Không chỉ hiện tại, mà ngay từ xa xưa, gắn liền với sự phát triển của các đô thị, nhân loại đã phải đối mặt với một trong những vấn đề nan giải nhất: Phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Có những cuộc chiến tranh không thể phá hủy được đô thành nhưng chỉ một vụ cháy đã hủy diệt tất cả. Tiếng mõ cầm canh nhắc phòng cháy từng đêm cũng gắn liền với lịch sử của làng mạc, đô thị.
Cuộc sống hiện đại hơn, công tác PCCC được cơ giới hóa, công nghệ hóa nhưng cũng vấp phải những vấn đề nan giải hơn, là mật độ đô thị cao, không gian ngày càng bị bó hẹp, phát sinh nhiều nguồn gây cháy hơn. Hầu như tất cả các thành phố lớn hiện nay đều chằng chịt những con hẻm nhưng quá nhỏ nên xe chữa cháy không vào được. Những tòa nhà ngày càng cao, vượt qua tầm với của những xe chữa cháy hiện đại nhất, trong khi chữa cháy bằng máy bay chưa phổ biến, nhất là điều kiện hiện tại ở nước ta.
Chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua, chúng ta phải chứng kiến những vụ cháy kinh hoàng. Theo thống kê của Bộ Công an, chỉ trong năm 2023 toàn quốc đã xảy ra hơn 3.400 vụ cháy làm chết 144 người. Đau đớn nhất là vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) vào tháng 9-2023 làm chết 56 người. Trước đó vào tháng 8-2023 một vụ cháy nhà do chập điện ở TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) làm 4 người tử vong… Những thiệt hại trên vô cùng xót xa mà không có gì bù đắp nổi.
Phần lớn các đô thị của chúng ta đều nằm ven các con sông lớn, cửa biển với hệ thống kênh rạch chằng chịt. Lẽ ra điều này càng thuận lợi khi tổ chức PCCC, nhưng đáng tiếc lợi thế này đã không được sử dụng hiệu quả. Lực lượng chữa cháy chính vẫn là các xe bồn với hệ thống cấp nước ven đường. Đội tàu chữa cháy trên sông, kênh quá nhỏ yếu. Còn chữa cháy bằng hàng không thì rất hiếm hoi. Lực lượng chữa cháy vốn chưa hiện đại này đang cáng đáng công việc khổng lồ của các đô thị hàng triệu dân.
Chữa cháy quan trọng nhưng phòng cháy quan trọng hơn. Trong các quy hoạch tổng thể đô thị, công tác phòng cháy vẫn chưa được đưa vào thiết chế đúng tầm hoặc kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, quyết liệt. Thường là quy định cụ thể từng khu phố, tòa nhà mà không quy hoạch hẳn hệ thống PCCC từ không gian chung cho đến mạng lưới giao thông, hồ chứa nước, khu di tản… Hậu quả của vấn đề này là khi hình thành đô thị, muốn sửa chữa hoặc thiết lập hệ thống PCCC hiện đại đành bất lực.
Ý thức của người dân về công tác này cũng chưa cao. Dễ thấy nhất là sử dụng lưới điện hoặc thiết bị bếp núc, thiết bị điện tử rất bất cẩn, trong khi nguồn gây cháy này hiện diện khắp nơi, từ hành lang cho đến… phòng ngủ. Chỉ cần vô ý với một bộ sạc điện thoại, có khi phải trả giá bằng cả một thảm họa.
Bình luận (0)