Cốt lõi giá trị của nền dân chủ cộng hòa là chính quyền do dân thành lập nên, quyền lực tối cao của nhà nước thuộc về một cơ quan do dân bầu ra.
Để hiện thực hóa nền dân chủ cộng hòa và khát vọng tự do, hạnh phúc của nhân dân ta, cùng với quá trình chuẩn bị tiến tới cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 bầu Quốc hội khóa I, ngày 22-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký ban hành Sắc lệnh 63-SL về tổ chức hội đồng nhân dân (HĐND) và ủy ban hành chính (UBHC) ở các xã, huyện, tỉnh, kỳ. Tiếp đó, ngày 21-12-1945, Sắc lệnh 77-SL về tổ chức HĐND và UBHC thành phố, thị xã cũng được ban hành.
Đây là 2 văn bản pháp lý đầu tiên trong lịch sử lập pháp nước ta về tổ chức chính quyền địa phương - nhân tố không thể thiếu để cấu thành nên thể chế dân chủ cộng hòa.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh từ những ngày đầu lập nước, bản chất nhà nước của dân, do dân, vì dân đã thể hiện rất rõ, được chuyển hóa vào Sắc lệnh 63-SL và Sắc lệnh 77-SL với quy định: "Chính quyền nhân dân địa phương trong nước Việt Nam sẽ đặt hai thứ cơ quan là HĐND và UBHC. HĐND do dân bầu ra theo lối phổ thông và trực tiếp đầu phiếu là cơ quan thay mặt cho dân. UBHC do các HĐND bầu ra là cơ quan hành chính vừa thay mặt cho dân vừa đại diện cho Chính phủ" (điều 1 Sắc lệnh 63-SL).
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I tại Nhà hát Lớn Hà Nội sau Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946. Ảnh: TƯ LIỆU
Sắc lệnh này cũng quy định quyền bầu cử, ứng cử đối với công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam, nữ; quy định quyền hạn, cách thức tổ chức, hoạt động của HĐND cấp xã, cấp tỉnh, thành phố, thị xã và của UBHC các cấp.
78 năm qua, kế thừa Sắc lệnh 63-SL và Sắc lệnh 77-SL, phát huy các giá trị của nền dân chủ cộng hòa, 7 luật về tổ chức chính quyền địa phương đã được ban hành (năm 1958, 1962, 1983, 1989, 1994, 2003 và 2015), gắn liền với mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc.
Trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, đường lối nhất quán của Đảng ta là phải xây dựng, hoàn thiện nhà nước theo tinh thần dân chủ, tự do, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, của dân, do dân và vì dân; xây dựng bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương do dân bầu ra bằng cuộc bầu cử dân chủ, thể hiện ý nguyện của nhân dân.
Các giá trị cốt lõi của chính quyền dân chủ nhân dân luôn được Đảng ta giữ gìn, bồi đắp; quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân luôn được thể chế hóa bằng pháp luật. Chính quyền các cấp đã thực thi quyền lực do nhân dân ủy thác; không ngừng tự chỉnh đốn, đổi mới tổ chức và hoạt động; bảo đảm tăng cường giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước, cải cách nền hành chính quốc gia, tận tụy phục vụ nhân dân, được nhân dân tin yêu và bảo vệ.
Tuy vậy, một bộ phận cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử vẫn còn quan liêu, chưa tận tâm với dân, quên "lời hứa" với cử tri khi tranh cử, chưa làm tròn trách nhiệm với nhân dân. Một số khác suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đã bị xử lý. Dư luận đồng tình ủng hộ Đảng, Nhà nước xử lý nghiêm, không có vùng cấm, để ngăn chặn, đẩy lùi sự tha hóa quyền lực nhà nước; hun đúc lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ.
Trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân là không ngừng xây dựng chính quyền từ địa phương đến trung ương ngày càng vững mạnh, luôn thực sự là công bộc của dân. Đó cũng chính là bảo vệ các giá trị cốt lõi của nền dân chủ cộng hòa.
Bình luận (0)