xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cha mẹ tốt, con nên người

Di Li

Với những đứa trẻ lễ phép và nhã nhặn, ta không thể không nói rằng bố mẹ các em là những bậc phụ huynh khả kính

Có lần báo chí đưa tin về một vụ cãi cọ trong nhà hàng mà lý do tưởng chừng rất vớ vẩn: Một em bé chạy đi chạy lại và la hét khiến các bàn bên cạnh khó chịu. Cuối cùng không nhịn được nữa, một cô gái trong nhóm bạn trẻ đập bàn. Đứa trẻ giật mình và bố mẹ nó nổi khùng lên. Việc chưa dừng lại, trước khi ra về, mẹ đứa bé tiến sang tát cô gái đập bàn kia một cái váng óc nhưng lại nhầm người bên cạnh! Câu chuyện khiến dư luận bức xúc vì gần đây, người ta tát nhau giữa chốn đông người dễ quá, chưa kể những vụ bạo lực ấy còn liên quan việc bênh con.

"Con hư tại mẹ"

Nhiều người sang nước ngoài hoặc có dịp tiếp xúc trẻ em phương Tây đều bày tỏ rằng chúng rất dễ thương. Sự dễ thương ấy không phải do khuôn mặt hay nụ cười mà ở cung cách ứng xử.

Không mấy khi người Việt quen với những hành vi lịch sự của trẻ con. Nhà thơ Văn Công Hùng có lần chia sẻ một câu chuyện trên Facebook: Anh bắt gặp một phụ nữ kéo theo 2 chiếc vali khổng lồ ở sân bay. Bà đi cùng cô con gái khoảng 6-7 tuổi. Hai mẹ con kiên nhẫn xếp hàng dù có vô số người Việt chen lên trước. Đứa bé kéo vali giúp mẹ vô tình va vào chân nhà thơ. Thấy bác người Việt quay lại nhìn mình, đứa trẻ "sorry" rối rít rồi nhoẻn miệng cười.

Cả đời chưa được trẻ con xin lỗi bao giờ, nhất là trẻ lạ ngoài đường, nhà thơ Văn Công Hùng tò mò quan sát xem phụ huynh như thế nào mà dạy con tốt thế. Anh ghi nhớ gương mặt ấy rồi tình cờ ngay tối hôm đó lại bắt gặp bà trên tivi, mới biết đấy là bà Hasanthi Dissanayake, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Sri Lanka lúc bấy giờ.

Bà Hasanthi là một người bạn thân thiết của tôi. Vì vậy, tôi hoàn toàn xác tín câu chuyện của anh Văn Công Hùng về cô bé Inez đáng yêu, con gái bà. Nhiều lần đến ăn tối ở nhà tôi, bà Hasanthi đều cho con gái đi theo. Cô bé ngồi yên trên ghế salon, đến bữa chẳng ăn món gì ngoài quả ô liu. Khi hăm hở lấy dĩa chuẩn bị xiên thêm quả ô liu nữa, cô bé hơi chững lại và ngay lập tức thu dĩa về. Có lẽ do cô phát hiện trên đĩa chỉ còn vài quả, mình ăn nốt sẽ không lịch sự nên dù còn thòm thèm cũng đành nhịn.

Tôi cười bảo Inez cứ ăn đi, cô sẽ lấy thêm. Cô bé mỉm cười tỏ vẻ biết ơn rồi sung sướng đón nhận món ăn ưa thích. Ăn xong, Inez lại ra salon ngồi, yên lặng lấy giấy ra vẽ. Mọi tác phong của bé đều ra dáng con nhà nền nếp và lễ nghĩa.

Khi tôi bày tỏ thái độ khen ngợi, bà Hasanthi nhún vai: "Không ngoan gì đâu, ở nhà nghịch như quỷ con ấy!". Ồ, một đứa trẻ tính nết nghịch ngợm mà đi ra ngoài thể hiện thái độ khiêm nhường và lịch sự mới là đáng tuyên dương. Nếu ở nhà, trẻ ngồi một chỗ trên ghế salon, đến nhà người khác cũng vậy thì đâu có gì khác biệt.

Chúng ta vốn quen với những đứa trẻ nghịch ngợm mọi nơi mọi lúc, không cần biết phép tắc là gì, dù đó là chốn lạ, không phải nhà mình. Em gái tôi có lần buồn phiền kể lại rằng hôm ấy khách đến nhà, dẫn theo mấy đứa trẻ con. Chúng lấy bút vẽ hết lên bức tường trắng, mà cô ấy vừa nhận căn hộ chung cư cao cấp mới được một tuần.

Nhìn lũ trẻ coi bức tường phòng khách của mình là tập giấy vẽ, em tôi sững người không biết phải làm gì. Trong khi đó, cha mẹ chúng cứ thản nhiên ngồi nói chuyện với chủ nhà, như thể may quá, có bức tường làm chỗ chơi cho con đỡ léo nhéo làm phiền! Hôm sau, em gái tôi phải thuê thợ đến sơn lại tường, bảo từ rày không dám tiếp gia đình nào có… trẻ con nữa.

Cảnh trẻ con đến nhà khách rồi tự tiện xộc vào phòng ngủ, điềm nhiên trèo lên giường, giẫm chân lên gối, lục lọi mọi thứ trong ngăn kéo, vẽ bậy lên bàn và đồ đạc, bỏ vào miệng bất cứ thứ gì muốn ăn không cần biết đó là của ai, khóc lóc ăn vạ, la hét đùa nghịch ầm ĩ, chạy huỳnh huỵch trong nhà rồi đâm sầm, xô đổ mọi thứ... là chuyện không hiếm. Chủ nhà chỉ biết cười méo xệch, chẳng ai dám nhắc nhở lũ trẻ, bởi làm thế là bỉ mặt cha mẹ chúng, coi họ không biết lối dạy con, dù sự thực đúng là như vậy.

Cha mẹ tốt, con nên người - Ảnh 1.

Minh họa: Hoàng Đặng

"Cảm ơn"

Con nhà ta là "cục vàng cục ngọc", ta còn khó chịu mỗi lần chúng nghịch ngợm. Vậy thì đối với người xa lạ chẳng máu mủ ruột thịt gì, sao bắt họ phải yêu quý một đứa trẻ bất nhã?

Sẽ là thiệt thòi nếu những đứa trẻ không được giáo dục hành vi đến nơi đến chốn kia đi ra ngoài khiến người lớn mất thiện cảm. Chẳng vui vẻ gì nếu chúng ta biết được cục cưng yêu quý của mình bị người ngoài không ưa, chỉ là người ta không nói ra mà thôi.

Các bậc cha mẹ thường biện minh "trẻ con thì biết cái gì", thậm chí còn cho là người lớn chấp vặt nếu soi mói lũ trẻ. Đúng vậy, chính vì trẻ con chẳng biết cái gì nên mỗi khi khó chịu với con trẻ, người ta thường giận cha mẹ chúng, bởi lỗi là ở người lớn không biết dạy bảo. Trẻ con vốn hiếu động và có hiếu động mới thông minh, song như vậy không có nghĩa là thả cửa cho chúng tự do hiếu động đến mức hoang dã.

Tôi có cô bạn lấy chồng người Mỹ. Một lần về nước, cô cùng cả gia đình đến thăm tôi. Hai đứa trẻ tiểu học của cô rất hiếm khi chịu ngồi yên. Chúng gây tiếng ồn và thậm chí lấy đũa gõ vào bát.

Mỗi lần như vậy, ông bố Mỹ của chúng đều đưa tay lên miệng "suỵt", rồi kiên nhẫn chìa tay ra, giọng nhẹ nhàng: "Cho bố xin lại đôi đũa nào". Đứa nhỏ chần chừ hồi lâu rồi cuối cùng cũng trao trả lại đôi đũa. Ông bố liền "cảm ơn con" và hai vợ chồng liên tục "cảm ơn con" mỗi lần chúng chấm dứt tiếng ồn. Chẳng bao lâu, chúng im phăng phắc, không còn náo loạn nữa.

Thấy vợ chồng người bạn cứ liên tục "cảm ơn con" và thì thầm nhắc nhở thay vì quát tháo, tôi lại nhớ đến một cô bé xinh đẹp khác trong bữa tiệc hồi năm 2012 ở Bangkok - Thái Lan. Hôm ấy, tôi ngồi cùng bàn với một ông bố người Úc. Anh có cô con gái mặc váy xòe xinh đẹp, là con của một bà mẹ người Thái, khi vợ chồng bỏ nhau thì anh được quyền nuôi con.

Chúng tôi chuyện trò: "Cô bé mấy tuổi thế anh?" - "Cháu 5 tuổi rồi" - "Cô bé xinh quá nhỉ". Cô bé con nghe vậy liền quay sang nhoẻn miệng cười và khẽ nghiêng đầu: "Thank you". Từ bé đến giờ chưa thấy đứa trẻ nào cảm ơn về một lời khen, tôi kinh ngạc rồi nhớ mãi cái nghiêng đầu duyên dáng của cô. Với những đứa trẻ lễ phép và nhã nhặn nhường ấy, ta không thể không nói rằng bố mẹ các em là những bậc phụ huynh khả kính. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo