Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) ghi nhận hơn 1.600 trường hợp vi phạm liên quan đến động vật hoang dã tại Việt Nam. Sai phạm phổ biến là hành vi quảng cáo, buôn bán trái phép động vật hoang dã và sản phẩm từ động vật hoang dã. Thống kê trên cho thấy tình hình đáng báo động.
"Nóng" ở cửa khẩu cảng
Đáng nói, internet ngày càng trở thành công cụ lợi hại, giúp nhiều đường dây tội phạm, cá nhân rao bán, quảng cáo về động vật hoang dã, quý hiếm. Tính đến nay, ENV phát hiện khoảng 800 vụ việc có tính chất như vậy với khoảng 1.200 đường link có dấu hiệu vi phạm.
Theo Thiếu tướng Lê Tấn Tảo, Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an, tình trạng vận chuyển, buôn bán, chế biến, tiêu thụ động vật hoang dã và sản phẩm động vật hoang dã vẫn diễn biến phức tạp. Nổi lên là hoạt động buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã, quý hiếm và sản phẩm của động vật hoang dã (ngà voi, sừng tê giác) từ nước ngoài vào Việt Nam. Các đối tượng vận chuyển chủ yếu qua cảng hàng không, cảng biển. Họ lợi dụng việc gây nuôi động vật hoang dã có nguồn gốc hợp pháp nhằm hợp thức hóa hành vi mua bán, vận chuyển trái phép.
Một con vượn được phát hiện tại nhà dân ở TP HCM
Về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại sản phẩm của động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm, đại diện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP HCM nhận định nhiều đối tượng cất giấu tang vật trong container và lợi dụng hoạt động tạm nhập tái xuất, khai báo hải quan nhiều lần, chế độ phân luồng thông thoáng hòng qua mặt cơ quan kiểm tra. Lợi dụng cơ chế thông thoáng trong chính sách hàng quá cảnh, doanh nghiệp trá hình chỉ khai báo tên hàng đại diện khi làm thủ tục hải quan mà không khai những mặt hàng khác có trong lô hàng.
Riêng năm 2018, hoạt động vận chuyển sản phẩm từ động vật hoang dã, quý hiếm từ nước ngoài về Việt Nam diễn ra nổi cộm ở cửa khẩu cảng TP. Các đơn vị, ban ngành liên quan phối hợp bắt giữ 8 vụ vận chuyển ngà voi và vảy tê tê với số lượng lớn trong các container từ nước ngoài nhập về. Qua đó, lực lượng chức năng thu giữ hơn 5.717 kg ngà voi, 7.047 kg vảy tê tê. Hay tháng 6-2018, Công an TP HCM phát hiện ông Phương Thanh Tùng nuôi nhốt trái phép một cá thể vượn thuộc danh mục nguy cấp, quý hiếm ở phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM. Ông Tùng trình bày mình không biết việc tự ý nuôi nhốt là hành vi phạm pháp.
Cần cụ thể hơn
Nhiều cơ quan chức năng liên quan phản ánh việc xác định giá trị động vật hoang dã và sản phẩm từ động vật hoang dã là khó khăn phổ biến trong quá trình xử lý vi phạm. Bởi lẽ, nhiều loài cũng như sản phẩm từ chúng có giá trị lớn đối với bảo tồn nhưng giá trị mua bán lại rất nhỏ. Trong khi đây là căn cứ xác định cấu thành tội phạm và mức phạt.
Sau khi Bộ Luật Hình sự 2015 ra đời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành thông tư quy định Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã - văn bản quan trọng giúp cơ quan chức năng xử lý hành chính và xác định hành vi phạm tội theo điều 234, 244 Bộ Luật Hình sự 2015. Ngoài ra, nước ta hiện có khoảng 20 văn bản quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý hiếm. Mới đây nhất là nghị quyết hướng dẫn áp dụng điều 234 về tội "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã" và điều 244 về tội "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm" do Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành.
Dù vậy, theo nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao Đinh Văn Quế, cơ quan pháp luật cần hướng dẫn cụ thể hơn trong việc quyết định hình phạt đối với người phạm tội. Ông Đinh Văn Quế nhấn mạnh pháp luật có thể đưa ra một nguyên tắc chung khi áp dụng hình phạt đối với điều 234 và 244: "Phải xử lý nghiêm khắc đối với hành vi phạm tội theo điều 234 và điều 244" và hướng dẫn chi tiết về trường hợp áp dụng hình phạt tiền kèm mức phạt; hình phạt cao nhất trong khung hình phạt... Trường hợp nào thì áp dụng hình phạt 5 năm tù giam, trường hợp nào có thể áp dụng 1 năm tù; khi nào người phạm tội không được hưởng án treo...
Bình luận (0)