Luật sư Hoàng Đôn Hùng đề nghị tuyên bầu Kiên không phạm tội cố ý làm trái - Ảnh chụp qua màn hình
Sáng 28-5, phiên toà sơ thẩm xử bầu Kiên và đồng phạm tiếp tục với phần các luật sư bào chữa cho bầu Kiên với các tội danh Kinh doanh trái phép và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong tội danh Cố ý làm trái, VKS cáo buộc bầu Kiên cùng đồng phạm ra chủ trương uỷ thác cho 19 nhân viên ACB gửi 718 tỉ đồng ở Ngân hàng Vietinbank khiến “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt là sai quy định của nhà nước.
Luật sư Hoàng Đôn Hùng cho rằng cuộc họp của thường trực HĐQT vào tháng 3-2010 và ra Nghị quyết của Ngân hàng ACB về ủy thác tiền gửi không sai pháp luật vì chủ trương này thuộc phạm vi của ACB để thực hiện mục tiêu kinh doanh, phù hợp với lợi ích cổ đông.
Theo ông Hùng, Luật các tổ chức tín dụng, được hiểu, tất cả các ngân hàng thương mại đều được cấp phép ủy thác và trong đó có hoạt động gửi tiền. Ngân hàng ACB đã thực hiện ủy thác từ năm 2005, trước 5 năm khi Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực. Do đó việc ủy thác không vi phạm.
Do vậy, Luật sư Hùng đề nghị làm rõ một số vấn đề về giá trị pháp lý của Công văn 350 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). “Nếu không có chữ ký của Thống đốc thì đấy là quan điểm cá nhân” - Luật sư Hùng nói.
Công văn số 350/NHNN-TTGSNH ký ngày 17-5-2012 của NHNN là tài liệu quan trọng trả lời cơ quan điều tra về hành vi Cố ý làm trái. Trên cơ sở công văn 350/NHNN-TTGSNH trên, Kết luận điều tra và Cáo trạng xác định hành vi vi phạm của bầu Kiên và đồng phạm.
Theo công văn này, Ngân hàng ACB được thực hiện nghiệp vụ ủy thác nhưng việc ủy thác cho cá nhân khi chưa có hướng dẫn của NHNN là vi phạm Điều 106 Luật các Tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, theo Luật sư Hùng, việc uỷ thác gửi tiền của ACB không vi phạm điều 106 luật các tổ chức tín dụng.
Điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định Ngân hàng thương mại được quyền ủy thác, nhận ủy thác, đại lý ủy thác trong các lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, kinh doanh bảo hiểm, quản lý tài sản theo quy định của NHNN.
Dù Luật có hiệu lực từ đầu năm 2011, song mãi đến ngày 8-3-2012, NHNN mới ra Thông thư 04 hướng dẫn nghiệp vụ ủy thác, cho phép ngân hàng được ủy thác gửi tiền. Trong khi đó, ACB ủy thác cho 19 cá nhân gửi tiền vào Vietinbank lại trong năm 2011.
Bầu Kiên ngồi nghe bào chữa sáng 28-5 - Ảnh chụp qua màn hình
Luật sư Hùng dẫn lại lời của đại diện NHNN rằng công văn 350 chỉ là công văn tham khảo. Do vậy, việc dựa vào Công văn 350 để kết tội bị cáo Kiên thể hiện sự lúng túng của cơ quan công tố vì không biết ACB vi phạm quy định nào trong pháp luật. Ông Hùng đề nghị, NHNN cần có văn bản trả lời rõ vấn đề này.
Trước đó, trả lời câu hỏi của HĐXX về tính pháp lý của công văn 350/NHNN-TTGSNH, đại diện NHNN khẳng định: “Công văn 350 là sơ bộ ban đầu trả lời cơ quan điều tra chứ chưa tiếp cận nhiều tới văn bản Nhà nước”.
Ông Hùng cho rằng việc bầu Kiên bị khởi tố tội Cố ý làm trái một phần do việc thiếu trách nhiệm của NHNN. Với tư cách là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý các ngân hàng, NHNN đã chậm ban hành hướng dẫn luật, Thanh tra NHNN đã không can thiệp, không ngăn chặn xử lý kịp thời các cá nhân có hành vi ủy thác gửi tiền dẫn dến việc bầu Kiên và một số lãnh đạo ACB bị truy tố về hành vi cố ý làm trái.
Nếu quy kết các bị cáo tội cố ý làm trái thì hàng loạt DN phải ngừng hoạt động để chờ thêm 2 năm NHNN đưa ra hướng dẫn việc thực hiện ủy thác theo luật các tổ chức tín dụng.
Luật sư Hùng kiến nghị HĐXX khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại Ngân hàng Nhà nước; tuyên bị cáo Nguyễn Đức Kiên không phạm tội cố ý làm trái...
Chiều 28-5, các luật sư tiếp tục phần bào chữa gỡ tội cho các bị cáo. Nói về phần luận tội của Viện kiểm sát (VKS), Luật sư Nguyễn Minh Tâm cho rằng, có những tình tiết mới đã xuất hiện so với hồ sơ, được xem xét công khai nhưng đại diện VKS không đề cập gì.
“Cái chứng minh rất quan trọng thì VKS lại không đánh giá gì cả. Chúng tôi không biết là VKS quên hay không có đánh giá?”-vị luật sư này phản ánh.
Theo luật sư, vụ án Nguyễn Đức Kiên xảy ra trong giai đoạn mang tính chất phức tạp vì gắn liền với lĩnh vực tài chính, tiền tệ, hoạt động đầu tư cổ phiếu; hoạt động có liên quan tới thị trường vàng, chứng khoán… “Luật của chúng ta còn nhiều khiếm khuyết. Vì vậy, Cơ quan điều tra, VKS mới lúng túng trong việc ứng xử, quyết định. Cho nên cáo trạng này nói không có tội, cáo trạng khác nói có tội”-vị này nói.
Luật sư Nguyễn Minh Tâm kết thúc bài bào chữa của mình bằng kết luận: “Ngay cả các cơ quan chuyên môn, lĩnh vực tài chính tiền tệ như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khi trả lời về thị trường vàng, vàng vật chất, đầu tư giá trị vàng… cũng không phân biệt được các khái niệm ấy thì làm sao buộc bị cáo, với các nhà doanh nhân ít am hiểu pháp luật, trừ bị cáo Kiên, hiểu biết để hành xử cho đúng?”.
Cùng quan điểm với đồng nghiệp, Luật sư Lưu Văn Tám bào chữa cho bị cáo Lý Xuân Hải và Huỳnh Quang Tuấn cũng cho rằng VKS chỉ tập trung vào chứng cứ buộc tội chứ chưa đề cập xem xét đến các chứng cứ mới có tính chất giảm tội trong phần xét hỏi.
Ngày mai (29-5), toà tiếp tục phần tranh luận.
Bình luận (0)