Ngày 10-1, phiên tòa xét xử Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") và 2 nguyên chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến cùng 18 bị cáo khác trong vụ án chuyển nhượng nhà đất công sản gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng tiếp tục phần tranh tụng.
"Sáng tạo"... trái pháp luật
Tại phiên tòa, bị cáo Trần Văn Minh cho rằng đã thực hiện đúng chủ trương, chính sách của TP Đà Nẵng và pháp luật của nhà nước. Một số chủ trương chung về bán nhà đất công sản, giao đất, cho chuyển đổi tên người sử dụng đất, cho giảm tiền sử dụng đất mà bị cáo ký ban hành không phù hợp với pháp luật nhưng là "sự sáng tạo mang lại hiệu quả, góp phần vào sự phát triển cho TP".
Đại diện VKSND bác bỏ những luận điểm của luật sư và cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng vì "hoàn toàn không có cơ sở". "Những năm qua, TP Đà Nẵng có bước phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng nhưng không thể coi đó là do các chủ trương, chính sách trái pháp luật của các bị cáo. Cái mới, cái sáng tạo phù hợp quy luật phát triển có hiệu quả đích thực chắc chắn sẽ được thừa nhận, nhân rộng, xây dựng thành chính sách pháp luật" - đại diện VKSND khẳng định.
Bị cáo Trần Văn Minh (giữa) tại phiên tòa Ảnh: TTXVN
Trên cơ sở đó, đại diện VKSND nhấn mạnh những chủ trương, chính sách pháp luật sai trái mà bị cáo Trần Văn Minh ký ban hành vi phạm pháp luật buộc phải hủy. "Việc này dẫn đến phiên tòa hôm nay, bị cáo Minh vẫn cho rằng những chủ trương, chính sách chung cũng như các văn bản cá biệt của bị cáo ký ban hành là những chủ trương, chính sách sáng tạo là điều không thể chấp nhận được" - đại diện VKSND khẳng định.
Cũng theo đại diện VKSND, tại tòa, bị cáo Phan Văn Anh Vũ không thừa nhận có quan hệ với bị cáo Trần Văn Minh. Khi TP Đà Nẵng có chủ trương bán nhà, đất thì Vũ xin mua nên có sai thì do bên bán. Tuy nhiên, trong các dự án Vũ đều trao đổi với lãnh đạo TP Đà Nẵng nên đủ cơ sở khẳng định bị cáo chính là người mua các dự án nhà đất, nhà công sản không qua đấu giá và còn được giảm hệ số sinh lời.
"Vì biết rõ công ty của mình không được mua nhà công sản nên bị cáo đã trực tiếp liên hệ với lãnh đạo TP và liên hệ với các công ty khác để được mua nhà trái pháp luật. Trong những trường hợp khó mua, Vũ đã lợi dụng các văn bản trái pháp luật của Bộ Công an" - đại diện VKSND nêu.
Cân nhắc công - tội
Ngay sau đó, tranh tụng lại với VKSND, bị cáo Phan Văn Anh Vũ cho rằng vụ án này rất phức tạp và còn nhiều uẩn khúc. Theo đó, vụ án đã bị bỏ lọt nhiều hồ sơ, sai lệch hồ sơ, kết luận buộc tội bị cáo là không có cơ sở. Phan Văn Anh Vũ cũng khẳng định lại với đại diện VKSND tại phiên tòa rằng bị cáo không có bà con, anh em, bạn bè, cô chú với lãnh đạo TP Đà Nẵng; bản thân bị cáo có đủ cơ sở khẳng định mình không có tội.
Cũng tranh tụng với VKSND, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cho rằng cách tính thiệt hại theo cáo trạng là chưa phù hợp. Cụ thể, đó là việc lấy thiệt hại thời điểm cơ quan điều tra khởi tố vụ án (năm 2018) trừ đi giá trị các giao dịch chuyển nhượng nhà, đất hàng chục năm trước. Bị cáo Chiến lấy ví dụ: "Cầu sông Hàn thời điểm đó là 95 tỉ đồng, đến năm 2018, liệu 3.000-4.000 tỉ đồng có xây được không? Tiền nộp vào để xây dựng hạ tầng không tính chênh lệch cho người ta, cách tính như vậy không công bằng".
Trên cơ sở xem xét, cân nhắc các nội dung, ý kiến, luận cứ gỡ tội của các bị cáo và các luật sư, đại diện VKSND giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho một số bị cáo trong một số dự án, đồng thời giảm trách nhiệm hình sự, giảm mức án đề nghị đối với một số bị cáo.
Theo đó, đại diện VKSND đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho bị cáo Nguyễn Văn Cán (nguyên Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng; trước đó bị đề nghị từ 3 - 4 năm tù); đề nghị không nhất thiết áp dụng hình phạt tù đối với bị cáo Nguyễn Quang Thành (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Minh Hưng Phát). Bên cạnh đó, đề nghị giảm trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Trần Văn Minh và giảm bớt một phần hình phạt đối với các bị cáo: Trần Phi (nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP XNK Đà Nẵng), Phan Ngọc Thạch (nguyên Giám đốc Công ty CP Du lịch Đà Nẵng), Huỳnh Tấn Lộc (nguyên Giám đốc Công ty CP Công nghệ phẩm Đà Nẵng), Lê Anh Tuấn (Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Cung ứng tàu biển Đà Nẵng), Nguyễn Ngọc Tuấn (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng). Riêng đối với bị cáo Phan Văn Anh Vũ, đại diện VKSND đề nghị HĐXX xử lý nghiêm khắc.
"Mong HĐXX xem xét và ghi nhận"
Kết thúc phần tranh tụng, trước khi HĐXX nghị án, các bị cáo đã trình bày lời nói sau cùng tại tòa. Bị cáo Trần Văn Minh mong HĐXX xem xét các đơn vị tham mưu với tinh thần có những chủ trương của tập thể Thường vụ, HĐND, UBND. "Bản thân tôi trong quá trình công tác cũng có sự đóng góp với TP Đà Nẵng. Mong HĐXX ghi nhận" - bị cáo kết thúc.
Bị cáo Văn Hữu Chiến cho rằng trong quá trình làm việc được phân công nhiệm vụ 2 thời kỳ là phó chủ tịch và chủ tịch UBND TP. Trong vụ án này, hầu hết nằm trong giai đoạn bị cáo làm phó chủ tịch, chỉ có 2 nhà ở thời kỳ làm chủ tịch, trong đó 1 nhà làm đúng quy định, còn 1 nhà là theo ý kiến của Bộ Công an. "Bản thân tôi đã cố gắng hết mình, làm theo sự phân công của UBND, làm hết nhiệm vụ để Đà Nẵng phát triển từ một TP trực thuộc tỉnh lên trực thuộc trung ương... Bị cáo cùng lãnh đạo TP tìm mọi cách, say sưa trong công việc để xây dựng Đà Nẵng như ngày hôm nay. Bị cáo rất tự hào về Đà Nẵng, trong đó có sự đóng góp của các bị cáo ở đây" - bị cáo Chiến bày tỏ.
Bình luận (0)