Luật sư phân tích, việc xe CSGT truy đuổi gắt gao anh Nam suốt hơn 4km chỉ vì hành vi không đội mũ bảo hiểm là hoàn toàn không thích hợp, dẫn đến tai nạn gây thương tích nặng nề cho anh Nam. Lẽ ra, chỉ cần ghi lại số xe, nhận dạng người vi phạm để xác minh, xử lý sau đó, hoặc báo các chốt chặn phối hợp… Quan điểm của luật sư được HĐXX, đại diện VKS và đa số người dự khán đồng tình.
CSGT Vũ Văn Duy ra tòa với tư cách là nhân chứng
Bị cáo Nguyễn Trọng Hiếu phủ nhận việc đánh người chạy xe không đội mũ bảo hiểm
Trước đó, ở phần thẩm vấn, HĐXX bác bỏ lời khai của bị cáo Hiếu và CSGT Vũ Văn Duy, theo đó, anh Nam chạy xe 100 phân khối bỏ chạy, lại có thể đánh võng để ép xe CSGT 250 phân khối rượt theo với tốc độ 80-90km/h (?), trong khi trên Quốc lộ 1A liên tục có xe qua lại.
Các nhân chứng đều bác bỏ và cực lực phản đối lời khai của Hiếu và Duy nói bị người dân ném đá, nên phải bỏ chạy vội vã khỏi hiện trường, không đưa nạn nhân Nam đi cấp cứu, không bảo vệ nguyên trạng hiện trường.
Các nhân chứng chủ chốt đều khẳng định nhìn thấy xe CSGT ép xe Nam vào lề đường, Hiếu vụt dùi cui trúng Nam, làm anh ngã xe. Nạn nhân Nam cũng khẳng định bị xe CSGT ép và bị đánh từ phía sau, dẫn đến ngã xe.
Tuy nhiên, dù HĐXX đã khuyến cáo, khai báo thành khẩn sẽ được hưởng khoan hồng, Hiếu vẫn một mực không thừa nhận dùng dùi cui đánh Nam và kêu oan.
Nạn nhân Huỳnh Tấn Nam bị đa chấn thương sau khi bị truy đuổi
Trong vụ án này, VKS truy tố theo tội “gây thương tích trong khi thi hành công vụ” (điều 107-BLHS), chứ không phải theo tội “cố ý gây thương tích” (điều 104), cho nên chi tiết dùng dùi cui vụt không phải thật sự quan trọng. Về bản chất, nguyên nhân dẫn đến tai nạn gây hậu quả nặng nề là hành vi rượt đuổi gắt gao một cách hoàn toàn không cần thiết, không thích hợp với tình huống anh Nam không đội mũ bảo hiểm, xử lý nghiệp vụ trái quy định tại Thông tư 60. Do vậy, Duy mới là người chịu trách nhiệm chính.
Bình luận (0)