Bị cáo Nguyễn Trọng Hiếu trong phiên xét xử ngày 11-9
Trước đó, vào tháng 12-2012, tòa đã đưa vụ án ra xét xử và trả hồ sơ yêu cầu viện kiểm sát làm rõ trách nhiệm của bị đơn dân sự trong vụ án này là Công an huyện Diên Khánh được triệu tập nhưng vắng mặt tại phiên tòa nhưng hồ sơ lại chưa được thể hiện rõ. Đồng thời, tòa cũng yêu cầu cơ quan điều tra lập biên bản đối chất giữa các nhân chứng và những người liên quan tới bị cáo cũng như xác định làm rõ vai trò của Vũ Văn Duy (Cảnh sát giao thông) trong vụ án này. Song, viện kiểm sát vẫn bảo lưu quan điểm và giữ nguyên cáo trạng truy tố Hiếu.
Theo cáo trạng, tối 24-4-2010, Vũ Văn Duy công tác tại Đội CSGT Công an huyện Diên Khánh được lãnh đạo phân công phối hợp cùng Hiếu đi tuần tra giao thông trên tuyến quốc lộ 1A đoạn Diên Phú.
Trong quá trình tuần tra, khi đi qua trước cổng UBND xã Diên Phú, phát hiện Huỳnh Tấn Nam điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm chạy trên quốc lộ 1A hướng Diên Phú đến Vĩnh Phương, Nha Trang, Duy điều khiển xe mô tô của CSGT chở Hiếu ngồi sau (Hiếu mang theo gậy giao thông) đuổi theo từ cổng UBND xã Diên Phú đến cây xăng Vỹ Lâm thì Nam chạy xe vào cây xăng trốn. Khi không còn nhìn thấy xe của CSGT, Nam tiếp tục chạy xe về nơi làm việc tại tổng kho lương thực Nha Trang.
Xe vừa ra quốc lộ 1A, nhận thấy xe của CSGT tiếp tục đuổi theo, Nam điều khiển xe tăng tốc bỏ chạy. Lúc này, Duy chở Hiếu cũng tăng tốc đuổi theo và thổi còi yêu cầu Nam dừng lại nhưng Nam không dừng mà bỏ chạy.
Đến km 1450 + 300, quốc lộ 1A, thôn Như Xuân, xã Vĩnh Phương, Nha Trang, Duy đuổi và ép xe Nam vào lề đường, Hiếu ngồi sau dùng gậy giao thông đánh vào vùng cổ Nam, làm Nam mất thăng bằng rồi ngã xuống lề phải quốc lộ 1A bị thương bất tỉnh. Sau đó, Nam được đưa đi cấp cứu với tỉ lệ thương tật 77%. Cơ quan chức năng đã bốn lần dựng lại hiện trường vụ án trên để phục vụ điều tra.
Tuy nhiên, tại phiên tòa, bị cáo Hiếu vẫn một mực kêu oan và không đồng ý với cáo trạng mà viện kiểm sát truy tố. Hiếu khẳng định Nam không chấp hành hiệu lệnh dừng xe mà bỏ chạy và tự té ngã vào cọc tiêu hoặc một vật gì khác chứ không phải bị hành hung.
Được biết, khi Nam bị ngã, một số người dân cầm đá ném nên Hiếu đã cùng Duy bỏ chạy, về báo với lãnh đạo và không dám ở lại hiện trường…
Ngược lại, Nam lại vết thương trên người là do bị đánh. Song, Nam lại không lý giải được lý do tại sao nơi mình bị đánh té ngã gây thương tích lại nằm cách (qua khỏi cổng công ty) công ty tới 80m.
Trong khi đó, Duy (cảnh sát giao thông) cũng cho rằng Nam chạy vào đường đất tự té ngã bởi tác động gì đó trên đường, chứ không đâm vào cọc tiêu. Lúc bị ngã, Nam đang điều khiến xe máy với tốc độ lên tới 80-90km/h. Theo Duy thì cây gậy giao thông có đánh vào cổ Nam cũng không gây thương tích. Nhân chứng này còn một mực khẳng định công an không có trách nhiệm gì trong việc này, còn việc đưa tiền cho gia đình nạn nhân là hỗ trợ chứ không phải bồi thường và cho rằng Hiếu bị oan vì không có đánh người bị hại.
Phản ứng lại lời khai này, nhân chứng Nguyễn Thị Hạnh cho rằng lời khai của Duy không trung thực, Nam bị người ngồi sau đánh mới té ngã. Một nhân chứng khác tên là Nguyễn Hùng cũng khẳng định đã thấy người ngồi sau đánh vào đầu, làm nạn nhân ngã xuống.
Ngày 12-9, tòa tiếp tục thẩm vấn các nhân chứng còn lại và tranh luận.
Bình luận (0)