Sau buổi sáng xét xử đến chiều 20-3, TAND TP HCM thông báo tạm hoãn phiên tòa sơ thẩm lần 2 vụ án "Cố ý gây thương tích" (thuộc trường hợp dẫn đến chết người) mà nguyên thượng úy CSGT là chủ mưu đến chiều nay (ngày 21-3) với lý do vắng mặt luật sư bảo vệ phía bị hại.
Trước đó, trong phần thẩm vấn buổi sáng, một số bị cáo phản đối quan điểm truy tố với nhiều lời khai trái với nội dung cáo trạng. Song, đại diện VKS đáp trả bằng nhiều lập luận.
Chủ mưu hay đồng phạm?
VKSND TP HCM truy tố tội danh "Cố ý gây thương tích" đối với 5 bị cáo, gồm: Phạm Sỹ Hoài Như (SN 1980; nguyên thượng úy CSGT - Công an quận Tân Bình, TP HCM), Nguyễn Minh Chung (SN 1991), Phạm Thanh Kim Hạnh (SN 1997), Trần Đức Vững (SN 1996), Ngô Thành Vương (SN 1996).
Các bị cáo sau phiên xử ngày 20-3
Các bị cáo gây ra cái chết đối với ông Nguyễn Văn Chín (45 tuổi; ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) vào đêm 25-6-2014. Cụ thể, sau khi va chạm trong thời gian làm nhiệm vụ, Như điện thoại nhờ Chung đến "đánh dằn mặt" ông Chín, dẫn đến vụ xô xát làm chết người. Đại diện VKS kết luận bị cáo Như đóng vai trò chủ mưu.
Trước cáo buộc, bị cáo Như thừa nhận tội danh. Dù vậy, bị cáo cho rằng bản thân chỉ đóng vai trò đồng phạm chứ không phải chủ mưu. Bởi vì, bị cáo điện thoại nhờ bị cáo Chung đến đưa ông Chín về nhà, chứ không nhờ "đánh dằn mặt".
"Lúc đó, ông Chín say xỉn, thiếu tự chủ. Vì không liên lạc được với người nhà nên bị cáo nhờ Chung đưa ông Chín về. Bị cáo không biết Chung dẫn theo những người khác" - bị cáo Như giải thích.
Lời khai phi lý
Trái với lần xử sơ thẩm trước, 4 bị cáo còn lại đều khai nhận bị cáo Như không yêu cầu đánh nạn nhân, không hứa hẹn tiền bạc. Trong khi, tại cơ quan điều tra, 4 bị cáo khai rằng Như hứa hẹn đưa mỗi người 100 triệu đồng nếu đầu thú và khai báo theo hướng có lợi cho Như.
Bị cáo Nguyễn Minh Chung phủ nhận việc bị cáo chỉ đạo Hạnh, Vững, Vương đánh người. Lúc 3 người xô xát với nạn nhân thì bị cáo đã đi khỏi hiện trường. Bị cáo khăng khăng: "Bị cáo đến hiện trường đưa ông Chín về nhà theo lời nhờ cậy của Như". Kế đó, bị cáo Chung trần tình nội dung khai báo trước kia bắt nguồn từ việc bị cáo thiếu hiểu biết pháp luật, gây ảnh hưởng đến bị cáo Như.
Phản bác, đại diện VKS chất vấn: "Bị cáo Chung không quen biết, càng không biết địa chỉ nhà thì làm sao đưa nạn nhân về?". Chưa kể, đại diện cơ quan công tố nhận thấy giai đoạn phúc thẩm, bị cáo cũng thay đổi lời khai như vậy. Trong khi, bị cáo chỉ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên sơ thẩm lần 2 này, bị cáo thừa nhận nội dung truy tố, không kêu oan nhưng bị cáo lại đưa ra lời khai theo hướng bản thân vô tội.
Tương tự, bị cáo Vững cho biết bị cáo Chung không chỉ đạo đánh ông Chín. Ba bị cáo hành hung ông Chín không theo yêu cầu của ai (!?). Ngoài ra, bị cáo Vững không có ý kiến gì về nội dung cáo trạng vì bị cáo… không nhớ.
Liên quan đến tình tiết trên, bị cáo Vương lại khai rằng dù không trực tiếp ra tay nhưng bị cáo Chung có yêu cầu 3 bị cáo đánh dằn mặt ông Chín; đồng thời đứng gần và chứng kiến vụ việc. Như bị cáo Vững, Vương không nhớ gì thêm.
Theo đại diện VKS, bị cáo có quyền thay đổi lời khai trong quá trình điều tra, xét xử nhưng pháp luật chỉ thừa nhận khi lời khai đó logic, phù hợp với hồ sơ, chứng cứ.
Tháng 9-2016, TAND TP HCM xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như, Nguyễn Minh Chung cùng 12 năm tù; 3 bị cáo còn lại từ 5-11 năm tù. Đến tháng 9-2017, TAND Cấp cao tại TP HCM hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Sau quá trình điều tra, cơ quan pháp luật đủ căn cứ xác định Như, Chung, Hạnh, Vương và Vững phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Trong vụ án, nguyên CSGT Phạm Sỹ Hoài Như đóng vai trò chủ mưu.
Bà Dương Thị Thảo (vợ nạn nhân) đưa ra yêu cầu bồi thường hơn 3 tỉ đồng. Trong đó, khoảng 2,9 tỉ đồng là tiền cấp dưỡng cho con của vợ chồng bà. Đồng thời, bà Thảo khiếu nại nội dung chồng bà cự cãi, lớn tiếng với CSGT trong cáo trạng. Theo bà Thảo, ông Chín tính tình hòa nhã, biết cách ứng xử; là lao động chính trong gia đình. Bà Thảo đề nghị cơ quan pháp luật có hình phạt nghiêm khắc, thích đáng đối với hung thủ giết hại chồng mình.
Bình luận (0)