Làng Nam Ô thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Đây là làng chài hiếm hoi còn sót lại ở thành phố biển này. Ở đó có khu rừng nguyên sinh mà người dân địa phương thường gọi là rừng cấm Nam Ô. Rừng hướng ra biển, bao bọc làng chài.
Từ trên cao nhìn xuống, rừng Nam Ô là một mảng xanh nhô ra bãi biển. Ở đó còn nhiều cây rừng hàng trăm tuổi. Theo người dân địa phương, để đi bộ hết khu rừng, người thạo đường cũng mất khoảng nửa ngày. Du khách hoặc người khác địa phương có thể phải mất cả ngày mới khám phá hết.
Rừng Nam Ô được người dân nơi đây bao đời nỗ lực bảo vệ. Người dân Nam Ô thường nói "rừng còn thì làng còn". Với họ, rừng Nam Ô là nơi không thể đụng vào dù là cành cây hay ngọn cỏ. Ông Phạm Văn Tài (trú làng Nam Ô) cho hay dân làng rất cần gỗ để làm thuyền. Trong rừng Nam Ô có rất nhiều cây u, gỗ rất chắc chắn và thích hợp để làm thuyền nhưng dân làng không bao giờ chặt.
"Nói như vậy để thấy rằng rừng như bản mệnh của làng. Từ các vị bô lão đến những đứa trẻ trong làng đều biết đó như một hương ước để bảo vệ rừng. Chính vì hương ước nghiêm ngặt ấy mà đến nay, khu rừng vẫn giữ được nhiều loại cây hàng trăm năm tuổi" - ông Tài khẳng định.
Một góc rừng Nam Ô
Theo ông Nguyễn Sơn (người dân địa phương), trước đây, nhà ở làng Nam Ô chủ yếu làm bằng tranh. Tuy sống cạnh bờ biển, mỗi năm hứng chịu nhiều đợt bão nhưng những ngôi nhà của làng vẫn bình yên sau giông bão. Ghe thuyền dùng để đi biển, dân làng neo đậu sát vào gành đá dưới chân rừng Nam Ô để không bị sóng đánh. Khu rừng sát bờ biển này còn có nhiều sản vật góp phần nuôi sống dân chài bao đời nay.
Nhờ có gành đá bọc quanh rừng Nam Ô mà người dân làng chài mới có thể đi biển và sinh sống bằng nghề biển. Ở gành đá đó có đặc sản nổi tiếng là rong mứt, còn gọi là rong biển. Dân làng Nam Ô luôn tự hào rằng rong biển ở đây không nơi nào sánh kịp. Vào mùa rong, dân làng đi men theo cánh rừng, dọc theo các gành đá để hái, mỗi ngày một vài giờ cũng thu được vài trăm ngàn đồng, đủ trang trải cuộc sống.
Vùng biển cạnh rừng Nam Ô có đủ loại cá tôm. Cá ở đây ngon và sạch, được người dân đánh bắt trong đêm và cập bờ lúc sáng sớm. Nổi tiếng vùng này là cá trích, thường dùng làm gỏi cá Nam Ô. Nhiều vị cao tuổi trong làng quả quyết nhờ rừng mà cá tôm ở biển này nhiều hơn và ngon hơn nơi khác.
Khi dự án khu nghỉ dưỡng của Tập đoàn Trung Thủy mọc lên giữa làng Nam Ô, người dân hết sức lo ngại. "Làm gì thì làm, chúng tôi cũng nhất quyết giữ rừng này" - bà Đinh Thị Nương (trú làng Nam Ô) bày tỏ.
Bình luận (0)