Thế là sau 2 tháng 15 ngày kể từ khi phóng viên Trần Thế Dũng bị đánh “hội đồng”, Cơ quan CSĐT Công an huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn với nghiệp vụ điều tra đã có kết luận chính thức: “Không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ cố ý gây thương tích”! Căn cứ để ra quyết định này là: “Kết luận giám định pháp y về thương tích số 53/2010/TTPY ngày 8-2-2010 của Trung tâm Pháp y tỉnh Lạng Sơn, mức độ tổn hại cho sức khỏe của Trần Thế Dũng với tỉ lệ 2%, là hành vi vi phạm pháp luật chưa đến mức chịu trách nhiệm hình sự” (!).
Kết quả điều tra cũng xác định: “Đã làm rõ đối tượng Phan Bình An... là người thực hiện hành vi dùng chân, tay đánh Trần Thế Dũng... (ngoài ra không làm rõ được đối tượng nào khác).
Phóng viên Trần Thế Dũng với nhiều vết thương trên người sau vụ hành hung, nằm điều trị tại bệnh viện. Ảnh: H.N
Có tổ chức chứ không phải bột phát
Sự việc diễn ra công khai, có nhiều người biết, chứng kiến, báo chí đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng về thời gian, không gian, địa điểm, hoàn cảnh xảy ra việc đánh “hội đồng” phóng viên Trần Thế Dũng. Nạn nhân còn tường trình đầy đủ về diễn biến vụ việc, kể cả thông tin về người lái ô tô 7 chỗ, hiệu Suzuki, bắt anh Dũng lên xe chở về trụ sở Công an thị trấn Đồng Đăng để đóng vai “cứu giúp người bị nạn”, nhưng trên xe lại thách thức nạn nhân: “Tao chở thẳng vào công an xem mày làm gì được tao”...
Thế nhưng, cơ quan điều tra (CQĐT) chỉ xác định được một đối tượng thì thật vô lý!
Khi sự việc xảy ra, công an đã vào cuộc ngay, nạn nhân bị đánh bầm tím mặt mày, hình ảnh được đưa rõ ràng lên báo cho mọi người mục sở thị, rồi phải vào bệnh viện gấp để điều trị với bệnh án ghi rõ: “Tụ máu quanh hốc mắt hai bên. Tụ máu xung huyết hai mắt. Sưng nề sống mũi...” và được chẩn đoán “Chấn thương sọ não kín”. Vậy mà mãi hơn một tháng sau, CQĐT Công an huyện Cao Lộc mới trưng cầu giám định để rồi có kết quả bằng con số lạnh lùng: “Tổn hại sức khỏe 2%”, một số liệu đủ để không khởi tố vụ án.
Có điều gì ẩn khuất đằng sau sự chậm trễ này?
Giả sử tỉ lệ 2% nói trên là đúng đắn, khách quan thì đối chiếu với diễn biến sự việc cho thấy đây là vụ đánh người có tổ chức. Điều đó được thể hiện ở việc khi phát hiện phóng viên Thế Dũng chụp ảnh buôn lậu gia cầm, một số người đã phản ứng.
Khi phóng viên Thế Dũng vào quán ngồi uống nước, một người đến hỏi về chiếc xe máy để “dụ” anh ra quốc lộ, cách đó khoảng 50 m và đánh “hội đồng”. Phóng viên Thế Dũng van xin vẫn không tha, anh vùng dậy chạy thì tiếp tục bị đuổi đánh...
Như vậy, đây là hành vi đánh người có tổ chức chứ không phải bột phát mang tính cách cá nhân của một người. Những tình tiết này đã cho thấy cơ quan CSĐT có thể áp dụng điểm e (phạm tội có tổ chức), điểm i (phạm tội có tính chất côn đồ) khoản 1 điều 104 Bộ Luật Hình sự để khởi tố vụ án trong trường hợp thương tích của phóng viên Thế Dũng chỉ có... 2%.
Phải chăng, cơ quan CSĐT đã khoanh số lượng phạm pháp vào một người để tránh phải áp dụng các điều khoản trên đây và quyết định “không khởi tố vụ án hình sự”?
Bỏ qua nhiều yếu tố quan trọng
Giả sử không có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” như đánh giá của cơ quan CSĐT thì sự việc diễn ra công khai tại một điểm “nóng” gần ngay cửa khẩu, gây náo loạn nơi chốn đông người thì cũng có căn cứ để xem xét khởi tố về hành vi “Gây rối trật tự công cộng” để răn đe, phòng ngừa chung tại khu vực “nhạy cảm”.
Thông báo của Cơ quan CSĐT Công an huyện Cao Lộc đã không đề cập gì tới một yếu tố rất quan trọng: Động cơ của hành vi đánh “hội đồng” phóng viên đang làm nhiệm vụ chống buôn lậu tại điểm nóng vùng cửa khẩu Lạng Sơn.
Chắc chắn là Phan Bình An không quen biết, không thù hằn gì đối với cá nhân phóng viên Trần Thế Dũng. Vậy thì động cơ gì khiến An đánh phóng viên như là “trả thù”? Đằng sau An là ai? Cú điện thoại của tên tài xế khi chở anh Dũng về trụ sở công an với nội dung “Anh yên tâm, em sẽ dạy cho nó một bài học!” là gọi cho ai?...
Việc xử lý nghiêm minh vụ việc này có ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc đấu tranh chống buôn lậu - một căn bệnh trầm kha đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế đất nước. Lẽ ra Công an huyện Cao Lộc phải vào cuộc với ý thức như thế mới phải!
Thiết nghĩ, những điểm nêu trên cũng đủ để Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lạng Sơn vào cuộc để điều tra lại kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT Công an huyện Cao Lộc.
Bình luận (0)