Ngày 7-9, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với 29 bị cáo trong vụ án giết người, chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội.
Gây ra nhiều sự việc nghiêm trọng
Theo cáo trạng, các bị cáo biết rõ đất cánh đồng Sênh (xã Đồng Tâm) là đất quốc phòng đã được Thanh tra TP Hà Nội và Thanh tra Chính phủ kết luận. Sau đó, cơ quan chức năng TP Hà Nội và trung ương đã tổ chức đối thoại với nhân dân xã Đồng Tâm để người dân hiểu và yêu cầu thực hiện đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, từ năm 2013, ông Lê Đình Kình (SN 1936, trú thôn Hoành) cùng Lê Đình Công, Nguyễn Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển và một số đối tượng tại xã Đồng Tâm thành lập "Tổ đồng thuận" với mục đích chiếm lại đất đồng Sênh chia nhau. Họ thường xuyên lôi kéo, kích động nhân dân khiếu kiện; kêu gọi người dân xã Đồng Tâm "đấu tranh để giữ đất".
Từ năm 2017 đến đầu năm 2020, ông Kình đã chỉ đạo "Tổ đồng thuận" và các đối tượng khác gây ra nhiều sự việc nghiêm trọng trái pháp luật. Khoảng tháng 9-2019, khi biết thông tin Công an TP Hà Nội phối hợp với Quân chủng Phòng không - Không quân (Bộ Quốc phòng) triển khai bảo vệ lực lượng thi công xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn trên đất đồng Sênh, ông Kình đã cùng với Lê Đình Công và đồng phạm góp tiền mua lựu đạn, xăng làm bom xăng, tuýp sắt… nhằm tấn công lực lượng chức năng.
Các bị cáo tại phiên tòa
Rạng sáng 9-1, khi thấy lực lượng công an vừa đi đến cổng thôn Hoành, các đối tượng đánh kẻng báo động, ném bom xăng, gạch đá… về phía lực lượng thực thi nhiệm vụ, bất chấp tổ công tác nhiều lần sử dụng loa phát thanh kêu gọi nhóm người này chấm dứt ngay các hành vi vi phạm pháp luật và đầu thú. Nghiêm trọng hơn, các bị cáo đã dùng tuýp sắt gắn dao phóng, ném bom xăng khiến 3 cán bộ, chiến sĩ tử vong.
Khi tổ công tác áp sát ngách cửa sau nhà ông Kình, phát hiện ông đang cầm lựu đạn trên tay và hô: "Tao cho nổ, chúng mày chết", tổ công tác đã nổ súng 2 lần khiến ông Kình bị thương và tử vong sau đó. Hành vi của ông Lê Đình Kình cấu thành tội "Giết người" nhưng do ông Kình đã chết nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý.
Xin lỗi gia đình 3 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh
Tại tòa, bị cáo Bùi Viết Hiểu khai con của bị cáo từng khuyên không theo "Tổ đồng thuận" nữa nhưng ông Kình nói "đã đâm lao thì theo lao". Tối 8-1, bị cáo ở nhà ông Kình, khi thấy lực lượng công an, bị cáo có ném 2 chai bom xăng.
Bị cáo Lê Đình Công thừa nhận cùng với Bùi Viết Hiểu và Nguyễn Văn Tuyển bàn bạc chỉ đạo Nguyễn Quốc Tiến mua lựu đạn. Về nguồn tiền mua lựu đạn, bị cáo Lê Đình Công khai đây là số tiền vận động người dân Đồng Tâm đóng góp được hơn 48 triệu đồng để thuê luật sư bảo vệ pháp lý, trong đó đưa luật sư 25 triệu đồng, số tiền còn lại để mua lựu đạn. "Ngoài ra, bị cáo cùng Nguyễn Văn Tuyển, Nguyễn Quốc Tiến, Lê Đình Quang và Bùi Văn Tiến mỗi người đóng góp 1 triệu đồng và đi xin kinh phí của mọi người" - bị cáo Công khai. Bị cáo cũng cho rằng đã ném 1 viên đá, 1 chai bom xăng, 1 quả lựu đạn nhưng bị cáo không rút chốt mà để cả chốt ném "để răn đe, chứ không cho nổ".
Nói thêm về hành vi của mình, bị cáo Công cho biết sau khi biết 3 cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh, bị cáo rất hối hận. "Tại phiên tòa này, bị cáo gửi lời xin lỗi đến 3 gia đình cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, mong 3 gia đình tha thứ cho các bị cáo. Bị cáo đã nhận ra sai phạm của mình, thành khẩn với cơ quan điều tra, mong muốn nhận được sự khoan hồng của Đảng, nhà nước và pháp luật" - bị cáo Công nói.
Bị cáo Nguyễn Văn Tuyển cho biết đã nhận thức hành vi sai trái của mình, xin xem xét cho bị cáo hình phạt nhẹ nhất. Bị cáo Lê Đình Chức khai rạng sáng 9-1, khi công an đến cổng làng, mọi người dùng đá gạch, bom xăng ném. "Bị cáo cầm 3 chai bom xăng ném, chai đầu cháy, 2 chai sau không cháy. Sau đó, công an đi ra phía ngoài cổng làng, tiến về phía nhà bị cáo. Bị cáo rút chốt lựu đạn ném nhưng không nổ. Công đưa thêm một quả lựu đạn, bị cáo tiếp tục chạy lên tầng 2 của căn nhà anh Lê Đình Hợi. Nghe hô có người rơi xuống hố, bị cáo chạy xuống khu vực giếng trời, nhìn thấy có người bên dưới nhưng không biết là ai. Bị cáo sai Lê Đình Doanh cầm chậu xăng lên rồi bị cáo cầm tuýp sắt gắn dao chọc xuống. Lúc này lửa bùng lên, thấy có can xăng dưới chân, bị cáo rót 2 nắp can xăng đổ xuống hố để quan sát nhưng không thấy gì" - bị cáo Chức khai.
Theo lời Chức, bị cáo biết việc chọc dao xuống hố là nguy hiểm nhưng mục đích là muốn ngăn cản những người dưới hố nhảy sang nhà mình. Bị cáo mong muốn xem xét cho bị cáo được hưởng mức án nhẹ.
Đề nghị triệu tập ông Nguyễn Đức Chung
Tại phiên tòa, Thẩm phán Trương Việt Toàn, Chủ tọa phiên tòa, cho biết một số luật sư đề nghị HĐXX triệu tập một số người, trong đó có ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, xét thấy những người này không liên quan đến vụ án nên HĐXX không triệu tập.
Về kiến nghị trả hồ sơ của một số luật sư, HĐXX cho rằng quá trình xét xử nếu có diễn biến mới và thấy cần thiết sẽ xem xét.
Hôm nay, phiên tòa tiếp tục.
Bình luận (0)