Ngày 19-12, tại TAND TP HCM, phiên tòa xét xử Nguyễn Thái Luyện (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Alibaba) cùng 22 đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Rửa tiền" diễn ra với phần tranh tụng.
Liên tục làm mới dự án "ma"
Luận tội các bị cáo, đại diện VKSND TP HCM cho rằng đây là vụ án điển hình về bóp méo chính sách khuyến khích đầu tư vào đất đai của nhà nước. Thiệt hại không chỉ nằm ở số tiền mà còn phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, gây rối loạn nghiêm trọng thị trường bất động sản. Về mặt ý thức, các bị cáo biết và buộc phải biết hành vi của mình là sai nhưng vẫn bất chấp, ngoan cố, tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đến cùng.
Với Nguyễn Thái Luyện, bị cáo này đã huy động vốn trái pháp luật từ hàng ngàn khách hàng nhờ vào "bình phong" kinh doanh bất động sản. Thủ đoạn của Luyện tinh vi khi sử dụng các công ty con để lập dự án dân cư, phân lô trái pháp luật, quảng cáo dự án có tính pháp lý đầy đủ để kêu gọi khách hàng ký hợp đồng bán đất nền dưới dạng thổ cư.
Theo người thực hành quyền công tố, từ thời điểm thành lập (năm 2016) đến khi vụ án bị khởi tố (tháng 9-2018) là hơn 3 năm nhưng trong 58 dự án mà Công ty Alibaba bán cho khách hàng, thực tế không một hợp đồng nào thực hiện vì không có dự án nào hình thành như lời quảng cáo. Các bất động sản này thực chất không phải là dự án, không phải là đất ở mà đều là đất nông nghiệp. Thậm chí, một số thửa đất dù là đất nông nghiệp nhưng các bị cáo cũng không có quyền sử dụng.
Công ty Alibaba cũng chưa từng xin cấp phép cho 1 trong 58 dự án này, dù chỉ là xin thủ tục. Điều này minh chứng các bị cáo không có ý định xin cấp phép đầu tư theo đúng quy định của pháp luật. Tính đến ngày vụ án bị khởi tố, chưa có pháp nhân nào thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định... "Cơ quan chức năng còn xác định nhiều dự án sau khi tự vẽ bán không được hoặc còn tồn đọng thì Nguyễn Thái Luyện chỉ đạo đổi tên, yêu cầu sáp nhập để biến thành dự án mới với tên gọi khác" - đại diện VKS nêu.
Các bị cáo tại phiên tòa Ảnh: Huế Xuân
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện
"Đồng phạm bị chủ mưu lừa"
Dẫn phần trả lời HĐXX của bị cáo Nguyễn Thái Luyện trước đó rằng nguồn tiền mua đất là do tích lũy cá nhân và tiền cha mẹ cầm cố nhà để kinh doanh, đại diện VKS cho rằng lời khai này mâu thuẫn với lời khai "tất cả nguồn tiền từ khách hàng nộp" của chính vợ bị cáo. Luyện cũng mâu thuẫn với chính mình khi trả lời các luật sư và mâu thuẫn với nội dung đơn khiếu nại mà bị cáo gửi đến cơ quan chức năng.
Cũng theo đại diện VKS, tại phiên tòa, trừ bị cáo Luyện, tất cả bị cáo là giám đốc các công ty con hoặc những người liên quan có tên cổ phần, bao gồm vợ Luyện và 2 em trai Luyện (Nguyễn Thái Lĩnh và Nguyễn Thái Lực) đều xác định không có tiền tham gia góp vốn. Việc góp vốn chỉ là hình thức nên lời khai của Luyện không có cơ sở chấp nhận, mâu thuẫn với hồ sơ tài chính của Công ty Alibaba mà cơ quan điều tra đã thu thập.
Bào chữa cho vợ chồng bị cáo Nguyễn Thái Luyện, các luật sư nêu nhiều lập luận, sau đó đề nghị chuyển thành tội danh vợ chồng này sang "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai" mới thỏa đáng.
Tự bào chữa bổ sung, bị cáo Luyện nhất định không thừa nhận hành vi phạm tội như VKS nêu dù khẳng định mình là người chỉ đạo cao nhất, xuyên suốt toàn bộ Công ty Alibaba và 22 công ty con. Luyện còn nói nếu vụ việc được xử lý theo hướng dân sự thì Công ty Alibaba bảo đảm khách hàng không thiệt thòi.
Liên tục khẳng định mình không vụ lợi, không chiếm đoạt của ai, bị cáo Luyện nói công ty được thành lập với tầm nhìn trong vòng 5 năm sẽ trở thành doanh nghiệp lớn nhất khu vực Đông Nam Á thông qua 3 sứ mạng hướng đến xã hội.
Mục đích thành lập Công ty Alibaba, theo bị cáo này, là mong muốn giới thiệu đến khách hàng những lô đất nền vùng ven giá rẻ, pháp lý minh bạch nhằm giúp họ giàu lên. Bản thân Luyện thấy việc đô thị hóa liên tục giúp cho giá trị bất động sản ở vùng ven tăng. "Cho dù chủ đầu tư không thực hiện thì việc đô thị hóa liên tục, đất nước đang phát triển thì giá trị đất ở đây cũng tăng… Thông qua quá trình phát triển, tôi cũng muốn tạo công ăn việc làm cho các bạn trẻ giống tôi, nuôi được bản thân, gia đình. Tôi khẳng định tới giờ này tôi không có chuyện vụ lợi cá nhân" - Luyện nói trước tòa.
Liên quan nội dung này, luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Thị Hồng Ngọc (cựu Giám đốc Công ty Tia Chớp - công ty con của Công ty Alibaba) khẳng định Luyện đã lừa đảo chính nhân viên của mình. Nhiều đồng phạm khác cũng là nạn nhân của Luyện khi dốc hết tài sản mà không được lợi ích từ việc đầu tư. Mặt khác, hầu hết các đồng phạm thừa nhận hành vi để mong xem xét, giảm nhẹ mức hình phạt.
Hôm nay (20-12), các bên sẽ tiếp tục tranh luận.
Tăng 200 tỉ đồng tiền thiệt hại
Khác với cáo trạng công bố trước đó, tại tòa, đại diện VKSND TP HCM buộc vợ chồng Luyện và Mai liên đới bồi thường 2.462 tỉ đồng cho 4.550 khách hàng (tăng khoảng 200 khách hàng, thêm khoảng 200 tỉ đồng so với cáo trạng); buộc nộp lại 13 tỉ đồng (tội "Rửa tiền") cho cơ quan chức năng; tiếp tục kê biên 652 thửa đất nông nghiệp để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án của các bị cáo.
Đại diện VKSND TP HCM nhấn mạnh rất chia sẻ với các bị hại đã gom góp tiền bạc để mua đất làm nhà, mục đích an cư như lời quảng cáo của Công ty Alibaba. Tại phần xét hỏi, các bị hại này đề đạt nguyện vọng được nhận lại đất như hợp đồng. "Nhưng phải xác định rõ các dự án, các nền đất mà khách hàng đã được Công ty Alibaba cam kết giao sẽ không bao giờ có vì không thỏa quy định của pháp luật" - kiểm sát viên nói.
Bình luận (0)