Ngày 24-10, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết tại đây vừa tiếp nhận nam bệnh nhân 72 tuổi (ở Hà Nội) được chuyển đến với chẩn đoán viêm phổi, nhiễm trùng máu, suy gan cấp, u lympho không Hodgkin.
Bệnh nhân có tiền sử phát hiện u lympho không Hodgkin (ung thư hạch) từ tháng 7-2024, đã điều trị hóa chất 2 đợt, lần gần nhất cách 1,5 tháng.
Một tháng gần đây, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, ăn kém, vàng da, vàng mắt tăng dần, đầy bụng khó tiêu, tiểu sẫm màu, đại tiện phân vàng.
Bệnh nhân đi khám tại cơ sở y tế trong tình trạng có tụt huyết áp 80/50 mmHg, được chẩn đoán suy gan cấp, u lympho không Hodgkin, được xử trí duy trì thuốc vận mạch, thở ôxy và chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Tại đây, tình trạng bệnh nhân tiếp tục diễn biến nặng, suy hô hấp tiến triển phải đặt ống nội khí quản, thở máy. Xét nghiệm dịch dạ dày và dịch phế quản bệnh nhân có hình ảnh rất nhiều giun lươn và được chẩn đoán nhiễm giun lươn lan tỏa.
Bệnh nhân được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực với thể trạng suy kiệt, thở máy qua nội khí quản.
Bác sĩ Đặng Văn Dương, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết bệnh nhân đang trong quá trình điều trị bệnh lý ung thư tế bào bạch cầu dòng lympho, phải truyền hóa chất gây biến chứng suy gan nặng nề và suy giảm miễn dịch toàn thân nghiêm trọng. Do đó, khi bệnh nhân chuyển đến với tình trạng nhiễm trùng nặng, ngay từ đầu các bác sĩ đã đánh giá bệnh nhân có nguy cơ nhiễm giun lươn lan tỏa và tiến hành xét nghiệm tìm kiếm.
Với kết quả xét nghiệm có giun lươn, bệnh nhân được sử dụng thuốc đặc trị kết hợp với kháng sinh. Hiện bệnh nhân đã chuyển biến rõ rệt, tuy vậy quá trình điều trị nhiễm giun lươn còn kéo dài.
Cũng theo bác sĩ Dương, nhiễm giun lươn trên người khỏe mạnh có thể chỉ biểu hiện bệnh nhẹ như: Rối loạn tiêu hóa, mẩn ngứa, mệt mỏi, chán ăn… Tuy nhiên, trên những người bệnh suy giảm miễn dịch, dùng thuốc corticoid hay thuốc ức chế miễn dịch kéo dài… có thể bị hội chứng tăng nhiễm giun lươn hoặc nhiễm giun lươn lan tỏa, ấu trùng giun xâm nhập vào nhiều cơ quan như tim, gan, phổi, thận, não… Kèm theo đó là các biểu hiện nhiễm khuẩn nặng, đe dọa tính mạng và điều trị rất khó khăn, tốn kém.
Để phòng nhiễm giun lươn, cần vệ sinh môi trường; quản lý tốt phân, nước, rác; có biện pháp phòng hộ trong lao động và trong sinh hoạt hằng ngày.
Những người thường tiếp xúc với đất nên mang găng tay, đi giày dép, đi ủng. Người có những biểu hiện nghi ngờ bị nhiễm giun lươn nên đến khám chuyên khoa ký sinh trùng để được xét nghiệm xác định bệnh, điều trị sớm.
Bình luận (0)