Sáng nay 20-4, TAND TP Yên Bái mở phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu nhà báo Lê Duy Phong (33 tuổi), cựu trưởng Ban Bạn đọc, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Cựu nhà báo Lê Duy Phong được áp giải tới tòa - Ảnh: T.P.
Cựu nhà báo Lê Duy Phong tại phiên tòa - Ảnh: T.P.
Theo đó, TAND TP Yên Bái phân công thẩm phán Đỗ Thu Hương làm chủ tọa phiên tòa. Ngoài ra, HĐXX còn có 2 vị hội thẩm nhân dân chính thức và 2 vị hội thẩm nhân dân dự khuyết. Đại diện VKSND TP Yên Bái thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử là kiểm sát viên Lê Thu Hằng và kiểm sát viên Hoàng Anh Huấn.
Phiên tòa xét xử cựu nhà báo Lê Duy Phong
Ngay từ sáng, hàng trăm người dân có mặt tại phiên tòa, căn phòng xử khoảng 100 m2 nhưng có hàng trăm người ngồi kín và phải ngồi tràn ra ngoài các hành lang. Được áp giải đến phiên tòa, cựu nhà báo Lê Duy Phong mặc áo trắng, quần tối màu và gầy hơn so với thời điểm trước khi bị bắt.
Ông Vũ Xuân Sáng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Yên Bái, người có nghĩa vụ liên quan không đến phiên tòa mà cử người đại diện tham dự phiên tòa.
Báo chí bị hạn chế tác nghiệp tại phiên tòa
Mặc dù, ngày 19-4, nhiều cơ quan báo chí liên hệ với tòa án, nhưng hôm nay 20-4 vẫn không được tòa án sắp xếp chỗ tác nghiệp mà phải ngồi ngoài hành lang để tác nghiệp. Trong phòng xử bị phá sóng gây khó khăn trong tác nghiệp.
Theo cáo trạng, ngày 22-6-2017, trong khi đang tiến hành xác minh đơn tố giác của ông Vũ Xuân Sáng, Công an TP Yên Bái đã phát hiện và bắt quả tang nhà báo Duy Phong đang có hành vi cưỡng đoạt tài sản số tiền 50 triệu của ông Hoàng Trung Thực, người có góp vốn kinh doanh một công ty hoạt động về vận tải.
Trước đó, tháng 6-2017, ông Lê Duy Phong chỉ đạo phóng viên đến Yên Bái để xác minh nguồn gốc và tài sản trên đất của gia đình giám đốc công an và giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Yên Bái. Ông Phong đã nhắn tin vào số máy ông Vũ Xuân Sáng đề nghị gặp để xác minh một số vấn đề liên quan đến "dinh thự" của gia đình ông.
Tại cuộc gặp, ông Phong đã gợi ý ông Sáng đưa cho mình 200 triệu đồng thì sẽ "giải quyết ổn thỏa và không viết bài về nhà ông Sáng nữa". Ông Sáng đồng ý và đưa trước cho Phong 100 triệu đồng tại phòng làm việc. Chiều ngày 16-6-2017, ông Sáng đưa tiếp cho Phong 100 triệu đồng nữa. Cùng ngày 16-6, ông Phong chỉ đạo phóng viên dừng việc tìm hiểu việc liên quan đến "dinh thự" của ông Sáng.
Cơ quan điều tra cũng cho rằng sau khi đưa tiền cho ông Phong, ông Sáng "bình tĩnh trở lại" nhận thức với cương vị là ủy viên Ủy ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Yên Bái nên "không thể im lặng".
Ông Sáng đã báo cáo với Chủ tịch tỉnh UBND tỉnh Yên Bái và đến Công an TP Yên Bái tố giác việc bị nhà báo Duy Phong cưỡng đoạt 200 triệu đồng.
Theo cáo trạng, bị cáo Phong bị truy tố theo điểm a khoản 3 Điều 170 Bộ Luật Hình sự năm 2015, với mức án từ 7-15 năm tù. Ngoài ra, bị cáo Phong có một tình tiết tăng nặng quy định tại điểm c và điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ Luật Hình sự năm 2015 là "lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội" và "phạm tội từ 2 lần trở lên".
Bên cạnh đó, VKS cũng đề nghị tòa xem xét một số tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo này, đó là trong giai đoạn truy tố, Lê Duy Phong đã khai nhận hành vi chiếm đoạt tài sản của ông Vũ Xuân Sáng và ông Hoàng Trung Thực, tác động đến gia đình thực hiện bồi thường 200 triệu đồng cho ông Sáng.
Bình luận (0)