Tuyên truyền miệng là một loại hình tuyên truyền được tiến hành bằng lời nói trực tiếp, là kênh thông tin chủ yếu và chính thống nhằm giáo dục, phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông báo kịp thời, có định hướng các vấn đề thời sự quan trọng trong nước và quốc tế, các vấn đề mà dư luận quan tâm.
Điều này đã được nêu rõ trong Chỉ thị 17-CT/TW ngày 15-10-2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X. Theo đó, tuyên truyền miệng và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên là một khâu quan trọng, trực tiếp nối liền Đảng, Nhà nước với nhân dân, Trung ương với địa phương và cơ sở để vừa đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân; vừa nắm bắt, phản ánh trung thực, kịp thời tư tưởng, tâm tư, nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng của nhân dân đến với Đảng, Nhà nước.
Với việc xác định vai trò, vị trí nêu trên, công tác tuyên truyền miệng đã được Đảng ta đặc biệt quan tâm. Cụ thể, năm 1977, Ban Bí thư (khóa IV) đã ban hành Chỉ thị 14-CT/TƯ về việc tổ chức đội ngũ báo cáo viên và tuyên truyền viên của Đảng. Năm 1997, Thường vụ Bộ Chính trị (khóa VIII) có Thông báo 71-TB/TƯ về việc tăng cường lãnh đạo và đổi mới công tác tuyên truyền miệng. Năm 2007, Ban Bí thư (khóa X) ban hành Chỉ thị 17-CT/TW về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới…
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, thời gian qua, công tác tuyên truyền miệng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả, đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên truyền miệng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên được tăng cường về số lượng và chất lượng, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, góp phần đưa nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.
Tuy nhiên, một số cấp ủy chưa nhận thức, quan tâm đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng. Ở một số nơi, chất lượng hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên còn hạn chế, thiếu sắc bén, tính thuyết phục, tính chiến đấu chưa cao, chậm đổi mới nội dung, phương thức; việc cung cấp thông tin có lúc, có nơi chưa đầy đủ...
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng để đáp ứng yêu cầu tình hình mới, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần không ngừng nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác này. Từ đó, đề cao trách nhiệm, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo và tăng cường kiểm tra, giám sát để phát huy thế mạnh, hiệu quả của tuyên truyền miệng trong tình hình mới, đồng thời không ngừng đổi mới nội dung và phương pháp tuyên truyền miệng.
Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên. Các cấp ủy, tổ chức Đảng cần thường xuyên tổ chức những lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ tuyên truyền miệng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; chú trọng cập nhật kiến thức mới, kỹ năng, cách giải quyết những tình huống. Cấp ủy, tổ chức Đảng cần đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, đồng bộ để phục vụ tốt công tác tuyên truyền miệng như: hội trường, hệ thống âm thanh, ánh sáng, máy chiếu, máy tính...
Bên cạnh đó, đội ngũ báo cáo viên phải không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng, cập nhật quan điểm, đường lối của Đảng, cũng như cần chú ý đến chất lượng, nội dung và cả nghệ thuật tuyên truyền. Trong các buổi tuyên truyền, cần nắm bắt rõ đối tượng được tuyên truyền để lồng ghép những vấn đề gắn với họ nhằm tạo sự hứng thú và thu hút nhiều người lắng nghe.
Bình luận (0)