xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phát triển làng nghề sơn mài truyền thống

Bài và ảnh: Thanh Thảo

Giữ gìn, phát triển làng nghề truyền thống, bảo đảm môi sinh, môi trường trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt là bài toán khó, cần tìm lời giải đúng

Một trong những nét đặc trưng của tỉnh Bình Dương là hệ thống làng nghề thủ công truyền thống, trong đó nổi bật là làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp ở phường Tương Bình Hiệp, TP Thủ Dầu Một. Cũng như các làng nghề truyền thống khác, làng nghề sơn mài mỹ nghệ này đang đối mặt nhiều thách thức khi tác động tiêu cực đến môi trường và sự cạnh tranh sản phẩm khốc liệt.

Có nguy cơ mai một

Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp từng nổi tiếng cả nước, là một trong những chiếc nôi của ngành mỹ nghệ sơn mài. Trải qua bao thăng trầm theo thời gian, làng nghề này vẫn mang đậm nét văn hóa truyền thống cũng như nét đặc trưng của vùng đất và con người Bình Dương.

Trước đây, người dân Tương Bình Hiệp chủ yếu sống bằng nghề nông. Tranh thủ lúc nông nhàn, một số người đã làm ra những bức sơn mài để thỏa niềm đam mê. Những bức sơn mài ấy đã được người giàu có trong vùng mua về trưng bày trong nhà. Tiếng lành đồn xa, nhiều người đã đến Tương Bình Hiệp tìm mua tranh sơn mài. Dần dần, các hộ dân ngày càng chuyên sâu công việc này và hình thành nên làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp.

Sơn mài mỹ nghệ Tương Bình Hiệp là một trong những làng nghề nổi tiếng, đã định vị trên địa bàn Bình Dương hơn 300 năm. Từ lối chế tác cha truyền con nối, các nghệ nhân luôn dày công gởi gắm cả tâm huyết để dần hoàn thiện tay nghề, làm nên những tác phẩm nghệ thuật sơn mài được nhiều người ưa chuộng.

Đến nay, cơ sở sơn mài Tư Bốn của nghệ nhân Lê Văn Linh và cơ sở sơn mài Định Hòa là 2 cơ sở hiếm hoi tại Bình Dương được đầu tư bài bản, có khu trưng bày sản phẩm và khu sản xuất biệt lập. Nghệ nhân Lê Văn Linh cho biết lúc 23 tuổi, ông từ TP HCM đến Tương Bình Hiệp học nghề chỉ vì tò mò, thấy việc này thú vị. Trong quá trình học hỏi, ông ngày càng yêu thích nghề này và chuyển hẳn đến Tương Bình Hiệp sinh sống rồi gắn với nghiệp sơn mài gần 40 năm nay.

"Sơn mài Bình Dương rất nổi tiếng, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Từ nguyên liệu gỗ đến khâu cuối cùng của sản phẩm phải trải qua 25 công đoạn, mỗi công đoạn đòi hỏi kỹ thuật riêng, tỉ mỉ và công phu. Quy trình sơn mỗi sản phẩm phải mất từ 3 đến 6 tháng mới bảo đảm yêu cầu chất lượng. Kỹ thuật và kinh nghiệm của người thợ quyết định chiều sâu của bức tranh sơn mài, bởi họ biết mài ở đâu là đúng, nên dừng lại chỗ nào và làm sao để thổi hồn vào sản phẩm" - ông Linh say sưa nói về nghề.

Từ năm 1975 đến nay, sau nhiều biến đổi, nghề sơn mài ở Bình Dương dần ổn định. Theo nghệ nhân Lê Văn Linh, ngày nay, các cơ sở tại làng nghề Tương Bình Hiệp có khả năng sản xuất sản phẩm sơn mài khá đa dạng, từ tranh nghệ thuật đến các loại tủ liễn, bàn ghế… Bên cạnh các loại tranh còn có nhiều sản phẩm sơn mài để sử dụng và trang trí, như: bình, lọ, dĩa, hộp, vòng tay… Có rất nhiều phương pháp thực hiện sản phẩm: sơn mài, sơn lộng, sơn mài vẽ mỏng, sơn mài khoét trũng, sơn mài đắp nổi, sơn mài cẩn trứng, sơn mài cẩn xà cừ, cẩn ốc… làm nên sự đa dạng.

Theo các nghệ nhân, trước đây, người thợ làm tranh sơn mài chỉ dùng sơn ta từ nhựa cây sơn có chủ yếu ở vùng Phú Thọ. Khi dùng loại sơn này thì đến giữa trưa phải mang tranh ra làm ngoài nắng gắt để lớp sơn được chín và lan đều. Còn ngày nay, thợ sơn mài chủ yếu dùng sơn công nghiệp nhập từ nước ngoài. Sơn ngoại nhập, nhất là loại giá rẻ, giúp cơ sở sản xuất giảm giá thành sản phẩm nhưng lại gây ô nhiễm môi trường nặng nề.

Nghệ nhân Lê Văn Linh trăn trở: "Tranh và các sản phẩm, vật dụng sơn mài đang có nguy cơ mai một khi không còn được sử dụng phổ biến như trước, phần lớn do sự cạnh tranh từ nhiều sản phẩm trang trí khác. Cơ sở sản xuất sơn mài cũng dần thưa thớt. Thu nhập của thợ sơn mài bình quân chỉ khoảng 8 triệu đồng/tháng".

Cơ sở sản xuất sơn mài Tư Bốn của nghệ nhân Lê Văn Linh thu hút nhiều sinh viên đến tham quan

Cơ sở sản xuất sơn mài Tư Bốn của nghệ nhân Lê Văn Linh thu hút nhiều sinh viên đến tham quan

Đề án vẫn "trên giấy"

Năm 2017, Bình Dương tiếp tục xây dựng Đề án Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp du lịch.

Đề án này tập trung vào các nội dung: Xây dựng tổng thể làng nghề; quy hoạch và xây dựng khu sản xuất tập trung cho các doanh nghiệp sơn mài để bảo đảm vấn đề môi trường; xây dựng nơi trưng bày sản phẩm chung. Bên cạnh đó, kết hợp xây dựng các tour du lịch sinh thái tham quan, giới thiệu sản phẩm làng nghề đến du khách trong và ngoài nước. Thế nhưng đến nay, đề án này vẫn "nằm trên giấy" khiến nhiều nghệ nhân sơn mài không khỏi lo lắng.

Trước sự trăn trở của các nghệ nhân, ông Nguyễn Chí Thành, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Dầu Một, cho biết dự án đã được UBND thành phố giao Ban Quản lý dự án TP Thủ Dầu Một lập tờ trình chủ trương đầu tư. Sau khi có quyết định phê duyệt đầu tư của tỉnh, thành phố sẽ triển khai các bước đấu thầu, thi công và thực hiện dự án sớm nhất có thể.

Dự kiến trong năm 2025, TP Thủ Dầu Một sẽ khởi công xây dựng khu làng nghề sơn mài. Nguồn vốn bố trí cho dự án này là hơn 350 tỉ đồng, chia thành 2 giai đoạn. Từ nay đến năm 2026, đầu tư khu làng nghề và vùng phụ cận; sau năm 2026 sẽ tiếp tục đầu tư đường bờ lu, hàng rào và khu vực phục vụ khu làng nghề.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, đã đề nghị các sở, ngành và TP Thủ Dầu Một rà soát lại Đề án Bảo tồn và Phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch để bảo đảm hiệu quả khi đầu tư. Trong đó, chú ý đến chính sách phát triển bền vững để những người làm nghề vừa sản xuất vừa bảo tồn và phát huy nghề truyền thống.

Lãnh đạo Bình Dương còn yêu cầu chú trọng đưa các ngành nghề truyền thống vào trường học để giúp học sinh hiểu về giá trị các làng nghề. Bên cạnh đó, tổ chức cho người dân, nhất là giới trẻ, trải nghiệm để hình thành nhận thức và sự yêu thích các ngành nghề truyền thống của địa phương. 

Trải qua nhiều thăng trầm, sản phẩm của làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, sự tinh xảo, nhẹ nhàng mang đậm tính Á Đông. Với sự sáng tạo của các nghệ nhân, sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp đã chinh phục được nhiều khách hàng khó tính trong nước cũng như các nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản...

Để vực dậy làng nghề này, Bình Dương đã lập hồ sơ đề nghị công nhận nghề sơn mài Tương Bình Hiệp là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia; đến năm 2016 đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo