Cho đến thời điểm hiện tại, bà Nguyễn Thị Loan (mẹ Hồ Duy Hải) không bao giờ quên ngày bà đang chăm mẹ tại nhà thì nhận được tin công an mời con bà lên làm việc, chiều sẽ thả về.
Bà băng ruộng, lội đồng lên chờ trước cổng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An để rước con. Để rồi, bà lại được thông báo con bà vài ngày tới mới được về. Vậy mà sau đó, công an đến khám xét nhà và tại đây theo bà công an đã "mượn đỡ" bộ trang sức của con gái bà.
"Đến năm 2009, khi gia đình tôi phản ứng quá thì công an mới gọi lên trả lại vàng đã "mượn đỡ" của con gái tôi. Tuy nhiên, điều tra viên nói rằng đã làm mất giấy tờ chứng minh là vàng gia đình bà mua ở tiệm. Tôi đi đâu kêu oan cho con tôi cũng photocopy tờ giấy trả lại 4 chiếc cà rá (nhẫn) mà công an đã lấy trước đó" - bà Loan nghẹn ngào nói.
Bà Nguyễn Thị Loan (bìa phải) Ảnh: Lê Phong
Sau phiên tòa sơ thẩm, Hồ Duy Hải bị tuyên tử hình. Bà Loan nói bà trông chờ công lý sẽ đến với con bà nhưng bản án phúc thẩm của TAND Tối cao tại TP HCM đã bác kháng cáo, tuyên y án tử hình. Kể từ đó, bà Loan và chị ruột của mình đã thay phiên nhau đi Hà Nội gửi đơn cầu cứu.
Bà kể bà đi xuyên suốt, cứ có tiền là đi. Có tháng đi một lần, có tháng đi nhiều lần; có tiền nhiều thì bà đi máy bay, hết tiền bà đi tàu lửa, cạn tiền bà đi xe buýt ra ga Sài Gòn mua ghế cứng ngồi ra đến Hà Nội. Để có tiền trang trải, ăn uống cho hành trình kêu oan, bà phải bán đất, bán nhà và vay mượn khắp nơi.
Ròng rã 12 năm trời, bà nuôi hy vọng, lùng sục địa chỉ làm việc, nhà ở của chánh án TAND Tối cao để mong được gặp, được đưa trực tiếp lá đơn đẫm mồ hôi, nước mắt với cả tấm lòng một người mẹ.
Người mẹ này nói niềm tin, sự động viên của họ hàng, lối xóm là sức mạnh vô hình giúp bà đi khắp nơi gửi đơn cầu cứu.
Nói về hành trình đi tìm công lý, bà tự hỏi rằng có người mẹ nào chịu nhiều đau khổ như bà, có đứa con nào chịu nhiều đau đớn, giày vò về thể xác và tinh thần như Hồ Duy Hải?
"Một người mẹ gầy còm đội trên 2.000 bộ đơn đi từ Nam ra Bắc để cầu cứu cho con nhưng không được giải quyết. Tôi đi với một tâm trạng rất nặng nề, tâm hồn sầu não chỉ có nước mắt làm bạn với tôi trên mọi nẻo đường, chẳng biết khóc cùng ai. Lặng lẽ mình đi với một tâm trạng không giống ai vì hai chữ công lý" - bà Loan chực khóc khi trò chuyện với chúng tôi.
Bà kể lần đầu đi trại giam thăm con, cán bộ dặn dò bà không được khóc khi nói chuyện với Hồ Duy Hải. Mỗi tháng bà đi trại giam thăm con một lần nhưng không được nói những vấn đề liên quan đến vụ án dù chỉ một lần. Bà Loan nói: "Nhìn con hốc hác, ốm o mà lòng tôi tan nát nhưng vẫn nén dạ, dặn mình phải mạnh mẽ, phải không được khóc vì con".
"Tôi rất mừng khi ngành tòa án đã lên kế hoạch cho phiên giám đốc thẩm. Tôi có một niềm tin mãnh liệt, bằng trái tim của một người mẹ, tôi tin con tôi bị oan. Tôi có một khát vọng tột cùng đó là tòa án phải trả tự do cho con tôi. Đến nay đã 12 năm, cán cân công lý phải trở về đúng vị trí của nó, lẽ phải và công bằng phải được thực thi" - bà Loan chia sẻ.
Bình luận (0)