Những phế phẩm nông nghiệp đã được người dân chế biến thành thức ăn chăn nuôi và phân hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện môi trường.
Các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai, vốn canh tác nông nghiệp quy mô lớn. Do đó, lượng rác thải từ phụ phẩm nông nghiệp rất nhiều. Từ khi dự án trên được triển khai, nhiều hộ dân đã tham gia và bước đầu đạt được hiệu quả kinh tế, làm sạch môi trường.
Gia đình ông Nguyễn Hữu Phú (làng Nhung, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) nhiều năm qua sống dựa vào canh tác nông nghiệp, chăn nuôi thuần túy, dù vất vả nhưng thu nhập chẳng bao nhiêu. Sau khi tham dự các lớp tập huấn về việc xử lý rác thải do Hội Nông dân tỉnh Gia Lai tổ chức, ông thay đổi nhận thức, làm theo và mang lại hiệu quả tích cực.
Trong các mô hình, ông Phú chọn cách nuôi gà trên đệm lót sinh học. Ban đầu, ông còn băn khoăn, chưa tin đàn gà có thể thay đổi được chất lượng chỉ với lớp trấu, mùn cưa, vỏ bào… trộn men vi sinh. Sau gần một năm, ông hoàn toàn bị thuyết phục khi chứng kiến đàn gà ít bị bệnh, tỉ lệ chết giảm hẳn so với cách nuôi trước đây; chuồng luôn sạch sẽ, không còn mùi hôi. "Không ngờ phương pháp này lại hiệu quả đến vậy. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ mở rộng đàn gà nuôi theo cách này" - ông phấn khởi.
Trong khi đó, ông Hoàng Hữu Quảng (thôn 5, xã Nghĩa Hưng) chọn mô hình nuôi sâu canxi làm thức ăn cho gà. Do thức ăn của sâu canxi chỉ là phế phẩm nông nghiệp nên rất thuận lợi, không tốn kém. "Dùng sâu canxi làm thức ăn giúp đàn gà nhanh lớn, khỏe mạnh, thịt cũng ngon hơn. Thức ăn cho gà làm theo cách này vừa rẻ, không tốn kém như trước lại vừa rút ngắn được thời gian nuôi" - ông so sánh.
Cũng dự các lớp tập huấn xử lý rác thải, canh tác thân thiện với môi trường, ông Hoàng Thanh Vân (phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) áp dụng cả mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học lẫn nuôi sâu canxi và trùn quế, tạo thành vòng tuần hoàn xanh khép kín. Theo ông, thức ăn của sâu canxi là rau củ quả, của trùn quế là chất thải động vật. Trùn quế và sâu canxi trưởng thành là thức ăn bổ dưỡng cho gà. Chất thải từ chăn nuôi gà, sâu canxi, trùn quế dùng bón rau xanh, cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn. Do tạo được vòng tròn khép kín, hỗ trợ nhau nên gia đình ông đã giảm được rất nhiều chi phí.
Theo ông Đào Nhật Nam, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Ayun Pa, ban đầu, các hộ tham gia dự án được hỗ trợ kinh phí. Khi thấy dự án hiệu quả, họ tự bỏ tiền ra thực hiện nhiều mô hình. Từ những người này, nhiều hộ dân khác làm theo, giúp dự án ngày càng hiệu quả.
Bên cạnh việc mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, các mô hình nêu trên còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu lượng rác thải. Quan trọng hơn, dự án đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về kinh tế tuần hoàn; từng bước giải quyết việc lãng phí phụ phẩm nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi dư thừa, chất thải chuồng trại; dần thay đổi phương pháp chăn nuôi cũ, chuyển sang cách chăn nuôi, canh tác mới, thân thiện với môi trường.
Bình luận (0)