8 giờ 10 phút sáng nay 6-3, Toà án nhân dân (TAND) Tối cao đã mở phiên xét xử phúc thẩm vụ “quan tài diễu phố” tại trụ sở TAND tỉnh Vĩnh Phúc. Thẩm phán Hà Tiến Triển làm chủ tọa. Trước đó, vào ngày 13-12-2013, phiên phúc thẩm đã bị hoãn 1 lần.
Từ sáng sớm, khi bước vào hội trường xét xử, bà Nguyễn Thị Hải, mẹ của nạn nhân Nguyễn Tuấn Anh đã bật khóc nức nở hồi lâu, khiến chủ tọa phải nhắc nhở ổn định tình hình. Đông đảo người dân cũng đã có mặt tham dự phiên tòa.
8 giờ kém, 8 bị cáo trong phiên sơ thẩm được dẫn giải vào tòa, trong đó có 6 bị cáo kháng cáo và 2 người dự với tư cách nhân chứng.
Trong phần xét hỏi và thẩm vấn các bị cáo vào sáng nay 6-3, các bị cáo bị truy tố về tội Giết người đều trả lời quanh co, chối tội và cho rằng, lời khai tại cơ quan điều tra không đúng vì cán bộ điều tra “mớm cung”.
Bị cáo Đặng Quốc Tú khẳng định: Bị cáo không trực tiếp tham gia vụ sát hại nạn nhân Nguyễn Tuấn Anh. Khi các bị cáo khác truy đuổi nạn nhân, bị cáo đứng gần Nguyễn Duy Hiệp (anh họ nạn nhân) và được người này nhờ chạy ra can ngăn. Khi chạy ra thì không thấy anh Nguyễn Tuấn Anh ở đâu mà chỉ thấy các bị cáo đi về quán ăn.
Riêng bị cáo Phùng Mạnh Tuấn, người bị tuyên phạt mức án tử hình tại phiên sơ thẩm khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và xin được giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo cho rằng, bản thân còn quá trẻ và phạm tội lần đầu nên mong có cơ hội làm lại cuộc đời.
Đáng chú ý, bị cáo Nguyễn Văn Bính (tức Bình Cong) cho rằng: "Toàn bộ lời khai của bị cáo đều do cán bộ điều tra đọc để bị cáo ghi. Khi bị cáo khai tại các bản tự khai khác với bản khai mà cán bộ điều tra mớm cung, liền bị cán bộ điều tra lao vào đánh hội đồng”. Bị cáo này cũng mong muốn HĐXX giảm nhẹ hình phạt để bị cáo nhanh chóng trở về với gia đình, xã hội và làm lại cuộc đời.
Tương tự, bị cáo Nguyễn Văn Tình khẳng định mình không phạm tội giết người. Về bản khai nhận tội tại cơ quan điều tra, bị cáo cho rằng: “Cán bộ điều tra đánh đập, bắt ghi vào bản tự khai là có tham gia vào việc đánh anh Nguyễn Tuấn Anh”. Tuy nhiên, bị cáo Tình cũng thừa nhận mình có tham gia vào quá trình truy đuổi nạn nhân, nhưng tuyệt đối không ra tay đánh đập. Suốt quá trình lấy lời khai, bị cáo không thấy kiểm soát viên xuất hiện lấy lời khai.
Bị cáo Đặng Quốc Tú khẳng định mình cũng không phạm tội. Bản khai của bị cáo do điều tra viên ép viết. Khi bị cáo đến Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an tỉnh Vĩnh Phúc) đầu thú có 2 kiểm soát viên ở đó và bị cáo khai không có tội. Thế nhưng, khi hai kiểm soát viên về thì cán bộ điều tra đánh đập và ép cung.
Tại tòa, đại diện gia đình bị hại, chị Nguyễn Thị Huyền (chị gái nạn nhân Nguyễn Tuấn Anh) đề nghị HĐXX làm rõ vai trò của ông Trần Khánh Dũng, tại sao các đối tượng lại ở tại ngôi nhà của ông Trần Khánh Dũng.
Chị Huyền cũng đề nghị HĐXX giúp gia đình làm rõ về việc ông Dũng quản lý nhân viên như thế nào mà lại để nhân viên hành xử như vậy, và khi sự việc xảy ra gia đình tôi không thấy ông Trần Khánh Dũng đến thăm hỏi gia đình. “Đề nghị HĐXX làm rõ số điện thoại gọi đến số máy của Nguyễn Duy Hiệp sau khi sự việc xảy ra, bởi khi nói với gia đình thì Hiệp nói là bị đe dọa nên không dám nói đúng sự việc. Số điện thoại của Hiệp cả gia đình đều biết nhưng tại tòa sơ thẩm lại đưa ra số điện thoại khác” - chị Huyền kiến nghị.
Tại phiên tòa, chị Nguyễn Thị Thương (vợ nạn nhân Nguyễn Tuấn Anh) đã công bố số điện thoại của em họ mình là Nguyễn Văn Hiệp.
Luật sư Lê Thị Oanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của gia định bị hại, đề nghị HĐXX hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại từ đầu, không bỏ lọt tội phạm.
Đến 11 giờ 30 phút, Tòa tạm nghỉ. Chiều nay, 13 giờ 30 phút, phiên tòa tiếp tục.
Sau phần tranh tụng tại tòa, chiều ngày 6-3, đại diện Viện KSND Tối cao cho rằng hồ sơ vụ án giết người xảy ra tại phường Hội Hợp (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) có rất nhiều bút lục của điều tra viên đã bị tẩy xóa, sửa nội dung; nhiều biên bản liên quan đến vụ án không phải do điều tra viên lập; nhiều bút lục lấy lời khai nhân chứng và người liên quan không có chữ ký của điều tra viên.
Cũng theo vị đại diện VKS, qua xem xét hồ sơ và các bút lục, có thể thấy: Nhiều bản tự khai của bị cáo bị truy tố về tội giết người được chép ra từ biên bản lấy lời khai mà điều tra viên thực hiện. Lời khai các bị cáo trùng lặp nhau biểu hiện của sự sao chép. Ngoài ra, mặc dù lời khai của các bị cáo bị truy tố về tội giết người có mâu thuẫn, nhưng không được cơ quan tố tụng tiến hành xác minh.
Với những biểu hiện vi phạm trong tố tụng, đại diện VKS khẳng định: "Cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng về quy trình điều tra, tố tụng. Cần hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại từ đầu”.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Phùng Mạnh Tuấn và Nguyễn Đắc Tú nhất trí với quan điểm của VKS về yêu cầu trả hồ sơ điều tra. Luật sư đề nghị làm rõ: “Vì sao một số bút lục bị tẩy xóa? Ai đã làm vấn đề này? Mục đích của việc tẩy xóa bút lục này là gì?”.
Luật sư Lê Thị Oanh, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nạn nhân Nguyễn Tuấn Anh, cho rằng trong vụ án này, các cơ quan tố tụng và cơ quan điều tra Vĩnh Phúc đã vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng hình sự. Luật sư Oanh khẳng định: “Sai phạm của VKS tỉnh Vĩnh Phúc thể hiện ở việc không phân công kiểm sát viên ở từng giai đoạn điều tra vụ án; đối chiếu hồ sơ vụ án thì phát hiện các bút lục không thể hiện các quyết định phân công các kiểm sát viên giám sát; các kiểm sát viên không tham gia giám sất lấy cung, hỏi cung các bị cáo trong giai đoạn lấy cung”.
“Ngay tại phiên tòa, một số bị cáo khẳng định rằng bị cáo không được gặp kiểm sát viên, các kiểm sát viên cũng không tiến hành lấy lời khai các bị cáo ngay tại phiên tòa” - luật sư Oanh phân tích.
Cũng theo luật sư Oanh, việc cơ quan điều tra không dựng lại hiện trường, thực nghiệm điều tra trong khi chứng cứ khác của vụ án chưa chắc chắn khiến việc điều tra không khách quan, đầy đủ. Việc lấy lời khai có biểu hiện không khách quan. Tại phiên tòa, bị cáo Phùng Mạnh Tuấn và Phùng Đắc Tú đã khai rằng do bị đánh bắt buộc phải khai không đúng sự thật, được điều tra viên chép lời khai của các bị cáo khác.
Luật sư Oanh đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, trả lại hồ sơ vụ án để điều tra lại từ đầu để làm sáng tỏ vụ án, không vì con ông cháu cha mà bỏ lọt tội phạm.
Sau khi nghị án, HĐXX nhận định, hồ sơ vụ án có nhiều mâu thuẫn về vai trò phạm tội nên cần phải xác minh lại. Trong hồ sơ vụ án có nhiều bút lục bị tẩy xóa, nhiều lời khai của bị can không có chữ ký của điều tra viên.
67 bút lục có lời khai giống nhau, thậm chí có lời khai của bị can còn chép lại cả câu hỏi của điều tra viên nên các bản khai này không có giá trị pháp lý.
Tại phiên tòa, luật sư bảo vệ cho bị hại còn đưa ra việc có 3 kiểm sát viên không được phân công của Viện trưởng VKS tỉnh, trong đó có 2 trường hợp bổ sung sau.
Như vậy, hồ sơ vụ án đã vi phạm nghiêm trọng luật Tố tụng hình sự nên cần phải hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. HĐXX quyết định tuyên hủy bản án hình sự sơ thẩm để điều tra lại.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã đưa tin, tối ngày 14-3, nạn nhân Nguyễn Tuấn Anh (27 tuổi, trú tại Phố Cả, phường Hội Hợp, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) đi uống rượu, hát karaoke cùng đồng nghiệp.
Đến khoảng 23 giờ cùng ngày, anh Tuấn Anh và em họ là Nguyễn Văn Hiệp cùng nhau vào ăn đêm ở Quán Tiên (phường Hội Hợp).
Tại đây, 2 người gặp nhóm 6 người Nguyễn Văn Tình, Phùng Mạnh Tuấn, Phùng Quốc Tú, Nguyễn Văn Định, Nguyễn Văn Bình, Đặng Quốc Tú đang ngồi ăn.
Chỉ vì 1 câu nói của anh Tuấn Anh, cả nhóm đã ùa theo truy sát anh này ra mương nước gần đó, dẫn đến việc người thanh niên này tử vong dưới mương nước.
Không thấy con về, gia đình Tuấn Anh đã báo cơ quan công an. Vào sáng ngày 17-3, xác của Tuấn Anh được tìm thấy dưới cống mương nước ở phường Hội Hợp. Sau khi khám nghiệm tử thi, cơ quan công an kết luận nạn nhân tử vong do bị ngạt nước.
Kết luận này khiến người nhà nạn nhân Tuấn Anh nghi ngờ. Bức xúc, người nhà nạn nhân cùng một số người dân đã mang quan tài nạn nhân đi diễu hành nhiều nơi ở TP Vĩnh Yên vào chiều ngày 17-3.
Ngay sau đó, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc, với sự phối hợp của Bộ Công an, đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, khởi tố vụ án và lần lượt bắt, khởi tố các bị can.
Ngày 6-9, TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã tuyên phạt bị cáo Phùng Mạnh Tuấn án tử hình, Phùng Đắc Tú tù chung thân, Đặng Quốc Tú tù chung thân, Nguyễn Văn Định 20 năm tù, Nguyễn Văn Tình 18 năm tù, Nguyễn Văn Bính 12 năm tù về tội Giết người. Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn bị tuyên phạt 3 năm tù về tội Che giấu tội phạm và Nguyễn Văn Hiệp 2 năm 6 tháng tù và quản chế 2 năm sau mãn hạn tù vì tội Không tố giác tội phạm.
Sau khi vụ án này được xét xử sơ thẩm, 6 trong 8 bị cáo của vụ án lẫn gia đình bị hại đồng loạt kháng án.
Bình luận (0)