xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phát huy triệt để những lợi thế của Đà Lạt

Ths Lê Trường An (giảng viên Trường Đại học Mở TP HCM, nghiên cứu sinh Đại học Kỹ thuật Suranaree - Thái Lan)

Đà Lạt được sở hữu nhiều di sản văn hóa và di sản thiên nhiên, có nhiều tiềm năng vô giá để khai thác các loại hình du lịch chất lượng cao

Vài năm trước, tôi có dịp đến Hà Nội. Lúc lưu trú ở một khách sạn nhỏ tại khu phố cổ, tôi chốt được 2 tour đi 2 nơi trong 2 ngày, xuất phát từ Hà Nội.

Tăng cường kết nối

Tour đầu, tôi chọn đi cố đô Hoa Lư - Ninh Bình. Tại đây, tôi được trải nghiệm thú vị từ lịch sử, con người đến phong cảnh tuyệt đẹp trên suốt hành trình. Tour thứ hai, tôi đi vịnh Hạ Long - Quảng Ninh. Một ngày trên thuyền nơi vịnh đẹp, nổi tiếng nhất Bắc Bộ khiến tôi mãn nhãn...

Kể về việc thiết kế tour du lịch kết nối từ Hà Nội đến các vùng lân cận như Ninh Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định… là một gợi ý về việc liên kết vùng mà Đà Lạt có thể làm và làm tốt. Ở Đà Lạt, việc đi du lịch một ngày đến các địa phương khác trong các khu du lịch đã, đang có mặt tại huyện, thị vệ tinh là một nhu cầu và cũng là lợi thế.

Đà Lạt có thể làm tốt liên kết cùng Bảo Lộc, Đơn Dương, Đức Trọng (nội tỉnh); hoặc Phan Thiết (Bình Thuận), Nha Trang (Khánh Hòa), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk)… để tạo nên các tour trải nghiệm núi - biển - đặc sản, nghỉ dưỡng thú vị. Đà Lạt cũng có thể thiết kế tour du lịch trải nghiệm (đến thác, leo núi, thăm nơi sản xuất chè, cà phê, vườn dâu, atiso, hoa…) hoặc du lịch tâm linh.

Đà Lạt và các huyện, thị lân cận có khá nhiều công trình tôn giáo, cơ sở tâm linh là điểm đến hấp dẫn cho du khách tìm hiểu về văn hóa - tôn giáo của xứ sở sương mù. Ví dụ, với tour Đà Lạt - Bảo Lộc, du khách có thể thăm Linh Quy Pháp Ấn, tu viện Bát Nhã, chùa A Di Đà rồi ghé thác Đam'ri và thăm thiền trang Trúc Lâm Đông Tuệ - một ngôi chùa đẹp nằm ẩn mình bên dòng suối nên thơ ngay chân đèo Bảo Lộc.

Nếu đến Đơn Dương, du khách có thể dừng chân và trải nghiệm không gian Phật giáo Kim Cương thừa Samten Hill Dalat, trở về phố ngàn hoa viếng nhà thờ Con Gà - nhà thờ chính tòa Đà Lạt. Ngoài ra, tại Đà Lạt cũng có những điểm du lịch tâm linh đáng ghé như: thiền viện Vạn Hạnh (ngôi chùa có tượng Phật lớn), chùa Linh Phước (được dân gian gọi là chùa mảnh chai đặc trưng) hoặc thăm chùa Thiên Vương Cổ Sát (chùa người Hoa), thiền viện Trúc Lâm…

Hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt)Ảnh: Vy Thư

Hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt) Ảnh: Vy Thư

Tiềm năng du lịch Đà Lạt gắn với văn hóa - tâm linh là rất lớn. Đà Lạt có thể học hỏi cách làm du lịch tâm linh khá hay của Thái Lan - mỗi điểm đến đều có những vật phẩm tâm linh đặc trưng bán cho du khách.

Một số điểm đến có thể bán vé vào cổng để vừa có nguồn thu cho địa phương vừa có kinh phí đầu tư trở lại. Bán vé các điểm du lịch tâm linh trên hành trình thăm viếng cũng giúp hạn chế lượng khách tới ồ ạt. Đồng thời, trích kinh phí bán vé cho việc quản lý, nhắc nhở du khách có ứng xử phù hợp tại mỗi điểm đến.

Quảng bá tinh tế

Đà Lạt được sở hữu nhiều di sản văn hóa và di sản thiên nhiên, có nhiều tiềm năng vô giá để khai thác các loại hình du lịch chất lượng cao.

Vì thế, Đà Lạt đủ tiềm năng biến du lịch thành ngành mũi nhọn với sự thu hút thêm nhiều đầu tư từ các doanh nghiệp, người dân, không chỉ bởi thiên nhiên, kiến trúc độc đáo, sự tiện nghi mà cần tăng cường truyền thông, nâng cao dịch vụ theo hướng tinh tế, sang trọng. Tuyệt đối không để các tệ nạn xuất hiện ở Đà Lạt như chèo kéo khách, hét giá trên trời, mời chào các dịch vụ "thư giãn" không lành mạnh…

Đà Lạt cần phát huy thế mạnh, kể câu chuyện về thành phố với những nét riêng, những con người đặc biệt, hàng quán dễ thương, điểm đến hấp dẫn… trên các kênh chính thức (báo, đài) cũng như mạng xã hội. Thành phố có thể mời các bạn trẻ có góc nhìn mới mẻ chuyên làm video du lịch, review ẩm thực có nền tảng kiến thức và trải nghiệm tốt, lượng theo dõi cao tham gia quảng bá, cùng viết nên thương hiệu cho Đà Lạt lan tỏa rộng hơn.

Bên cạnh đó, Đà Lạt cần phối hợp tổ chức các cuộc thi mang tầm quốc tế, khu vực… để những người nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực ở trong, ngoài nước có trải nghiệm thực tế đối với thành phố. Từ đó, họ sẽ là một "kênh" giúp chia sẻ hình ảnh đẹp của Đà Lạt đến với số đông thông qua trang cá nhân của họ.

Sử dụng KOL trong truyền thông quảng bá thương hiệu hiện nay không còn xa lạ, có thể áp dụng cho câu chuyện du lịch bền vững ở Đà Lạt. Tất nhiên, quan trọng hơn, vẫn là câu chuyện thực tế ở đây: Đà Lạt còn gì, đang phát triển ra sao và có những gì để mọi người nhất định phải tìm đến trong đời cũng như nhất định phải đến khi thăm Việt Nam? 

Thành phố Du lịch sạch ASEAN

Theo Địa chí Đà Lạt, từ xa xưa, địa phương này và cả cao nguyên Lâm Viên là địa bàn cư trú của người Lạch, Chil, Srê thuộc dân tộc K'Ho. Sau khi bác sĩ Yersin khám phá cao nguyên này chỉ một thời gian ngắn, dân số Đà Lạt tăng lên 1.500 người vào năm 1923, sau đó năm 1925 tăng lên 2.400 người, đến năm 1939 là 11.500 người... và hiện nay khoảng 250.000 người.

Đà Lạt đã được công nhận là "Thành phố Du lịch sạch ASEAN" giai đoạn 2022-2024. Tạp chí Lifestyle Asia đề xuất Đà Lạt là 1 trong 12 điểm đến lãng mạn nhất châu Á năm 2022...

Theo ông Đặng Quang Tú, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, trong năm 2022, tổng lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt đạt 6 triệu (tăng 205% so với năm 2021). Toàn thành phố hiện có 2.437 cơ sở lưu trú du lịch, với 31.152 phòng (tăng 194 cơ sở so với năm 2021). Bên cạnh đó, Đà Lạt có trên 1.014 cơ sở kinh doanh nhà hàng - ăn uống.

(Theo website Thành ủy Đà Lạt)


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo