Do đặc trưng nghề nghiệp, tôi có cơ hội đi qua mấy chục quốc gia, thấy không đâu bằng quê hương mình. Có nhiều thứ mình thua thiên hạ thật, nhất là các công trình nhân tạo, nhưng về cảnh đẹp thì đâu kém ai.
CÂU HỎI CẮc CỚ. Cách đây gần 20 năm, tôi đưa nhóm khách Bắc Âu đi xuyên Việt đường bộ. Ngang thành phố biển Nha Trang, có vị khách hỏi cắc cớ: "Tại sao một đất nước có lịch sử vẻ vang và truyền thống oai hùng như Việt Nam mà không có công trình tầm cỡ nào để lại cho đời cỡ như Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc), Angkor (Campuchia), Kim Tự Tháp (Ai Cập)…?". Quá bất ngờ vì nhà trường không dạy, sách vở không viết. Tôi cười chống chế rồi lật ngược thế cờ: "Một câu hỏi thú vị. Các bạn tự tìm hiểu xem sao. Trước khi kết thúc tour, tôi sẽ trả lời!". Nói xong, tôi lo ngay ngáy vì bí.
Đem chuyện hỏi các đồng nghiệp, cả hướng dẫn viên lẫn giảng viên đại học. Người thì bảo do "Đất nước ta thường xuyên có chiến tranh?". Ngày xưa, nước nào chẳng vậy. Vì chiến tranh liên miên nên Tần Thủy Hoàng mới cho xây Vạn Lý Trường Thành để thống nhất chư hầu. Người thì nói vì "Phong kiến tập quyền Việt Nam chưa đủ mạnh?". Vậy lý giải thế nào về 3 lần chiến thắng Nguyên Mông của quân dân Đại Việt vào các năm 1258, 1285, 1288? Đoàn vẫn tiếp tục hành trình. Vào tham quan lăng Tự Đức, còn gọi là Khiêm Lăng, hướng dẫn viên An Hòa giới thiệu việc xây lăng, từ 8 năm đôn lên 4 năm, những người phu nổi dậy vì quá cực khổ và nguy hiểm. Bị triều đình đàn áp và giết sạch, con cháu đến nay vẫn không ngơi cảm thán "Vạn niên là vạn niên nào. Thành xây xương lính, hào đào máu dân". Chợt tôi nảy ra câu trả lời.
Tiễn đoàn từ Hà Nội ra sân bay Nội Bài, tôi trả lời câu hỏi hôm trước. "Rất giản đơn vì tổ tiên chúng tôi không đủ ác để làm những công trình chỉ khoe mẽ hoặc phục vụ cho thiểu số thống trị. Vạn Lý Trường Thành gắn liền tham vọng bá chủ của Tần Thủy Hoàng. Angkor là đền thờ của vua chúa Khmer. Kim Tự Tháp là lăng mộ vua chúa Ai Cập. Chúng tôi có hệ thống đê điều chống lụt ở phía Bắc và kênh rạch thoát nước ở phía Nam, dài gấp mấy lần Vạn Lý Trường Thành. Nhờ công trình thiết thực và hiệu quả này, cha ông chúng tôi vượt qua những thử thách hết sức khốc liệt của thiên nhiên, tồn tại cho đến ngày nay". Khách vỗ tay khen rằng câu trả lời rất thú vị.
KHÔNG ĐỐI THỦ. Những di sản thế giới như Mỹ Sơn và Hội An (Quảng Nam), Kinh thành Huế (Thừa Thiên - Huế), Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội)… dù chưa phải là đỉnh cao của thế giới nhưng giá trị rất đáng tự hào. Hàng chục chợ nổi ở Nam Bộ là nét văn hóa bán buôn độc đáo không đâu sánh bằng. Có chợ bán sỉ, có chợ bán lẻ. Có chợ họp cả ngày, có chợ chỉ họp sáng sớm. Chợ họp hồn nhiên và thân thiện như người miền Tây phóng khoáng. Làng hoa Tân Qui Đông (Sa Đéc) rộng hơn 300 ha của hàng trăm hộ gia đình. Hơn 2.000 loài hoa được trồng tự nhiên ngoài trời, bốn mùa khoe hương sắc chứ không ngột ngạt trong nhà kính thường gặp. Địa đạo Củ Chi (TP HCM) là những làng ngầm dưới mặt đất, chằng chịt dài hàng trăm km giao thông, được làm thủ công với những dụng cụ hết sức đơn sơ. Là kỳ quan của lòng yêu nước, của ý chí kiên cường và quật khởi, góp phần cho nước nhà thống nhất. Ngoài địa đạo còn có Sơn đạo (Tức Dụp - An Giang), Thủy đạo (Xẻo Quít - Đồng Tháp)…
Hệ thống hang động ở Quảng Bình chấp cả thế giới. Những Phong Nha, Thiên Đường, Tú Làn, hang Va… đứng riêng cũng đủ thách thức các nước. Đặc biệt là Sơn Đoòng, hiện không có đối thủ. Phải đăng ký và xếp hàng trước cả năm mới đến lượt, dù chi phí mỗi ngày lên tới gần 1.000 USD. Tôi đã có 72 giờ trong các hang động Tú Làn, khám phá mấy km vào sâu trong động Phong Nha và Thiên Đường. Phải nói là kinh ngạc, sững sờ. Chỉ có thể cảm chứ không tài nào diễn đạt được bằng lời nói hay chữ viết. Các nước tìm đâu ra một danh thắng như vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) có hàng ngàn đảo lớn nhỏ, tựa bức tranh thủy mặc khổng lồ với nhiều hang động và bãi tắm đẹp. Quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) cũng đầy lãng mạn với hàng trăm đảo và nhiều bãi tắm hoang sơ.
MÊ HOẶC. Chiều dài biển Việt Nam thua xa nhiều nước, chỉ là "hạng" em út so với Indonesia, Canada, Nga, Nhật, Philippines, Úc, Mỹ… nhưng bãi tắm đẹp thì ăn đứt và có thể tắm quanh năm. Tôi đã đi khắp đất nước, tắm biển không sót tỉnh nào nhưng "hoa hậu" biển Việt Nam phải là các bãi tắm ở quần đảo Trường Sa. Tắm biển ở đó "đã không thể tưởng" và "sướng không thể tả", chẳng ướt quần áo bao giờ. Đồng "á hậu" là biển Phú Quốc, Côn Đảo và các bãi tắm Nam Trung bộ. Nhiều nơi, đứng một chỗ mà tắm được biển của 2 tỉnh.
Đại ngàn đá Hà Giang với bạt ngàn tam giác mạch là nét chấm phá lạ lùng của Việt Bắc. Ruộng bậc thang ở Tây Bắc và những bản làng hẻo lánh, còn giữ nguyên nét mộc mạc chân quê của từng dân tộc làm mê hoặc không ít lữ khách. Thác Bản Giốc (Cao Bằng), thác biên giới lớn thứ 4 thế giới, đẹp và hoành tráng như một bức tranh quê hiện thực. Động Từ Thức (Thanh Hóa) nhỏ nhưng… có võ với vô số câu chuyện tình hư thực giữa người và tiên, ghi dấu qua từng thạch nhũ và măng đá, sống động đến bất ngờ. Hòn Trống Mái, còn gọi là hòn Vợ Chồng (Thanh Hóa) mộc mạc, bình dị mà lạ lùng. Tương truyền, những người chồng yêu vợ, khi để nhẹ bàn tay trái vào thì hòn Vợ sẽ rung động, thổn thức?
Việt Nam có nhiều thủ đô cây trái như thanh long (Bình Thuận) với những đêm trắng mơ màng, như xa xôi tận trời Âu. Như cà phê (Đắk Lắk) cùng mùa hoa ngạt ngào hương, trắng xóa tựa tuyết rơi xứ lạnh. Như trà (Thái Nguyên và Lâm Đồng) không kém phần thú vị. Nhật Bản có trà Đạo, Trung Quốc có trà Kinh thì Việt Nam có trà Phong - phong cách thưởng thức trà lịch lãm. Có nhiều loài cây lạ lùng mà tiêu biểu hơn cả là Ô Môi - hoa báo Xuân, trái báo Hè với chuyện tình trắc trở và son sắt của đôi trai tài, gái sắc. Ẩm thực Việt Nam cũng khó có vùng nào sánh kịp. Tỉnh thành nào, vùng quê nào cũng có những món ngon riêng, không đụng hàng. Chưa người Việt Nam nào dám vỗ ngực là đã ăn thử hết món ngon của đất nước. Chưa người dân TP HCM nào dám tự nhận đã thử hết các loại chè Sài Gòn…
Có quá nhiều cái hay, cái đẹp ở Việt Nam. Đáng tiếc là chúng ta chưa biết tận dụng để khai thác du lịch. Do suy nghĩ thiển cận và cách làm chụp giựt, nhiều nơi còn làm méo mó danh thắng, tổn hại cảnh quan. Tâm lý chạy theo số lượng khách, chạy theo doanh thu trước mắt bằng mọi cách, không chỉ "trói tay buộc chân" ngành du lịch mà còn làm mai một những mỏ vàng du lịch tiềm năng.
Có nhiều cảnh đẹp nao lòng mà tôi chưa dám viết. Sợ vô tình tiếp tay cho sự đổ bộ ồ ạt của dân du lịch, làm tổn thương những công chúa đáng yêu đang ngủ giữa rừng.
Có quá nhiều cái hay, cái đẹp ở Việt Nam, đẹp đến sững sờ.
Bình luận (0)