch cho người đã chết; đề nghị giám định đối chiếu mẫu máu mà Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận đã xét nghiệm với mẫu máu của gia đình để xác định có phải là của cháu Hoàng Anh hay không. Cùng với đó, nếu có chuyện làm sai lệch hồ sơ vụ án thì truy cứu trách nhiệm hình sự những người làm sai.
Theo bác sĩ Trương Khắc Chí, bệnh viện có quy trình trả kết quả. Trong quy trình này, tất cả xét nghiệm phải được nội kiểm. Một kết quả khi thấy có điểm nghi ngờ thì phải kiểm tra lại và người thực hiện nhất định phải trình báo cho trưởng khoa.
Ở trường hợp mẫu xét nghiệm của nữ sinh Hồ Hoàng Anh, bệnh viện đã họp Hội đồng Khoa học kỹ thuật để xem xét. Từ đó cho thấy quy trình thực hiện xét nghiệm không đúng. Lỗi do một kỹ thuật viên "đốt cháy giai đoạn".
"Tức là trong ngày hôm đó tất cả xét nghiệm khác đều làm đủ các quy trình nhưng riêng mẫu này lại bỏ sót một công đoạn là thực hiện nội kiểm… Do đó, kết quả này là không đáng tin cậy về mặt chuyên môn... Quy trình không chuẩn, kết quả không được xem xét nhưng lại ký trả thì không đáng tin cậy" - bác sĩ Chí nhắc lại.
Cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận thực nghiệm hiện trường vụ việc nữ sinh Hồ Hoàng Anh tử nạn
Lỗi hỗn hợp không phù hợp?
Nói về quy trình trong xử lý tai nạn giao thông, thượng tá Nguyễn Đình Thuận Hải, Trưởng Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm, cho biết cơ quan điều tra sẽ lấy mẫu để xét nghiệm nồng độ cồn của những người liên quan và điều này là bắt buộc. Sau tai nạn, nếu người đó còn tỉnh táo thì cơ quan điều tra sẽ lấy mẫu đo nồng độ cồn trực tiếp tại hiện trường. Trường hợp người bị tai nạn không còn tỉnh táo, công an sẽ có phiếu yêu cầu phía bệnh viện làm quy trình này. "Vấn đề nồng độ cồn của em Hồ Hoàng Anh thì quy trình lấy mẫu thuộc về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận làm chứ công an không can thiệp cái này" - thượng tá Hải nói.
Theo thượng tá Hải, cơ quan điều tra cũng đã lấy mẫu xét nghiệm nồng độ cồn của tài xế ôtô. Kết quả nồng độ cồn của tài xế thì không thể thông tin cho gia đình nữ sinh biết được bởi đó là quy định trong quá trình điều tra.
Cũng theo thượng tá Hải, tai nạn em Hồ Hoàng Anh gặp phải liên quan đến quân nhân nên đơn vị đã báo cho Cơ quan Điều tra của Bộ Quốc phòng. "Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm chỉ tham gia dựng lại hiện trường, khám ôtô với sự có mặt của VKSND cùng cấp và Cơ quan Điều tra Bộ Quốc phòng. Sau đó, hồ sơ vụ việc đã bàn giao cho Cơ quan Điều tra Bộ Quốc phòng" - trưởng Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm thông tin.
Nói về vụ việc, luật sư Nguyễn Tường Linh (Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa) cho rằng việc cơ quan điều tra đo nồng độ cồn của những người lái xe là cần thiết để xác định nguyên nhân tai nạn. Tuy nhiên, kết quả xác định nồng độ cồn không phải là vấn đề quyết định để giải quyết vụ tai nạn giao thông. Việc có xử lý hình sự hay không thì phụ thuộc nhiều vào yếu tố lỗi và hậu quả xảy ra. Theo luật sư Linh, trong vụ việc này cần xác minh các yếu tố lỗi nhưng lại đưa nồng độ cồn vào để "lái" sự việc theo lỗi hỗn hợp là không phù hợp.
Báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10-8
Ông Phan Tấn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, đã ký văn bản yêu cầu Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan chức năng khẩn trương xem xét nội dung đơn của ông Hồ Hoàng Hùng; tiến hành các biện pháp nghiệp vụ nghiêm túc; kịp thời chỉ đạo điều tra, xác minh chặt chẽ, kỹ lưỡng, chính xác đối với kết quả kiểm tra nồng độ cồn của nữ sinh Hồ Hoàng Anh.
Các nội dung được ông Hồ Hoàng Hùng nêu cụ thể trong đơn phải được xem xét kỹ để quá trình xử lý vụ việc bảo đảm khách quan, chính xác, đúng quy định pháp luật. Kết quả điều tra, xác minh gửi UBND tỉnh Ninh Thuận trước ngày 10-8.
Sở Y tế: Ăn sữa chua cũng có nồng độ cồn
Về những tranh cãi nồng độ cồn của nữ sinh Hồ Hoàng Anh, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận cho biết quy định xét nghiệm mà có kết quả nồng độ cồn trong máu dưới 0,5023 mg/ml thì được coi là không có nồng độ cồn. Thực tế, các thức ăn như trái cây, sữa chua hay đồ uống, nước ngọt có gaz cũng có thể sinh ra nồng độ cồn nội sinh. Như trường hợp nữ sinh Hồ Hoàng Anh là 0,79 mg/100 ml máu tương đương với 0,0079 mg/ml là bình thường.
Bình luận (0)