Anh nghịch ngợm đem con muỗi vừa khắc xong đặt lên cánh tay người chỉ huy. Anh này nhìn con muỗi toan giơ tay đập một phát nhưng anh đã kịp ngăn lại, bảo là muỗi giả.
Chỉ huy ta ngẩn ngơ ngắm con muỗi rồi tấm tắc khen: “Khắc sao mà giống thấy sợ!”.
Một con chuồn chuồn ớt cánh mỏng giương đôi mắt lồi long lanh; một chiếc mô tô hùng dũng ngửa mặt lên trời, pô xe hai nòng, bình xăng gắn mác Harley-Davidson cực oách, như chỉ còn chờ một cú đề pa là rú ga lao bắn đi; một người đàn ông bán nude đứng khoanh tay, ngực vuông lộ từng múi cơ cuồn cuộn, đẹp mê hồn như tượng David… Tất cả chính xác đến từng tiểu tiết như thật, bình thản hiện diện trên… một ngón tay. Người sở hữu đôi tay tài hoa tạo tác nên thế giới tí hon hút hồn là Trần Giang Nam, 38 tuổi, dân TP HCM chính gốc.
Khắc gì cũng “giống thấy sợ!”
Thoạt nhìn đã nhận ra ngay chất nghệ sĩ trong phong cách bụi phủi của Trần Giang Nam qua mái đầu đinh, chiếc Vespa cổ nhả khói bành bạch, túi da màu nho úa to sụ đeo chéo vai, thêm quần jeans, áo pull màu tối cùng đôi giày bò.
Năm 2000 là cột mốc Nam chính thức bước vào thế giới siêu nhỏ khi đang là anh lính trẻ đóng quân ở Bình Tân (TP.HCM). Tác phẩm đầu tiên của anh là... một con muỗi bằng đúng kích thước con muỗi thật và cũng chính xác từng chi tiết, bộ phận, màu sắc hệt như thật. Số là hồi ấy Bình Tân tuy thuộc TP.HCM nhưng vẫn còn là vùng bưng đồng hẻo lánh. Buổi chiều đó, Nam ngồi vêu... đập muỗi cho đỡ buồn. Ngắm con muỗi đang hăng hái cong đít chích lên tay mình, anh nảy sinh ý tưởng khắc chơi một con muỗi. Một tuần sau, anh nghịch ngợm đem con muỗi vừa khắc xong đặt lên cánh tay người chỉ huy. Anh này nhìn con muỗi toan giơ tay đập một phát nhưng Nam đã kịp ngăn lại, bảo là muỗi giả. Chỉ huy ta ngẩn ngơ ngắm con muỗi rồi tấm tắc khen: “Khắc sao mà giống thấy sợ!”.
Từ hơn chục năm nay, đi đâu Nam cũng kè kè theo bên mình một túi đồ nghề nhỏ gồm dao, kéo, nhíp, dũa, khung xương chuyên dụng, cùng đèn, dụng cụ làm nguội, sơn… tự chế và vật liệu như các mẩu composite, sắt, nhôm, gỗ... Ngồi yên vị một chỗ nào đó, nếu không bận đọc báo hoặc thiếu một vài người bạn tán phét thì Nam liền giở túi đồ nghề ra, đắm mình vào thế giới siêu nhỏ. Có khi anh ngẩng mặt lên thì nhận ra xung quanh mình, nhiều người tò mò bu đen bu đỏ và trầm trồ.
Để hoàn thành một loại tác phẩm, Nam từng mày mò trước đó rất lâu và thất bại, theo anh là “như cơm bữa và cũng rất bình thường”. Bởi chưa từng có ai cầm tay chỉ dạy cho anh, dù chỉ là một thao tác, một công đoạn. Chẳng hạn, để nung một cái ly nhỏ xíu của mình, anh phải nghĩ ra độ lửa phù hợp; đo kích cỡ khung xe và bánh xe, anh cũng chỉ ước lượng bằng mắt.
Phòng riêng của Nam trong nhà luôn nóng như lò hơi. Cửa sổ đóng kín; máy lạnh, quạt máy đừng mơ được hiện diện trong phòng. Bởi chỉ cần một hơi gió thì mọi chi tiết các tác phẩm của anh đều có nguy cơ bay đi mất. Phòng riêng “lộn xộn có quy tắc” ấy cũng là không gian bất khả xâm phạm đối với người nhà của anh nhằm ngăn ngừa tình trạng các vật liệu, chi tiết tác phẩm bị xáo trộn, mất mát.
Cứ nhắc đến các tác phẩm điêu khắc siêu nhỏ, Trần Giang Nam lại chia sẻ cởi mở, say mê (ảnh 1).
Các tác phẩm điêu khắc siêu nhỏ của Trần Giang Nam
Tài hoa trời phú cùng gu thẩm mỹ “siêu nhỏ”
Gần 20 năm đầu đời, ý tưởng khắc những tác phẩm siêu nhỏ không có trong đầu Nam. Sau này ngẫm lại, anh cho rằng dường như thú vui của mình đã được dàn xếp có lớp lang từ trước đó.
Nam sinh ra trong một gia đình công nhân viên chức, cả cha mẹ và chị của anh đều là những người ngoại đạo với nghệ thuật. Riêng anh biết mình có năng khiếu mỹ thuật từ hồi còn bé tí. Ngày nhỏ, cứ giấy viết lọt vào tay anh thì thể nào cũng có tranh, từ nguệch ngoạc đến hoàn chỉnh nhưng nhất định phải vẽ những sự vật hiện ra trước mắt hoặc rõ mồn một trong mường tượng. Vậy mà ai nhìn tranh cũng khen là anh “có hoa tay”. Rồi đến nặn đất sét. Nam kể đất sét chính là món đồ chơi bất ly thân của anh cho đến tận bây giờ.
Lớn lên, theo nguyện vọng của gia đình cũng chính là mộng tưởng của bản thân, Nam trải qua đến năm năm lăn lộn trong màu áo lính ở quận Bình Tân trước khi nộp đơn thi vào ngành cảnh sát. Nhưng rồi Nam nhận ra đây chưa phải là thiên hướng của mình. Anh thi vào Trường ĐH Kiến trúc TP, ngành thiết kế đồ họa. Đến đây anh mới có cảm giác mình như cá được lội trong nước.
Gu thẩm mỹ số một của Nam là “nhỏ xinh”. Anh chẳng thích những món quà sinh nhật cồng kềnh. Cún cưng thì phải là chiwawa; cặp loa nghe nhạc mà anh nâng niu chỉ bé chưa bằng một nắm tay; đến một… cô gái anh cảm thấy hợp nhãn cũng là một nàng nhỏ nhắn dễ thương.
Nam lại còn ngưỡng mộ một tù nhân Ấn Độ, vào tù với hai bàn tay trắng và ba cây kim giấu kín trong áo nhưng khi ra tù, kinh ngạc sao, ông đã khắc đủ cả một bộ kinh Koran lên ba cây kim đó.
Hốt bạc từ thú vui chẳng giống ai
Miệt mài lao động nghệ thuật, bản thân Nam lại cho rằng đó là thú tiêu khiển riêng của anh, song hành với niềm đam mê cờ vua. Khi đầu mũi kim chạm lên vật liệu, khi hơi thở anh nín lại cũng là lúc anh trao cho tác phẩm nhỏ xinh của mình một linh hồn. Còn gì hạnh phúc bằng cái cảm giác tạo vật trên tay mình như đang được khai sinh và rung lên nhịp tim bồi hồi.
Điêu khắc tác phẩm siêu nhỏ còn rèn cho anh sự kiên nhẫn lạ thường. Ngoài thời gian “ngồi đồng” tạo tác, chỉ cần một chút sơ sẩy vô tội vạ, chẳng hạn... một cái hắt hơi là chi tiết bay biến. Chiếc nan bánh xe cổ bị rớt, trong vòng bán kính chỉ 1 m, anh phải cắm cúi tìm trong... hai ngày ròng rã. “Không bực tức, không bỏ cuộc. Tôi đã quen với nhiều cuộc tìm kiếm kiểu này” - anh nói.
Từ cuộc triển lãm riêng cách đây 13 năm, Nam đã có thêm nguồn thu nhập đáng kể từ niềm đam mê cũng là nghề tay trái của anh, bên cạnh công việc chính thức là giảng dạy mỹ thuật. Đa số khách hàng là người nước ngoài. Một tác phẩm của anh có giá dao động từ vài chục đến vài trăm euro. Một số nhãn hàng nổi tiếng còn mời anh điêu khắc sản phẩm của họ sao cho siêu nhỏ để trưng bày cùng với sản phẩm thật tại các buổi triển lãm. Và nhiều tác phẩm anh đã tặng cho những ai anh yêu quý.
Phải nín thở mà khắc
Một điêu khắc gia bất kỳ họa có là điên mới giữ cho mình nguyên tắc ngồi yên bất động, nín thở khi đặt dụng cụ điêu khắc chất liệu. Vậy mà với Nam, đó là điều anh nằm lòng bởi muốn khác cũng chẳng được. Anh nói: "Châm kim vào chất liệu, bắt buộc phải nín thở, vì nếu không tôi sẽ bị run tay ngay, vị trí mũi kim sẽ không chính xác. Còn đổ mồ hôi xuống đến chân mày trong khi đường kim đang ngọt thì đành chịu trận, phải nheo bớt một con mắt mà tiếp tục làm".
Đáng nói là Nam không nhờ đến kính lúp mà theo anh "nhìn bằng mắt thường mới rõ nhất". Anh cũng cho biết thông thường mỗi lần anh gia công cho tác phẩm của mình đều phải mất liên tục sáu giờ đồng hồ "ngồi đồng", thời gian thư giãn cho cặp mắt chỉ có vài giây ngắn ngủi giữa khoảng 5-10 phút. Một tác phẩm được hoàn thiện nhanh nhất cũng mất khoảng ba tuần như con kiến, hay lâu nhất có thể cả năm như ô tô cổ. Thị giác liên tục làm việc hết công suất như thế nhưng đến nay như anh cho biết: "Cũng may là mắt tôi chưa bị ảnh hưởng gì".
Bình luận (0)