Học viện Cán bộ TP HCM phối hợp với Trường Chính trị - Hành chính Thủ đô Vientiane (Lào) vừa tổ chức hội thảo "Phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên".
Có cơ chế bảo vệ người tố giác
Để nâng cao hiệu quả giám sát của nhân dân đối với hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên, theo nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM Phạm Phương Thảo, trước hết là việc xác định đối tượng giám sát, từ đó xây dựng nội dung giám sát phù hợp.
Về hình thức giám sát, nếu lập đoàn giám sát độc lập, theo chuyên đề, kể cả những vấn đề bức xúc của dân; nếu có cung cấp thông tin đầy đủ, có báo cáo giải trình, có tích cực tìm giải pháp xử lý thấu đáo trên tinh thần xây dựng thì có thể sớm giải quyết vụ việc.
Hoạt động giám sát có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, từ lợi ích của nhân dân. Quá trình chuẩn bị giám sát phải thu thập thông tin, khi cần có tổ chức khảo sát, liên hệ chặt chẽ với cơ quan chức năng để báo cáo giải trình. Kết thúc đợt giám sát, có văn bản kiến nghị cơ quan thẩm quyền theo dõi giải quyết vụ việc và báo cáo với cơ quan tổ chức giám sát.
Ủy ban MTTQ cần có sự phối hợp với ủy ban kiểm tra của Đảng ở các cấp trong tổ chức hoạt động giám sát đối với cấp ủy, chính quyền và cán bộ, đảng viên từ việc xây dựng, thực hiện kế hoạch giám sát, cũng như báo cáo kết quả giám sát và theo dõi thực hiện kết luận sau giám sát.
"TP HCM là địa phương đang triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị nên việc tăng cường hoạt động giám sát của mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội (nhất là ở quận, phường - những nơi không tổ chức HĐND) trong việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước là hết sức cần thiết" - bà Phạm Phương Thảo cho hay.
Còn theo PGS-TS Trương Thị Hiền, nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ TP HCM, cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 04-NQ/TW (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Thực hiện nghiêm Quy định 76-QĐ/TW của Bộ Chính trị (VIII), sau đó là quy định 213 về việc đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú.
Đồng thời, có cơ chế bảo vệ người tố giác sai phạm của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bảo đảm mọi hoạt động của cá nhân tổ chức trong hệ thống chính trị phải công khai, minh bạch có trách nhiệm giải trình trong nội bộ và trước nhân dân. Tiếp tục nâng cao hiệu quả việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở…
Quy định rõ vấn đề cần xin ý kiến
Theo ThS Nguyễn Thị Kim Nhung, Trường Chính trị TP Cần Thơ, cần hoàn thiện quy định pháp luật thống nhất, đồng bộ về cách thức người dân đóng góp trực tiếp những vấn đề liên quan đến đất nước. Xây dựng cơ chế tiếp thu và phản hồi sau khi lấy ý kiến của nhân dân.
Đặc biệt, quy định rõ vấn đề cần xin ý kiến, nội dung xin ý kiến, cách thức lấy ý kiến… Tiếp tục hoàn thiện những quy định pháp lý về trưng cầu ý dân đối với những vấn đề quan trọng của đất nước và của từng địa phương. Xây dựng kênh trực tuyến tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của nhân dân khi giám sát trực tiếp cán bộ, đảng viên và tuyên truyền hướng dẫn nhân dân cách thực hiện, nhằm lôi cuốn tất cả tầng lớp nhân dân tham gia. Bổ sung quy định chế tài thích hợp và mang tính răn đe đối với cơ quan hành chính nhà nước và người có thẩm quyền nếu chậm tiếp nhận và giải quyết những khiếu nại, kiến nghị của nhân dân.
Để phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, theo ThS Nguyễn Thị Thanh Huyền, Học viện Cán bộ TP HCM, cần nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò của họ trong giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định về phát huy dân chủ. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Cùng với đó là tăng cường hơn nữa các kênh thông tin để tiếp nhận phản ánh của người dân trong hoạt động giám sát. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội. Hệ thống chính trị cần tiếp tục chăm lo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bởi, muốn phát huy vai trò giám sát của nhân dân, dựa vào dân để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thì Đảng và Nhà nước cần phải tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch nhằm bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân…
Góp phần xây dựng chỉnh đốn Đảng
PGS-TS Nguyễn Văn Y, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TP HCM, cho hay hội thảo này đã khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với hệ thống chính trị nói chung và đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng ở cả Việt Nam và Lào hiện nay. Công tác giám sát của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên sẽ góp phần to lớn vào việc phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa ở cả 2 nước, từ đó tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển toàn diện đất nước.
Đặc biệt, việc phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên sẽ góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín và bản lĩnh.
Bình luận (0)