Ngày 23-12, tỉnh Bình Định tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trung tâm phát triển kinh tế biển
Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, Bình Định sẽ trở thành địa phương phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; khu vực trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại.
Về chỉ tiêu cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt từ 8,5%/năm trở lên; vốn đầu tư huy động đạt 800.000 - 850.000 tỉ đồng/năm. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người là 204 - 213 triệu đồng; tổng thu ngân sách đạt 30.000 - 35.000 tỉ đồng/năm; đón 12 triệu lượt khách du lịch/năm.
Kinh tế phát triển nhanh, bền vững và xanh dựa trên các trụ cột gồm tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ, du lịch, cảng biển - logistics, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đô thị hóa...
Đến năm 2030, tỉnh Bình Định sẽ có 21 đô thị với 3 thành phố gồm Quy Nhơn, An Nhơn và Hoài Nhơn; phát triển thị xã Tây Sơn thành cửa ngõ giao thương phía Tây của tỉnh; phát triển 15 KCN, 68 cụm công nghiệp.
Về giao thông, tập trung ưu tiên tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku; nâng cấp ga Diêu Trì thành ga tổng hợp; xây dựng mới 2 ga hàng hóa đường sắt tại xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước) và xã Canh Vinh (huyện Vân Canh) để phục vụ vận chuyển hàng hóa của cảng Quy Nhơn, Khu Kinh tế Nhơn Hội và các trung tâm logistics.
Tiếp tục đầu tư, nâng cấp sân bay Phù Cát và phát triển thành cảng hàng không cấp 4E với công suất 5 triệu khách/năm, 12.000 tấn hàng hóa/năm; chuyển thành cảng hàng không quốc tế khi đủ điều kiện. Đến năm 2050, nâng công suất lên 7 triệu khách/năm, 27.000 tấn hàng hóa/năm.
Phát triển tỉnh Bình Định trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn doanh nghiệp khoa học - công nghệ, nhà khoa học trong nước và quốc tế; trở thành trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo vùng. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) cho các ngành kinh tế trụ cột, gắn với các lợi ích phát triển khác.
Cơ hội để cất cánh
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết tỉnh có vị trí chiến lược, nằm ở trung tâm của trục Bắc - Nam; có hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi, cửa ngõ ra biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất của các tỉnh Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan.
Bên cạnh đó, Bình Định còn có lịch sử lâu đời, có nền văn hóa đặc sắc, là miền "đất võ, trời văn" sinh ra nhiều anh hùng dân tộc, danh tướng và danh nhân văn hóa. Đặc biệt, con người Bình Định có tinh thần đoàn kết, yêu nước, trí tuệ, cần cù, sáng tạo, khát vọng vươn lên.
Những tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, nguồn lực phong phú là điều kiện, tiền đề để Bình Định bước vào thời kỳ phát triển mới, bứt phá vươn lên. Những năm qua, tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực; tiềm năng, lợi thế của tỉnh từng bước được phát huy.
"Bình Định xác định việc xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là công cụ cần thiết để hoạch định, quản lý, điều hành thống nhất, xuyên suốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực cũng như phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của tỉnh" - ông Phạm Anh Tuấn nói.
Lãnh đạo tỉnh khẳng định sẽ tập trung triển khai kịp thời các kế hoạch, các đề án nhằm cụ thể hóa quyết định phê duyệt quy hoạch.
TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, đánh giá Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển dài hạn, bền vững của tỉnh. Đây là lần đầu tiên Bình Định có một bản quy hoạch tích hợp kinh tế - xã hội, văn hóa, an ninh - quốc phòng, tài nguyên - đặc biệt là đất đai, rừng, biển. "Bản quy hoạch giúp định hướng rõ hơn cho tỉnh Bình Định trên con đường đi sắp tới" - TS Trần Du Lịch nói.
Nhấn mạnh quy hoạch là cơ sở pháp lý quan trọng nhất định hình cho sự phát triển của tỉnh trong tương lai, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, cho biết tỉnh đã chuẩn bị những giải pháp cụ thể, thiết thực để cụ thể hóa các nội dung trong quy hoạch thành nhiệm vụ của từng địa phương.
"Các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ thì tỉnh Bình Định sẽ cất cánh. Tôi cũng yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, địa phương xác định việc thực hiện quy hoạch là ưu tiên hàng đầu" - ông Hồ Quốc Dũng cho hay.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh; cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị, thể hiện khát vọng của Đảng bộ và người dân Bình Định trong việc phát triển tỉnh trở thành địa phương thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
Phó Thủ tướng lưu ý tỉnh Bình Định cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quy hoạch; công bố công khai, rộng rãi quy hoạch tỉnh; quảng bá để thu hút các nguồn lực xã hội; tạo điều kiện thuận lợi để người dân giám sát việc thực thi quy hoạch. Đồng thời, huy động tối đa, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả.
"Tôi tin tưởng Bình Định sẽ biến khó khăn, thách thức thành động lực phát triển, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, sớm trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ" - Phó Thủ tướng bày tỏ.
Tại buổi lễ, tỉnh Bình Định đã trao quyết định quy hoạch Cảng Hàng không Phù Cát thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và bản ghi nhớ đầu tư cho các nhà đầu tư đã và đang tìm cơ hội đầu tư vào Bình Định.
Bình luận (0)