Sáng 16-1, phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên/ Hội đồng quản trị (HĐTV/HĐQT) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cùng 21 đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại PVN và Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) tiếp tục diễn ra với phần bào chữa của các luật sư.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại tòa - Ảnh: TTXVN
Bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC, luật sư Nguyễn Văn Quynh cho rằng cáo buộc bị cáo Trịnh Xuân Thanh quanh co chối tội cần phải xem xét lại. Đó là quyền của bị cáo nhưng VKS lại không cho hưởng tình tiết giảm nhẹ.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Quynh cho rằng việc VKS đưa ra các lập luận để nói bị cáo Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo Vũ Đức Thuận, nguyên TGĐ PVC ký hợp đồng EPC số 33, bản chất PVC là bên nhà thầu, Trịnh Xuân Thanh là Chủ tịch HĐQT PVC chứ không có vai trò chỉ đạo xuyên suốt quá trình.
Sau đó, ông Quynh đưa ra hàng loạt lập luận và bút lục đề nghị HĐXX tuyên thân chủ của mình là Trịnh Xuân Thanh vô tội về hành vi Cố ý làm trái.
Cũng bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng quan điểm của VKS cho rằng bị cáo lợi dụng cơ chế đặc thù là không thoả đáng. Giai đoạn xảy ra vụ án chính sách chưa hoàn thiện, người tiên phong mở đường rất dễ lĩnh hậu quả.
Trong khi đó, PVN, PVC tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn người. Phần luận tội mới xác định các hành vi chứ không đánh giá cái được và chưa được đối với dự án. Tình tiết tăng nặng chỉ là lợi dụng chức vụ quyền hạn chứ không phải phạm tội có tổ chức. Các bị cáo làm là theo phân công trách nhiệm và không cố ý làm trái mà muốn sử dụng nguồn lực vì mục tiêu kinh doanh.
"Chủ thể PVC ở đây là bên nhận thầu, tiếp nhận điều khoản hợp đồng có lợi cho mình thì gây nguy hiểm gì? Do vậy, dù có gây ra hậu quả thì vai trò của ông Trịnh Xuân Thanh là thấp nhất bởi là bên nhận thầu"- luật sư Thiệp nói.
Về hành vi tham ô tài sản của Trịnh Xuân Thanh theo cáo buộc của VKS, luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng đã tìm tất cả chứng cứ trong hồ sơ và thấy rằng không phù hợp với quy kết. Ngoài ra, dẫn lời khai của Nguyễn Anh Minh - nguyên Phó TGĐ PVC, Lương Văn Hoà - nguyên giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch cũng như các nhân chứng là lái xe Kế, lái xe Toàn, ông Thiệp cho rằng việc lập khống hồ sơ rút tiền là có nhưng dòng tiền đi đâu thì chưa được làm rõ. Ngoài ra, lời khai của các nhân chứng cũng cần phải thẩm định vì chưa thể khẳng định thứ trong túi là tiền.
Theo luật sư Thiệp, lời khai ít nhất phải chứng minh được chứ không phải niềm tin nội tâm. Trong trường hợp này, niềm tin thôi chưa đủ để chứng minh vi phạm pháp luật mà phải chứng minh bằng chứng cứ phù hợp. "Nếu nói rằng hàng tỉ đồng được chi đối ngoại thì chi cho ai, nếu có cần làm rõ vì nếu không sẽ bỏ lọt tội phạm"- luật sư Thiệp nói
Theo luận tội của VKS, bị cáo Trịnh Xuân Thanh trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo đã chỉ đạo bị cáo Vũ Đức Thuận ký Hợp đồng EPC không đúng pháp luật để PVC được nhận và sử dụng tiền tạm ứng trái quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Đối với hành vi tham ô, bị cáo là người giữ vai trò chính trong việc đề ra chủ trương, cùng Vũ Đức Thuận chỉ đạo Nguyễn Anh Minh và Lương Văn Hòa lập khống hồ sơ, rút 13 tỉ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân, trong đó bị cáo trực tiếp chiếm đoạt 4 tỉ đồng và chịu trách nhiệm cùng các bị cáo Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh và Bùi Mạnh Hiển trong việc sử dụng chung khoản tiền 1,5 tỉ đồng.
Ông Đinh La Thăng lần thứ 2 tự bào chữa
Sau phần đối đáp của luật sư, ông Đinh La Thăng đã phát biểu bổ sung liên quan đến phần luận tội và đối đáp của đại diện VKS. Ông Thăng đề nghị xem xét lại quan điểm cáo buộc của VKS cho rằng có lợi ích nhóm trong chỉ định thầu, vì việc người đi, người đến và thủ trưởng bổ nhiệm cán bộ là bình thường. "Các bị cáo ngồi đây, từ anh Thực (ông Phùng Đình Thực, nguyên Tổng giám đốc PVN) trở xuống đều do bị cáo bổ nhiệm cả. Chẳng lẽ cứ bổ nhiệm là lợi ích nhóm?"- ông nói.
Ông Đinh La Thăng trong một lần trình bày tại tòa - Ảnh: TTXVN
Về vấn đề VKS cho rằng thời điểm thực hiện dự án PVC không đủ năng lực mà chỉ có Lilama, ông Đinh La Thăng khẳng định lúc đó không có đơn vị nào đủ điều kiện, nhất là về kinh nghiệm. Việc chỉ định thầu sau khi được đồng ý về chủ trương thì PVN cũng chỉ chọn thành viên của tập đoàn chứ không chọn bên ngoài và lúc đó PVC là đơn vị mạnh nhất về xây lắp.
Ông Thăng cũng cho rằng việc ông viện dẫn Kết luận 41 của Bộ Chính trị là không sai. Bị cáo Đinh La Thăng trình bày ông không nói Bộ Chính trị chỉ định thầu là PVC mà viện dẫn kết luận này nêu chủ trương. Đồng thời, ông khẳng định thẩm quyền chỉ định thầu với dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 thuộc HĐTV PVPower quyết định. "Do đó chủ trương chỉ định thầu không phải do cao hứng, nhất thời hay do bị cáo tự nghĩ ra"- ông Thăng nói.
Về hợp đồng 33 bị quy kết là trái pháp luật, ông Đinh La Thăng cho rằng thẩm quyền là PVPower, HĐTV của tập đoàn chỉ đạo bằng nghị quyết, văn bản, kết luận chứ không chỉ đạo bằng miệng. Bản thân ông chỉ được thực hiện trong chức năng nhiệm vụ của mình. Trong các cuộc họp, ông không nhận được báo cáo nào về việc hợp đồng 33 sai phạm.
Bình luận (0)