Ngày 14-10, TAND tỉnh Hà Giang mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử 5 bị cáo liên quan đến vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Phiên tòa trước đó, hôm 18-9, đã phải hoãn vì vắng mặt nhiều người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Phiên tòa lần này dự kiến diễn ra trong 3 ngày.
Mất 6 giây để sửa bài, 2 giây sửa điểm
Tòa triệu tập 178 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, sau khi bắt đầu vào sáng 14-10, 101 người vắng mặt, trong đó có 19 trường hợp vắng có lý do. Do sự vắng mặt của những người này không ảnh hưởng đến quá trình xét xử nên phiên tòa vẫn được tiếp diễn.
Bị cáo Vũ Trọng Lương, nguyên phó Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Hà Giang, được xét hỏi đầu tiên. Ông Lương khai khoảng tháng 5-2018, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (nguyên trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục) nói cần nâng điểm cho một số trường hợp đặc biệt trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 và Lương nhận lời.
Các bị cáo tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 14-10
Sau khi tổ chức quét và chấm thử phần mềm bài thi trắc nghiệm của Bộ GD-ĐT, Lương sang phòng Hoài nói có thể xử lý nâng điểm được vì bộ chỉ cần gửi file Excel. Sau đó, Hoài đã 3 lần chuyển cho Lương danh sách các thí sinh cần nâng điểm, tổng cộng 93 người.
"Khi anh Hoài đưa danh sách cần nâng điểm thì không hứa hẹn cho bị cáo tiền hay tài sản, vật chất gì. Bị cáo làm việc này là tự nguyện chứ không bị ép buộc" - bị cáo Lương khai và cho biết ngoài 93 thí sinh trên, ông còn tự nguyện nâng điểm cho 13 thí sinh do người thân nhờ và 1 trường hợp khác dù không được nhờ.
Ngoài ra, bị cáo Lương khẳng định không có ai công tác tại Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang nhờ bị cáo can thiệp nâng điểm thi cho các thí sinh. Trong giai đoạn điều tra, Lương khai tự giúp đỡ nâng điểm cho con của 3 người công tác ở Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang. Nhưng sau đó bị cáo nhớ lại là những thí sinh này đã nằm trong danh sách 93 thí sinh do Hoài chuyển. Toàn bộ việc nâng điểm cho các thí sinh đều do bị cáo Hoài khởi xướng.
Trong một bài thi có 40 câu, mỗi câu hỏi có 4 đáp án nhưng Lương khai chỉ mất khoảng 6 giây để sửa một bài thi và 2 giây để sửa kết quả điểm thi. Việc này đã được thực nghiệm hiện trường từ thao tác cắt bài thi cho đến niêm phong.
"Nếu bị cáo Hoài không phải là cấp trên của bị cáo thì bị cáo đã không thực hiện. Bị cáo nghĩ những người nhờ anh Hoài nâng điểm cũng là tình cảm bạn bè, người thân. Bị cáo rất hối hận vì những việc mình đã làm, bị cáo đã không làm chủ được mình khi nghe theo lời anh Hoài. Cái giá bị cáo phải trả là quá đắt" - bị cáo Lương nói.
Con cháu lãnh đạo được ưu tiên!
Theo lời khai của bị can Nguyễn Thanh Hoài với cơ quan điều tra, có nhiều cán bộ, quan chức Công an tỉnh Hà Giang đã nhờ các ông nâng điểm thi cho con, cháu. Ngoài danh sách 93 thí sinh, tại tòa, bị cáo Hoài khai còn nhận danh sách của bị cáo Triệu Thị Chính, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, đề nghị nâng điểm cho 12 thí sinh và xem điểm cho 1 thí sinh. Trong đó, thí sinh đầu tiên là Triệu Ngọc Mai (con gái ông Triệu Tài Vinh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, hiện là Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương), được thống nhất là điểm 8; thí sinh thứ 2 bị cáo không nhớ tên và thí sinh thứ 3 là con trai của ông Phạm Văn Khuông (nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, cũng là bị cáo trong vụ án này).
Thừa nhận khởi xướng việc sửa điểm thi nhưng bị cáo Hoài khẳng định việc nhờ Vũ Trọng Lương là vì tình cảm, không phải cấp trên giao nhiệm vụ cho cấp dưới. Khi đó, Lương đồng ý không chần chừ, còn nếu Lương từ chối thì sẽ không thực hiện được việc sửa điểm.
Hoài cũng khai do số lượng người nhờ vả nhiều nên bị cáo chỉ có thể nhớ và nêu một số trường hợp trong Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, gồm: Phạm Văn Khuông, La Thị Thúy Chinh (trưởng Phòng Tổ chức cán bộ), Nguyễn Thị Kim Tuyến (phó trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên).
Tại phiên tòa, HĐXX công bố danh sách 47 người đã cung cấp thông tin thí sinh cho Hoài để đề nghị nâng điểm (xem danh sách đầy đủ trên Báo Người Lao Động điện tử tại địa chỉ: www.nld.com.vn). Trong số này có ông Trần Đức Quý (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang), Triệu Thị Giang (em gái ông Triệu Tài Vinh); bà Đặng Thị Phượng (Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên); ông Tiến, bà Viện và Triệu Văn Nam (cùng công tác ở Công an tỉnh Hà Giang); Vũ Thị Kim Chung và Nguyễn Văn Thành (cùng công tác tại Công an TP Hà Giang)...
"Lão phật gia" là ai?
Trả lời câu hỏi trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng thu được một mẩu giấy có ghi chữ "Lão phật gia nhờ" của HĐXX, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài cho biết nhân vật này không liên quan đến kỳ thi TPHT quốc gia năm 2018. Hoài khai rằng "Lão phật gia" là bà Tống Thị Bê, Chủ tịch Công đoàn Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, đã nghỉ hưu từ năm 2012. "Mẩu giấy này có từ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 do "lão phật gia" nhờ xem điểm, không phải trong kỳ thi TPHT năm 2018" - bị cáo Hoài nêu tại tòa.
Bình luận (0)