Nhà báo 60 tuổi Võ Minh Châu đã bị đánh gục tại chỗ
Thách thức pháp luật
Như Thanh Niên đã thông tin, vào tối ngày 6-1 tại làng Kéo Kham, thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn), PV Trần Thế Dũng (Báo Người lao động) bị hàng chục thanh niên vây đánh hội đồng vì "dám” chụp ảnh hoạt động vận chuyển hàng nhập lậu.
Mặc dù đã bỏ chạy, nhưng Thế Dũng vẫn bị đám người hung hãn rượt đuổi và đánh tới tấp sau khi anh đã ngã xuống đường. Thậm chí, chúng còn hành hung Thế Dũng trên ô tô, rồi chở thẳng vào đồn công an với nhiều lời lẽ thách thức pháp luật. Hậu quả, Thế Dũng phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương, toàn bộ khuôn mặt bị phù nề, nhiều chỗ trên cơ thể xây xát.
Sáng cùng ngày, tại xã Kỳ Thọ (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), 2 PV Báo Tiền Phong là Võ Minh Châu và Minh Thùy cũng bị nhiều đối tượng dùng mũ bảo hiểm, dao hành hung. Trước đó, các nhà báo này đến tác nghiệp về việc cưỡng chế một hộ dân tại xã Kỳ Thọ và đã gặp không ít khó khăn từ phía chính quyền địa phương. Hậu quả, nhà báo 60 tuổi Võ Minh Châu bị đánh gục tại chỗ, phải đi cấp cứu trong tình trạng sức khỏe suy yếu, nôn mửa...
Chiều 8-1, theo yêu cầu của gia đình và để tạo điều kiện chăm sóc tốt hơn, BV Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã đồng ý chuyển PV Thế Dũng lên tuyến trên, điều trị tiếp tại BV Việt Đức (Hà Nội). Cùng ngày, nhà báo Võ Minh Châu đã được gia đình và cơ quan đưa ra BV Việt Đức để tiếp tục điều trị.
PV Thế Dũng đang điều trị tại BV - ảnh: Nguyễn Quyết
Đã xác định nghi can
Hôm qua 8-1, trung tá Nguyễn Văn Thanh, Trưởng công an thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) cho biết đã xác định được 2 nghi can trong vụ hành hung PV Thế Dũng. Đó là Dương Văn Cầm, người mà Thế Dũng lưu lại được số điện thoại; và Phan Bình An, ngụ TP Lạng Sơn, là tài xế lái chiếc Suzuki 7 chỗ đưa PV Dũng đến trụ sở Công an thị trấn Đồng Đăng.
Khai báo tại cơ quan công an, hai nghi can này đều cho rằng mình “vô tội”, không tham gia vào vụ tấn công. Thế nhưng, theo tường trình của PV Dũng, cả 2 người trên đều trực tiếp đánh anh, trong đó tài xế chiếc xe 7 chỗ đóng vai trò chỉ huy và tấn công anh nhiều nhất. "Cơ quan công an đã xác minh toàn bộ thông tin do PV cung cấp và đang chỉ đạo, phối hợp các cơ quan, lực lượng để điều tra làm rõ.
Tuy những vụ đánh hội đồng như vậy việc điều tra rất phức tạp; lời khai của 2 đối tượng chưa đầy đủ và cần có thời gian điều tra làm rõ thêm, củng cố các chứng cứ, hồ sơ vụ việc, nhưng quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm vụ việc”, trung tá Nguyễn Văn Thanh khẳng định.
Tại Hà Tĩnh, trong ngày hôm qua Công an huyện Kỳ Anh cũng đã tiến hành triệu tập lấy lời khai các nhân chứng để làm rõ các đối tượng tham gia vụ hành hung nhà báo. Nhiều thông tin cho hay, một trong những nghi can đuổi chém nhà báo Võ Minh Châu có mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo xã Kỳ Thọ, nơi diễn ra vụ việc. Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tấn, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: "Sau khi có kết quả giám định thương tật của nhà báo Võ Minh Châu, sẽ xử lý nghiêm kẻ vi phạm, bất kể đó là ai".
Phải hành động để bảo vệ nhà báo
Hôm qua 8-1, Hội Nhà báo Việt Nam gửi văn bản đến Tỉnh ủy, UBND và Công an 2 tỉnh Lạng Sơn và Hà Tĩnh, đề nghị xử lý nghiêm các đối tượng hành hung các nhà báo. Hội cũng đã chỉ đạo Hội nhà báo 2 tỉnh nói trên đến thăm hỏi và tìm hiểu vụ việc, báo cáo về Hội Nhà báo Việt Nam.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Quốc Trung, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN, nói: "Hai vụ hành hung nhà báo liên tiếp vừa qua đã gây bất bình cho giới làm báo cũng như dư luận xã hội, ngay cả người đứng đầu Chính phủ cũng đã lên tiếng. Chúng tôi kịch liệt phản đối tất cả những hành vi hành hung, cản trở nhà báo hoạt động và đề nghị xử lý nghiêm như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng”.
Ông Tô Quang Nam, Phó tổng biên tập Báo Tiền Phong, cho biết đã gửi công văn đến cơ quan công an, Hội Nhà báo Hà Tĩnh để làm rõ và đề nghị xử lý nghiêm các đối tượng hành hung nhà báo cũng như có các biện pháp bảo vệ hội viên.
Tương tự, ngày 8- 1, Ban biên tập Báo Người Lao Động có văn bản gửi Hội Nhà báo VN, Hội Nhà báo TP.HCM và Lạng Sơn báo cáo vụ việc PV Thế Dũng bị hành hung khi đang tác nghiệp; đồng thời đề nghị những cơ quan này lên tiếng với các cơ quan chức năng ở T.Ư và tỉnh Lạng Sơn sớm điều tra, xử lý nghiêm vụ việc nhằm bảo vệ các nhà báo, cũng như răn đe những đối tượng xấu.
Trao đổi thêm với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Trạch, Phó tổng biên tập Báo Người Lao Động, nói: “Trường hợp anh Dũng hay hai PV Báo Tiền Phong bị cản trở, hành hung không phải cá biệt. Trong năm 2009, có rất nhiều PV trong khi tác nghiệp bị hành hung... Do đó, cơ quan chức năng và lãnh đạo báo chí phải có hành động bảo vệ nhà báo, trừng phạt những kẻ côn đồ. Nếu không xử lý nghiêm thì ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của nhà báo trong khi hành nghề. Sắp tới, khi sửa đổi bổ sung Luật Báo chí cũng cần phải có những quy định cụ thể để bảo vệ nhà báo thiết thực hơn”.
Bình luận (0)