Bị cáo Hoàng Thái Hà (nguyên Trưởng Phòng Quan hệ khách hàng BIDV Tây Sài Gòn); Hoàng Thị Bích Hồng, Tạ Minh Nguyệt (nguyên nhân viên BIDV Tây Sài Gòn) hầu tòa về tội "Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". VKSND TP HCM truy tố Huỳnh Công Thiện (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại Giao dịch xuất nhập khẩu Thiện Linh), Phan Mộng Hoàng (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Phi Long) và 5 chủ doanh nghiệp khác tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Dự án ảo đổi tiền thật
Liên quan đến vụ án, ông Phạm Quốc Hùng (nguyên Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Tín dụng BIDV Tây Sài Gòn) có dấu hiệu phạm tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Trong quá trình điều tra, ông Hùng qua đời do lâm bệnh nặng. Vì vậy, cơ quan điều tra không xử lý hành vi phạm tội của ông này.
Các bị cáo tại tòa
Tại tòa, cơ quan công tố cáo buộc Huỳnh Công Thiện sử dụng pháp nhân nhiều công ty, "vẽ" dự án kinh doanh, lập khống hồ sơ vay vốn BIDV Tây Sài Gòn. Cụ thể, từ năm 2007-2009, Thiện ký 7 hợp đồng với BIDV Tây Sài Gòn, vay gần 218 tỉ đồng và 1,162 triệu USD. Những dự án kinh doanh Thiện mang đến ngân hàng thế chấp đều là dự án ảo. Nhóm Thiện dùng tiền vay từ hợp đồng sau thanh toán hợp đồng trước.
Tính đến cuối năm 2015, Thiện còn nợ BIDV Tây Sài Gòn 157,8 tỉ đồng cùng 421.322 USD (tiền gốc). Trong khi tài sản thế chấp các khoản vay này chỉ có định giá là 84,5 tỉ đồng. 6 bị cáo khác là chủ doanh nghiệp nghe lời Thiện, ký nhiều giấy tờ, chứng từ hợp thức hóa hồ sơ vay.
Về phía ngân hàng, bị cáo Hoàng Thái Hà tư vấn, hướng dẫn Thiện sử dụng doanh nghiệp do người khác đứng tên làm thủ tục vay vốn. Khi thẩm định, Hà vẫn đánh giá những công ty trên độc lập và đồng ý ký hợp đồng tín dụng; ký xác nhận vào biên bản kiểm tra sử dụng vốn... Hồng và Nguyệt sai phạm trong quá trình thụ lý, đánh giá, thẩm định hồ sơ vay vốn, hồ sơ giải ngân và kiểm tra sau giải ngân. Hành vi trên khiến ngân hàng giải ngân cho Thiện gần 218 tỉ đồng và 1,162 triệu USD.
"Treo" số phận siêu thị ở cửa khẩu Mộc Bài
Lời khai của các bị cáo và bên liên quan tại tòa thể hiện nhiều tình tiết phức tạp về tài sản thế chấp; trong đó có dự án siêu thị WinMart (Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh).
Năm 2017, Huỳnh Công Thiện cầm cố siêu thị WinMart vay 40 tỉ đồng. Đáng nói, tài sản bảo đảm cho hợp đồng tín dụng này là tài sản hình thành trong tương lai của dự án siêu thị WinMart (định giá hơn 94,5 tỉ đồng). Trong hồ sơ vay có hợp đồng thể hiện Công ty Phi Long cho Công ty Thiện Linh thuê khu đất xây siêu thị với giá 64,8 tỉ đồng. BIDV coi đây là 2 căn cứ khi duyệt và giải ngân vốn vay. Tuy nhiên, BIDV giải ngân sau khi 2 doanh nghiệp đã chấm dứt hợp đồng thuê đất.
Tại tòa, bị cáo Nguyệt - người tiếp nhận hồ sơ vay khai nhận do tài sản thế chấp là tài sản hình thành trong tương lai nên hợp đồng tín dụng này chưa đủ điều kiện làm giao dịch bảo đảm. Sau đó, bị cáo Hoàng khai nhận giá thuê đất trên thực tế là khoảng 27 tỉ đồng. Song bị cáo thừa nhận ký xác nhận giá thuê 64,8 tỉ đồng trong hồ sơ vay vốn. "Bị cáo ký tên vì HĐQT công ty gây áp lực với lý do cần tạo điều kiện cho Công ty Thiện Linh đầu tư vào siêu thị" - bị cáo biện minh.
Đại diện BIDV Tây Sài Gòn đề nghị tòa kê biên, phát mãi tài sản trên để khắc phục hậu quả.
Cơ quan chức năng định giá khu đất trên giá trị hơn 17 tỉ đồng. Không chấp nhận kết quả định giá, bị cáo Thiện cho rằng riêng số vốn Công ty Thiện Linh rót để thiết kế, xây dựng siêu thị đã lên đến hơn 30 tỉ đồng (chưa tính giá trị đất).
Dự kiến phiên tòa diễn ra đến ngày 29-10.
Những con số trùng lắp đáng ngờ
Thẩm phán Ngô Ngọc Thắng cho hay trong hồ sơ vụ án có nhiều con số trùng lắp, từ số ghi trên hợp đồng tín dụng (hồ sơ có nhiều hợp đồng tín dụng đánh số 5…), đến số ở văn bản giải ngân. Chủ tọa thắc mắc: "Đây là tình huống ngẫu nhiên hay có sự sắp đặt? Những người nghiên cứu hồ sơ vụ án đã và đang "đánh vật" với những con số ấy".
Bình luận (0)