Bằng tình yêu nhiếp ảnh mãnh liệt, trong suốt nhiều năm, nghệ sĩ Nguyễn Á đã miệt mài ra Bắc vào Nam, trở vào miền Trung rồi ngược lên Tây Nguyên săn tìm những bức ảnh thật đẹp về 12 di sản này. Qua ngôn ngữ hình ảnh, Nguyễn Á mong muốn được chia sẻ với cộng đồng về giá trị cao quý của bản sắc văn hóa Việt Nam, cần chung tay bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa.
Hội Gióng tại đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội, 2010), ca ngợi anh hùng huyền thoại, cổ vũ tinh thần chống ngoại xâm và khát vọng hòa bình của dân tộc ta
Nhã nhạc Cung đình Huế - Kiệt tác Di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Đây là di sản phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được vinh danh trên trường quốc tế (2003)
Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là Kiệt tác Di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại (2005), sau đó chuyển sang danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2008)
Dân ca quan họ Bắc Ninh, "đặc sản" xứ Kinh Bắc được công nhận "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại" vào năm 2009. Hiện quan họ Bắc Ninh đang phát triển mạnh, lan tỏa ra nhiều tỉnh - thành khác
Hát ca trù là hình thức âm nhạc cổ truyền chuyên nghiệp duy nhất ở Việt nam, đến năm 2008 được UNESCO chính thức công nhận là "Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp"
Hát xoan Phú Thọ (2011): Quê cha đất Tổ có lối hát độc đáo biểu đạt niềm tin tâm linh sâu sắc là hát xoan, gồm 3 chặng: hát thờ, hát nghi lễ, hát hội
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (2016): Tục thờ Nữ thần, Mẫu thần bản địa kết hợp với ảnh hưởng của Đạo giáo hình thành nên đạo Tam phủ, Tứ phủ mà thánh Mẫu Liễu Hạnh là thần chủ. Phủ Dày thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định là trung tâm thờ Mẫu
Đờn ca tài tử Nam Bộ là loại hình âm nhạc đặc trưng của miền Tây Nam Bộ, phổ biến không chỉ trên sân khấu chuyên nghiệp mà rất quen thuộc trong đời sống văn hóa thường ngày. Năm 2013, Đờn ca tài tử được công nhận là "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại"
Dân ca ví, giặm (2014) là "thổ sản" của vùng văn hóa xứ Nghệ. Ở Nghệ An, ví, giặm được hát mọi lúc mọi nơi
Nghi lễ và trò chơi kéo co (2015): Kéo co là trò chơi phổ biến ở nhiều vùng tại Việt Nam, không chỉ là trò chơi dân gian đơn thuần mà còn là một nghi lễ đậm tính tâm linh, được xem là một nghi lễ hầu Thánh
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (2012): Thờ cúng Quốc Tổ là hoạt động tín ngưỡng độc đáo của riêng Việt Nam, cả quốc gia dân tộc tự coi mình có chung một cội nguồn. Giỗ Tổ được tổ chức vào mùng 10 tháng ba hằng năm, không riêng ở Phú Thọ mà là ngày đại lễ của cả nước
Bài chòi (2017): Bài chòi là môn nghệ thuật đa dạng, kết hợp giữa âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học. Loại hình này có xuất xứ Trung Bộ, hiện phổ biến ở Trung Bộ và Nam Trung Bộ, nhất là vào dịp Tết, lễ
Bình luận (0)