Sau khi chụp những tấm ảnh về hoạt động buôn bán hàng lậu xuyên biên giới tại Khưa Đa, tối cùng ngày, tôi về làng Kéo Kham, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc - Lạng Sơn, cách Gốc Bưởi khoảng 5 km. Cũng như Gốc Bưởi, Kéo Kham là điểm nóng buôn lậu. Sau khi thu thập tư liệu và hình ảnh về hoạt động vận chuyển gia cầm ở Kéo Kham, bất ngờ tôi bị một nhóm người tấn công. Mới đây, qua điều tra của cơ quan công an, tôi được biết vụ hành hung tôi có sự dàn xếp và theo lệnh của “đại ca” Q. “già”, một trùm hàng lậu tại Lạng Sơn.
Phóng viên Thế Dũng điều trị tại bệnh viện sau khi bị hành hung
Sau khi vụ việc xảy ra, Công an huyện Cao Lộc đã không khởi tố vụ án mà chỉ xử phạt hành chính một kẻ tham gia hành hung tôi. Trước cách giải quyết phi lý này, nhiều cơ quan quản lý báo chí, hội nghề nghiệp, đồng nghiệp, đông đảo bạn đọc... đã cùng Báo NLĐ lên tiếng mạnh mẽ. Cuối cùng, kết luận bất thường của Công an huyện Cao Lộc đã bị hủy bỏ. Công an tỉnh Lạng Sơn đã khởi tố vụ án và đang trong quá trình điều tra vụ tôi bị hành hung.
Biết tôi bị hành hung dã man lúc đang tác nghiệp, nhiều người quen, bạn bè có hỏi rằng tôi có sợ hãi, chùn bước, nao lòng không; có định chuyển nghề không? Tôi nói với họ là tôi yêu công việc mà mình đã chọn và sẽ cố gắng theo đuổi đến cùng. Theo tôi, ai cũng né cái xấu, tránh sự nguy hiểm thì cái xấu sẽ ngày càng lấn át những điều tốt đẹp. Dám đương đầu với nguy hiểm, người làm báo sẽ có cơ hội phanh phui những việc tiêu cực, khai thác những chuyện hấp dẫn. Bởi, phía sau sự nguy hiểm thường là những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật hoặc đi ngược lại với lợi ích chung của xã hội.
Tôi nghĩ rằng phóng viên nào cũng say nghề và sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, thử thách. Điều quan trọng nhất là những người làm báo vẫn vững vàng tiếp bước trên con đường mà mình đã chọn vì mỗi bước đi, mỗi việc làm và sự dấn thân của chúng tôi luôn có bạn đọc ở đằng sau ủng hộ, sẻ chia và đặt niềm tin.
Bình luận (0)