xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chạnh lòng với biệt thự cổ

LÊ PHONG

Mỗi khi từ Singapore về Việt Nam, kiến trúc sư Trần Vĩnh Nam lại gọi chúng tôi đến quán cà phê vỉa hè trên đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TP HCM để tán gẫu. Ông cho biết trước đây, ai ngang qua con đường từng mang tên Duy Tân này đều cảm thấy như đi trong rừng vì tán cây rất rộng.

Dọc đường, trước các căn nhà cổ kiến trúc kiểu châu Âu, bóng dáng những nữ sinh mặc áo dài bên chiếc xe đạp thấp thoáng trông rất thơ mộng. Thế nhưng gần đây, ông Nam lại rủ chúng tôi đến các quán cà phê ở những góc phố khác. 

Ông giải thích: "Tôi cứ nghĩ đường Phạm Ngọc Thạch với các công trình kiến trúc xung quanh sẽ được bảo tồn và giữ gìn để làm phố di sản biệt thự cổ. Chỉ 10 năm trước thôi, tôi có thể cầm ghi-ta nghêu ngao "Con đường Duy Tân/ Cây dài bóng mát" của nhạc sĩ Phạm Duy nhưng giờ, đó chỉ còn là ký ức". 

Quả thật, đường Phạm Ngọc Thạch giờ đây vắng dần những cổ thụ rợp bóng, không còn dãy biệt thự cổ nối dài nữa. Thay vào đó là cảnh xe cộ ùn tắc, cao ốc mọc lên san sát. Với nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực bảo tồn kiến trúc cổ, kiến trúc sư Trần Vĩnh Nam cho biết hầu hết các quốc gia trên thế giới đều cố gắng giữ gìn những công trình lâu năm. 

"Có thể hiện nay ta chưa thấy hết giá trị của chúng nhưng 50 - 100 năm sau, con cháu chúng ta sẽ xem đó là báu vật. Singapore vốn có diện tích rất nhỏ nhưng khi quy hoạch, người ta vẫn giữ lại tất cả các công trình cổ. Vì vậy mà đất nước này vẫn còn khu China Town, khu người Ấn, chùa cổ… và trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn" - ông dẫn chứng. 

Mới đây, trong tháng 3-2019, nhiều chuyên gia không khỏi chạnh lòng khi nghe tin 2 căn biệt thự cổ trên đường Phạm Ngọc Thạch không còn tồn tại. Một căn biệt thự thuộc dãy nhà Chú Hỏa trên đường Hàn Thuyên, quận 1 - công trình kiến trúc kiểu Pháp - cũng đang bị tháo dỡ mái ngói, khung cửa. 

Chạnh lòng với biệt thự cổ - Ảnh 1.

Căn biệt thự cổ ở góc đường Võ Văn Tần - Bà Huyện Thanh Quan (quận 3, TP HCM) đang được trùng tu, tôn tạo Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cũng tại quận 1, căn biệt thự số 12 Lý Tự Trọng sau khi rao bán cho một Việt kiều đã bị đập bỏ chỉ trong 1 đêm, rồi từ chỗ đó mọc lên căn nhà chọc trời. Ở quận Bình Thạnh, căn biệt thự 237 Nơ Trang Long từng được nhà báo Phạm Công Luận gọi là "nhà cổ ven đường" trong tập sách "Sài Gòn - Chuyện đời của phố" nay chỉ còn là những con chữ. Năm 2016, chủ nhân căn biệt thự 100 năm tuổi này đã đập bỏ, rao bán với giá 5.000 đồng/viên gạch, 1 triệu đồng/cột gỗ… 

Theo khảo sát mới đây của Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc thuộc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM, hơn 10 năm qua, gần một nửa số biệt thự cổ ở TP đã bị đập bỏ. Những con đường như Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Lê Quý Đôn… giờ chỉ còn rất ít biệt thự cổ. Nguyên nhân được đưa ra một phần là do thủ tục duy tu, tôn tạo nhiêu khê khiến nhiều chủ sở hữu làm liều. Khi cơ quan chức năng phát hiện, nhiều kiến trúc cổ chỉ còn trên giấy hoặc đã bị sửa chữa chắp vá. Việc phá dỡ hay cơi nới các biệt thự cổ còn xuất phát từ nhu cầu trước mắt của chủ nhà, khi họ còn phải có nơi sinh hoạt, tìm kế sinh nhai… 

 Khi bỏ ra hàng trăm tỉ đồng mua lại biệt thự cổ, không ít đại gia bất động sản chỉ nhắm vào tiềm năng của khu đất, sẵn sàng đập bỏ thay vì bảo tồn, tôn tạo công trình. Những chủ sở hữu thật sự mong muốn và đủ năng lực bảo tồn, tôn tạo biệt thự cổ thì rất hiếm. 

PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, bày tỏ: "Lâu lâu đọc báo, thấy căn biệt thự cổ nào đó biến mất, tôi không khỏi buồn. Tiếc thay, hiếm người hiểu được giá trị mà căn nhà đó mang lại, họ sẵn sàng đập bỏ vì cái lợi trước mắt". Theo ông Hiệp, để giữ lại biệt thự cổ, nhà nước nên chung tay hỗ trợ phần nào cho chủ sở hữu. Bởi lẽ, nhiều người không thể cho thuê hay kinh doanh được ở đây vì không đủ kinh phí sửa chữa, trùng tu. Lâu ngày, công trình có nguy cơ đổ sập, gây nguy hiểm đến tính mạng. Những người sở hữu biệt thự cổ lại bị hạn chế tối đa các quyền tháo dỡ, xây dựng. Muốn đập bỏ hay trùng tu căn nhà, họ phải thông qua Hội đồng Phân loại biệt thự và được sự chấp thuận của UBND TP. Chưa kể, để bảo tồn công trình kiến trúc cổ thì phải tốn rất nhiều chi phí thiết kế, thi công, thuê chuyên gia nước ngoài… 

Bảo tồn những công trình cổ ở TP HCM thế nào, đến nay vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi. TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử TP HCM, cho rằng tất cả đô thị trên thế giới khi quy hoạch đều dành riêng một không gian cho biệt thự cổ, để vừa giữ gìn cảnh quan vừa giảm mật độ xây dựng. "Những căn nhà này là nhân chứng cho giá trị lịch sử của đô thị đó" - bà nhấn mạnh. 

Rất nhiều biệt thự cổ ở TP HCM đang được sử dụng làm công sở. Theo nhiều kiến trúc sư, vai trò của chính quyền không chỉ là quản lý mà còn thực hiện công tác bảo tồn di sản đô thị đối với công sản đang sử dụng. Tuy nhiên, nguồn vốn trùng tu, tôn tạo và bảo tồn vẫn là vấn đề lớn. Chính vì là công sở nên mức độ hoạt động cao, đây cũng là trở ngại cho không gian trùng tu. 

"Nên chăng, những biệt thự có giá trị di sản đô thị đang sử dụng làm công sở nhưng không phù hợp thì chuyển sang sở hữu tư nhân, bán cho các đơn vị khai thác du lịch; kèm theo điều kiện người mua phải trùng tu, bảo tồn, bảo vệ di sản… với công năng mới, trong đó khuyến khích sử dụng cho mục đích văn hóa?" - một chuyên gia đề xuất. 

KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng nên phân chia, quy hoạch lại khu vực biệt thự cổ bằng cách bảo tồn theo tuyến đường, từ đó chia thành hai nhóm sở hữu tư nhân và sở hữu công. Nếu biệt thự thuộc loại 1, có dấu ấn lịch sử, văn hóa thì nhà nước hỗ trợ tiền để bảo tồn. Biệt thự cổ nào không còn giá trị văn hóa, đang xuống cấp thì tạo điều kiện để chủ sở hữu chuyển đổi mục đích sử dụng. Các biệt thự riêng lẻ cần có những đánh giá, phân loại giai đoạn phát triển và chỉ bảo tồn một số căn thật sự đặc biệt, có giá trị văn hóa, lịch sử. 

Theo chuyên gia kinh tế Võ Minh Bạch, công trình biệt thự cổ thường nằm trên những khu "đất vàng". Nếu đập bỏ công trình cũ, xây tòa nhà mới cho thuê thì số tiền thu được rất lớn, vì vậy chủ nhân dễ làm liều. "Nên khuyến khích họ bảo tồn bằng cách giảm thuế, tạo điều kiện kinh doanh văn hóa, du lịch trên chính căn biệt thự cổ đó. Đây là giải pháp hài hòa lợi ích đôi bên" - ông đề xuất.

Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM cho rằng trong các giải pháp bảo tồn biệt thự cổ, việc áp dụng cơ chế “chuyển quyền phát triển bất động sản” (TDR) được cho là khả thi.

THỨ NHẤT, các quy định pháp luật cho phép việc cộng thêm hệ số sử dụng đất ưu đãi nếu thực hiện công tác bảo tồn công trình kiến trúc lịch sử.

THỨ HAI, giá trị tài chính mang lại từ việc chuyển nhượng quyền phát triển bất động sản được dự kiến khá hấp dẫn, đủ để làm hài lòng các cá nhân, tổ chức có quyền sử dụng các khu đất có di sản đô thị.

THỨ BA, TDR đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn ở các đô thị lớn trên thế giới, nơi giá trị đất đai rất cao, thậm chí cao hơn nhiều lần so với TP HCM.

Tuy nhiên, việc áp dụng cơ chế này cần được thể hiện trong các quy định pháp luật, tránh trường hợp “vỡ trận” quy hoạch khi kế bên khu bảo tồn là các tòa nhà chọc trời.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo