Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là 1 trong 3 trụ cột quan trọng đóng vai trò chủ đạo, tiên phong, nòng cốt của nền kinh tế. Dù vậy, DNNN vẫn phát triển chưa như kỳ vọng, mới đóng góp khoảng 28% thu ngân sách nhà nước; một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty có lợi nhuận âm, trong đó có DN có quy mô lớn, vai trò quan trọng…
Có một thực tế là lâu nay, hiệu quả của DNNN thường được đánh giá thuần túy ở góc độ quản trị, liên quan đến nhiều chính sách khác và chưa mạch lạc về vai trò.
Nếu đã là một thực thể kinh tế thì DNNN cần lấy lợi nhuận làm mục tiêu kinh doanh. Đặt mục tiêu lợi nhuận rõ ràng, phân vai cụ thể sẽ giúp lãnh đạo DNNN xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch cho từng mục tiêu, nhiệm vụ. Vì thế, sửa Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại DN thì phải trả về cho DNNN một vai trò đúng đắn trong một nền kinh tế thị trường với chức năng kinh doanh rõ ràng, thay vì chỉ là một công cụ để điều hành kinh tế vĩ mô.
DNNN cũng đang gặp một trở ngại vì quy định hiện hành nên chưa áp dụng được "lời ăn lỗ chịu", còn bị "trói tay, trói chân", chưa bứt phá lên được. Do đó, cần có tiêu chí về lợi nhuận rất rõ ràng. Bởi nhìn trên phương diện tài chính không ít DN đã thua lỗ, tỉ số sinh lợi của vốn thấp hay thậm chí là gây thất thoát tài sản nhà nước… nhưng khi đánh giá về mặt hiệu quả xã hội thì DNNN lại "được việc"!
Cũng cần thay đổi tư duy về hiệu quả hoạt động của DNNN, không thể cứng nhắc là "không được gây thất thoát tài sản nhà nước". Quy định này đang lợi bất cập hại, cái lợi ở đây là các DN phải kiểm soát đồng vốn hiệu quả, vì đằng sau là tiền thuế của dân, phải có trách nhiệm với người dân. Ở chiều ngược lại, vì quy định này mà dùng công cụ pháp chế để ràng buộc các DNNN không được để thất thoát tài sản, trong khi làm ăn, kinh doanh thì làm sao có thể dự án nào cũng hiệu quả, không rủi ro, thua lỗ!
Chấp nhận thua lỗ ngắn hạn để đạt được lợi nhuận dài hạn trong nhiều dự án của DNNN là phù hợp, cần đánh giá hiệu quả tổng thể của toàn dự án chứ không phải đánh giá theo từng năm. Khi được bổ nhiệm vào "ghế nóng", người đứng đầu cũng cần tinh thần doanh nhân để đưa DNNN phát triển, chứ không phải vì những quy định ràng buộc, thiếu rõ ràng kìm hãm sự dám nghĩ, dám làm và góp sức của doanh nhân.
Cần tạo ra sức bật mới để DNNN phát huy đúng vai trò trụ cột của nền kinh tế. Muốn vậy, một trong những giải pháp là đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa DNNN, vốn đang "giẫm chân tại chỗ" thời gian qua. Cổ phần hóa một cách minh bạch để bảo đảm thu hút những đối tác tư nhân có năng lực tham gia vào quản trị và khai thác cái tài nguyên, tài sản đó của DNNN, góp sức thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Lam Giang ghi
Bình luận (0)