Ngày 28-4, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) tiếp tục diễn ra, song đã bất ngờ tạm ngừng vào 15 giờ 15 phút chiều cùng ngày vì xuất hiện thêm nhiều tài liệu mới.
Bị cáo được coi là mấu chốt của vụ tham ô tài sản - Trần Hải Sơn, nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines - tiếp tục bị HĐXX truy vấn về khoản tiền “lại quả” 1,666 triệu USD và chia chác cho các bị cáo. Bị cáo Trần Hải Sơn khẳng định đã 2 lần đưa tiền cho Dương Chí Dũng (nguyên chủ tịch HĐQT Vinalines) tổng cộng 10 tỉ đồng, 3 lần đưa tiền cho Mai Văn Phúc, cựu tổng giám đốc Vinalines, tổng cộng 10 tỉ đồng.
Chủ tọa phiên tòa cùng các luật sư khai thác mâu thuẫn trong lời khai của Sơn nhưng bị cáo này hầu như không có câu trả lời thuyết phục. Sơn khai lần đưa tiền thứ 2 cho Phúc, Sơn có dùng CMND rút 2 tỉ đồng ở Ngân hàng Hàng hải Chi nhánh Hải Phòng. Tuy nhiên, có lúc, Sơn lại khẳng định mình rút tiền ở chi nhánh Hà Nội. Sau đó lại nói rút nhiều lần nên giờ không nhớ chính xác.
Để làm rõ, tòa đã triệu tập ông Nguyễn Tuấn Khang (đại diện theo ủy quyền của Ngân hàng Hàng hải). HĐXX đã công bố văn bản việc xác minh chứng từ rút tiền của Trần Hải Sơn. Theo đó, năm 2009-2010, Sơn có mở tài khoản. Còn việc rút tiền của giao dịch từ năm 2007 đến 2012, phần mềm của Ngân hàng Hàng hải không tra soát được. Theo ông Khang, việc “không tra soát được” được hiểu là tra soát không ra. Tuy vậy, ông khẳng định các giao dịch bằng CMND ngoài phần mềm, còn được lưu giữ bằng các chứng từ khác. HĐXX đã đề nghị Ngân hàng Hàng hải tra soát lại các khoản giao dịch của Trần Hải Sơn năm 2008 và cung cấp cho tòa vào hôm sau (tức 29-4).
Ngoài ra, về bối cảnh đưa tiền cho Phúc, bị cáo Sơn khai cũng không rõ ràng.
Căn cứ vào lời khai Trần Hải Sơn, luật sư Nguyễn Huy Thiệp, bào chữa cho bị cáo Phúc, đề nghị HĐXX cho thực nghiệm điều tra việc bỏ 2,5 tỉ đồng vào túi xách như lời khai của Sơn. Theo luật sư, chiếc cặp Sơn mô tả quá nhỏ để bỏ 50 cọc tiền loại 500.000 đồng.
Tại phiên tòa, bị cáo Mai Văn Phúc khẳng định không hề chỉ đạo trực tiếp Trần Hải Sơn hay Trần Hữu Chiều, nguyên phó tổng giám đốc Vinalines, mua bằng được ụ nổi. Về các lời khai trước đây tại cơ quan điều tra thể hiện chỉ đạo mua ụ nổi có thể là Dũng, bị cáo Phúc cho biết chỉ là suy luận bởi bản thân không chỉ đạo thì chắc phải là Dương Chí Dũng, chứ không hề nghĩ Trần Hải Sơn là người thỏa thuận và quyết định. “Qua diễn biến phiên tòa, các bằng chứng mới, bị cáo mới thấy Sơn khủng khiếp quá” - bị cáo Phúc thốt lên.
Dù trước đó, khai mua ụ nổi là theo ý của Dũng và Phúc nhưng tại phiên tòa này, Trần Hải Sơn khẳng định: “Bị cáo chưa bao giờ khai anh Dũng chỉ đạo mua ụ nổi”.
Đến 15 giờ 15 phút cùng ngày, HĐXX tuyên bố nghỉ giải lao. Sau đó, tòa công bố mới nhận được tài liệu xác minh tại Nakhodka (Nga) do Phòng Nội vụ tại Nakhodka cung cấp. Trong đó, có biên bản thẩm vấn nhân chứng, kết quả điều tra tại công ty liên quan, bản ghi nhớ hợp đồng và thuế liên quan đến việc mua bán u nổi…
Tòa quyết định tạm nghỉ để nghiên cứu tiếp hồ sơ mới. Hôm nay (29-4), tòa tiếp tục làm việc. n
Bình luận (0)