Ngày 23-10, ông Hoàng Văn Thi, Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa, đã ký văn bản gửi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Thanh Hóa truyền đạt ý kiến chỉ đạo của ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, về vấn đề học sinh THPT mới trúng tuyển đã xin chuyển trường mà Báo Người Lao Động đã phản ánh.
Trong văn bản chỉ đạo, ông Đầu Thanh Tùng yêu cầu Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, trên cơ sở nội dung Báo Người Lao Động đưa tin, khẩn trương kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh tình trạng chuyển trường, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, năm học 2024-2025 mới diễn ra chưa lâu, nhưng tại Thanh Hóa có tình trạng học sinh (HS) xin chuyển trường đang diễn ra nhiều nơi. Hầu hết các trường hợp chuyển đều không chính đáng theo quy định của Bộ GD-ĐT, thậm chí có HS điểm đầu vào thấp hơn điểm của trường chuyển tới gây bức xúc trong dư luận.
Tại tỉnh Thanh Hóa, các trường đóng trên địa bàn TP Thanh Hóa như: Trường THPT Đào Duy Từ, Trường THPT Hàm Rồng, Trường THPT Nguyễn Trãi được xem là những trường chất lượng tốt, điểm thi tuyển đầu vào luôn rất cao nên HS phải có học lực khá, giỏi mới cạnh tranh được vào những trường này.
Thế nhưng, mới bước vào năm học mới, những trường trên đã có hàng chục HS chuyển về. Cụ thể, Trường THPT Hàm Rồng có 11 HS lớp 10 được chuyển về, Trường THPT Nguyễn Trãi có 7 HS lớp 10, Trường THPT Đào Duy Từ có 7 HS. Chưa kể, các khối 11 và 12 còn có hàng chục HS được các trường này tiếp nhận. Các HS xin về thường ở các trường ven TP Thanh Hóa đóng tại huyện Quảng Xương, Đông Sơn, Hoằng Hóa, TP Sầm Sơn… hay ngay chính ở những trường trên chuyển qua lại.
Hầu hết những HS vừa trúng tuyển vào các trường đã đăng ký thi tuyển hoặc xét tuyển nguyện vọng 2 năm học 2024-2025, nhưng vừa nhập học đã có đơn xin chuyển về các trường chất lượng tốt trên. Điều này khiến nhiều phụ huynh bức xúc, cho rằng việc chuyển trường tạo "kẽ hở" để cho một số phụ huynh cho con thi ở những nơi có điểm đầu vào thấp, sau đó làm đơn xin chuyển con về những trường có điểm đầu vào cao, chất lượng tốt mà không cần phải cạnh tranh thi đầu vào.
Điều này thể hiện rõ qua các trường hợp HS như: P.T.K.M. chuyển từ Trường THPT Tô Hiến Thành về Trường THPT Nguyễn Trãi chỉ đạt số điểm đầu vào 29,3, trong khi trường này có điểm chuẩn là 31,7; N.L.N.A. trúng tuyển vào Trường THPT Đông Sơn 2 (huyện Đông Sơn) là 29,8 điểm; N.T.M.A. điểm trúng tuyển vào Trường THPT Nguyễn Mộng Tuân (huyện Đông Sơn) là 31,6, cả hai được chuyển về Trường THPT Đào Duy Từ, trong khi điểm chuẩn trường này là 32,9; N.H.H. trúng tuyển Trường THPT Nguyễn Mộng Tuân với số điểm 32, nhưng vẫn được chuyển về Trường THPT Hàm Rồng, ngôi trường có điểm chuẩn lên đến 35,8...
Đáng chú ý, có 3 HS thi trượt đầu vào Trường THPT Hàm Rồng năm học 2024-2025 (điểm đầu vào trường này là 35,8), nhưng hiện nay cả 3 HS trên đã trở lại ngôi trường mình thi trượt trước đó để học tập, sau khi có chữ ký "nháy" của lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa đồng ý cho chuyển trường.
Khi làm việc với phóng viên, hầu hết các hiệu trưởng đều "đá bóng" trách nhiệm lên sở, thậm chí có hiệu trưởng còn lý giải nhiều trường hợp xin chuyển trường có "mối quan hệ" với cấp trên, không cho cũng không được.
Trả lời Báo Người Lao Động về việc này, bà Bùi Thị Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, cũng thừa nhận vẫn có kẽ hở để "lách" trong việc chuyển trường, đồng thời cho rằng việc ký nháy là khách quan, vô tư, không có tiêu cực gì cả.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa cũng khẳng định việc chuyển trường do lãnh đạo 2 trường tự quyết định, sở yêu cầu báo cáo và có ký nháy để tránh việc chuyển trường "tùm lum", chứ sở không ép, hay ấn định nhà trường phải nhận trường hợp này, trường hợp kia.
Về 3 trường hợp HS từ "trượt thành đậu" khi chuyển về Trường THPT Hàm Rồng gây bức xúc dư luận, bà Thanh lý giải các em cũng đã chuyển trường, hiện đang học tập nên sẽ không đưa ra hướng xử lý.
Bình luận (0)