Ngày 19-1, tại tỉnh Quảng Nam, Tòa án Quân sự Khu vực I - Quân khu 5 đã đưa bị cáo Lê Xuân Chính, đại úy - nguyên Phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang kiêm Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Nam Giang (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) - cùng 20 đồng phạm ra xét xử sơ thẩm về tội "Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng".
"Đã có ông Chính lo"
Theo cáo trạng, Chính có quan hệ thân thiết với Tiêu Hồng Tư (SN 1967), Giám đốc Công ty CP Minh Hà (TP Đà Nẵng). Khoảng tháng 3-2016, Chính chở Tư sang xưởng gỗ của Nguyễn Văn Quang (SN 1982) ở Đắk Chưng (Lào) để trao đổi việc tìm khu vực có gỗ pơ mu, thông đỏ, dổi để khai thác.
Bị cáo Lê Xuân Chính được xác định là người khởi xướng vụ phá rừng
Tháng 5-2016, Quang rủ Nguyễn Văn Thắng (SN 1978) đi theo đường công vụ biên phòng vào rừng và phát hiện khu vực Tiểu khu 351 rừng phòng hộ Nam Sông Bung (xã La Dêê, huyện Nam Giang) có gỗ pơ mu nên báo cho Chính. Chính thỏa thuận giá khai thác, vận chuyển gỗ pơ mu thành phách ra đến đường ô tô với giá 8 triệu đồng/m3. Chính nói Quang tìm người khai thác, có gì thì Chính và Tư lo và làm chu đáo, khéo léo.
Giữa tháng 6-2016, Quang gặp Tư trao đổi về quy cách xẻ gỗ và được Tư ứng trước 100 triệu đồng. Có tiền, Quang điện cho Thắng và Nguyễn Văn Sanh (SN 1982, ngụ tỉnh Quảng Bình) huy động 17 người vào rừng khai thác, vận chuyển gỗ. Khi Thắng hỏi việc khai thác gỗ này hợp pháp hay không thì Quang nói: "Làm cho ông Chính biên phòng, làm cho nhà nước; làm cho ông Tư giám đốc nên anh em yên tâm, cứ làm tẹt ga, không sao đâu. Việc này có ông Chính, ông Tư lo hết rồi".
Lời khai mâu thuẫn
Ngày 8-7-2016, khi biết việc phá rừng bị lộ, Chính điện thoại cho Quang chỉ đạo các đối tượng trong nhóm rời khỏi hiện trường. Chính cũng bảo Quang đổi số điện thoại và nói: "Tình hình rất căng, không được ở nhà mà phải trốn sang Lào gấp". Khi Quang trốn ở Lào, Chính cung cấp tiền, ngày nào cũng gọi bảo phải trốn 3-5 năm, khi bị bắt thì nhận trách nhiệm, đừng khai ra Chính, còn vợ con ở nhà đã có Chính lo. Quang ở Lào một thời gian thì về nước, sau đó trốn vào TP HCM thì bị bắt.
Tại phiên tòa ngày 19-1, Chính và Tư được cách ly khỏi phòng xét xử khi HĐXX xét hỏi các bị cáo khác. Khi được xét hỏi, Tư và Chính khai một số nội dung mâu thuẫn nhau, bất nhất và giải thích do "không nhớ", "tinh thần không ổn định".
Chính phủ nhận nhiều nội dung cáo trạng như khai không hề bảo Quang đi tìm gỗ mà khẳng định Quang tự giới thiệu có phát hiện gỗ pơ mu ở Lào, cách cửa khẩu 5-6 km, có giấy tờ; Quang sẽ khai thác, vận chuyển ra tới đường, bốc lên xe với giá 8 triệu đồng/m3. Sau khi "tham khảo" ý kiến Tư và biết Tư "không làm" nên Chính "làm một mình". Chính nói đã điện cho Quang và thống nhất chỉ khai thác gỗ bên Lào, không khai thác ở Việt Nam.
Chính cũng khai Quang chủ động gặp Chính nói ý định trốn sang Lào và nhờ Chính giúp đỡ vợ con ở nhà. "Tôi có dặn Quang nếu có bị bắt giữ thì đừng khai, vợ con ở nhà đã có người lo. Trong quá trình trốn sang Lào, tôi không điện cho Quang như Quang khai. Nói tôi yêu cầu Quang đổi số điện thoại và yêu cầu bỏ trốn sang Lào là không đúng sự thật" - Chính khai.
Hôm nay (20-1), phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi.
Thiệt hại hơn 3,2 tỉ đồng
Theo xác định của cơ quan chức năng, các bị cáo đã chặt hạ, cưa xẻ 41 gốc cây pơ mu - gỗ nhóm IIA thuộc nhóm thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm ở Tiểu khu 351 rừng phòng hộ Nam Sông Bung. Tổng khối lượng gỗ pơ mu bị các bị can khai thác trái phép là 53,123 m3; tổng giá trị thiệt hại được xác định là hơn 3,2 tỉ đồng.
Bình luận (0)