Gụ lau - còn gọi là gõ lau, gõ sương, gõ dầu, gõ bắc - là cây gỗ lớn quý hiếm ở Việt Nam. Tại tỉnh Quảng Trị, gụ lau tập trung chủ yếu ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông, huyện Đakrông và rú Lịnh, huyện Vĩnh Linh, trong đó có nhiều cổ thụ vài người ôm không xuể.
Băng rừng tìm cây trội
Ngoài việc tăng cường bảo vệ loài gụ lau quý hiếm ở Quảng Trị, các cơ quan chức năng còn tìm cách bảo tồn, nhân giống, hướng tới phát triển thành rừng gỗ lớn.
TS Vũ Đức Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ, cho biết các nhà khoa học của trung tâm đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt đề tài "Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gien cây gụ lau (Sindora tonkinensis A. Chev. Ex K. & S. S. Larsen) tại một số tỉnh duyên hải miền Trung". Mục tiêu của đề tài này là khai thác, phát triển bền vững nguồn gien thực vật quý có giá trị kinh tế và bảo tồn cao, góp phần phát triển kinh tế rừng ở các tỉnh duyên hải miền Trung.
Mới đây, Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ đã tiến hành tuyển chọn gụ lau tại 5 tỉnh, thành miền Trung gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam. Những gụ lau được tuyển chọn gọi là cây trội, hội đủ các tiêu chí, điều kiện để bảo tồn, nhân giống.
Nhằm tuyển chọn gụ lau hội đủ các tiêu chí cây trội, đoàn điều tra, khảo sát của Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiều chuyến băng rừng, ăn ngủ giữa đại ngàn để tìm kiếm. Mỗi chuyến tìm cây trội thường kéo dài 2 - 3 ngày. Nhiều chuyến không tìm được cây nào nhưng cũng có chuyến, đoàn tìm thấy hàng chục gụ lau hứa hẹn là cây trội.
Đến nay, riêng tại Quảng Trị, Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ đã chọn lựa được 19 cây gụ lau ở rú Lịnh và 12 cây ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông. Sau khi sàng lọc, phân tích số liệu, đơn vị này đã tuyển chọn được 15 cây trội. Gụ lau được tuyển chọn trên địa bàn Quảng Trị đều có thân thẳng, tròn đều, không vặn xoắn, cành nhỏ, không bị sâu bệnh và đã cho quả.
Theo TS Vũ Đức Bình, các cây trội được tuyển chọn ở 5 tỉnh, thành đều sinh trưởng, phát triển tốt. Các cây gụ lau chọn lọc đã được thu hái quả để nhân giống, xây dựng vườn sưu tập kết hợp khảo nghiệm giống, góp phần khai thác và phát triển nguồn gien loài thực vật quý hiếm tại khu vực miền Trung này.
Chuyển giao kỹ thuật nhân giống, trồng rừng
Lãnh đạo Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ đánh giá: "Những kết quả bước đầu của đề tài đã góp phần duy trì khai thác và phát triển các giống cây trồng bản địa một cách hiệu quả, bền vững, phù hợp với Đề án Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp và Chiến lược Phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chương trình Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gien đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ".
TS Vũ Đức Bình cho hay trên cơ sở các kết quả đạt được bước đầu, đề tài sẽ tiếp tục triển khai đến hết tháng 12-2025. Trong đó, tập trung vào việc phân tích đa dạng di truyền; xây dựng 2 ha vườn sưu tập kết hợp với khảo nghiệm giống tại 2 tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam; xây dựng 10 ha nghiên cứu kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng nguồn gien cây gụ lau ở 2 tỉnh này.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ chú trọng tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nhân giống và kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn từ nguồn gien cây gụ lau 2 lớp. Việc này nhằm chuyển giao kết quả nghiên cứu tới chính quyền và cán bộ lâm nghiệp, khuyến nông, khuyến lâm và người dân địa phương nơi triển khai đề tài để phát triển, nhân rộng mô hình rừng trồng gỗ lớn gụ lau cho sản xuất ở các tỉnh, thành miền Trung.
Chưa được quan tâm đúng mức
TS Vũ Đức Bình nhìn nhận mặc dù là loài cây có giá trị khoa học, kinh tế và giá trị bảo tồn cao nhưng gụ lau lại chưa được quan tâm nghiên cứu đúng mức. Gỗ gụ lau vẫn được khai thác chủ yếu từ rừng tự nhiên. Một số mô hình thí nghiệm trồng rừng gụ lau cung cấp gỗ lớn đã được thực hiện nhưng kết quả còn hạn chế, dẫn đến nguy cơ suy thoái một nguồn gien cây rừng quý giá.
Trước thực trạng trên, việc khai thác và phát triển nguồn gien gụ lau dựa trên nguồn giống được tuyển chọn, đồng thời áp dụng các kỹ thuật lâm sinh tiến bộ là rất cần thiết. Điều này nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, rút ngắn chu kỳ kinh doanh và khai thác sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả trên cả 3 phương diện kinh tế, xã hội và môi trường.
Bình luận (0)