Chuyện không mong muốn đã bất ngờ ập xuống gia đình tôi, dù tôi luôn căn dặn mọi người trong nhà đề phòng. Đó là buổi sáng định mệnh của ngày 5-8-2020.
Có lúc rất hoảng loạn
Sáng đó vừa ngủ dậy, thấy Phương húng hắng ho, tôi hỏi vợ: "Em thấy sức khỏe mình tốt không? Sao anh cứ lo lo". Phương tự tin: "Em rất khỏe. Chỉ hơi ngứa cổ họng tí chút thôi anh!".
Phương bịt khẩu trang y tế đến 2 cái, che kín cả gương mặt phúc hậu. Qua ánh mắt Phương, tôi biết vợ nói thật. Cách đây khoảng 5 ngày, thấy Phương có biểu hiện ho, tôi điện thoại cho một số lãnh đạo bệnh viện (BV) mà mình quen biết xin xét nghiệm cho Phương. Ai cũng bảo Phương cảm cúm thôi, đừng quá lo xa.
Nhưng tôi không yên tâm nên liên hệ một BV xin xét nghiệm cho Phương. Làm sao yên tâm được khi gần 2 tháng ròng rã, ngày nào Phương cũng có mặt tại BV Đà Nẵng để nuôi ba vợ tôi bị tai biến nằm điều trị tại đây. Cho dù ông ra viện trước lúc ngành y tế công bố BV này là ổ dịch Covid-19, trong tôi vẫn có gì đó bất an nên luôn nhắc mọi người trong nhà đeo khẩu trang, giữ gìn cẩn thận khi giao tiếp; bố trí cho Phương ở một phòng riêng.
Thấy Phương chuẩn bị đi chợ, tôi ăn vội bữa sáng rồi khoác quân phục, đeo găng tay y tế và khẩu trang, kính chắn tia để đến cơ quan. Hôm nay, tôi có hẹn với đại diện một đơn vị tài trợ là hệ thống TMV Ngọc Dung trao tặng 7.000 bộ đồ bảo hộ y tế cho y - bác sĩ các BV bị phong tỏa ở Đà Nẵng để góp phần chung tay phòng chống dịch.
Thật bất ngờ, lúc vừa cùng nhà tài trợ trao tặng đồ bảo hộ y tế cho BV Đà Nẵng, BV Chấn thương Chỉnh hình và BV C Đà Nẵng xong thì điện thoại đổ chuông liên hồi. Tôi linh cảm có điềm chẳng lành, nghe điện thoại thì giọng Phương như khóc: "Anh ơi, em bị dương tính rồi! Chừ xe y tế đến chở đi cách ly điều trị". Tôi trấn an: "Em bình tĩnh! Bị bệnh thì đi cách ly, điều trị là tốt em à! Yên tâm đi, mọi việc ở nhà anh lo!".
Nói vậy, nhưng tôi rất hoảng loạn nên giao công việc lại cho đồng nghiệp và chạy về nhà ngay. Đoạn đường trước nhà đã được giăng dây cách ly. Nhân viên y tế đang phun thuốc khử trùng. Tôi buộc phải đứng chờ khá lâu. Hàng xóm hé cửa nhà nhìn tôi với ánh mắt ái ngại.
Khi cả nhà tôi đang buồn bã, não nề thì cơ quan y tế điện thoại báo tin đầu giờ chiều sẽ có người đến lấy mẫu xét nghiệm cho 6 thành viên còn lại của gia đình và cho cách ly tại nhà. Tối đó, cả nhà đang dở bữa ăn thì lại nhận điện thoại của cơ quan chức năng báo tất cả phải đi cách ly tập trung để theo dõi sức khỏe và khử khuẩn căn nhà.
Chưa đầy 5 phút sau, xe y tế hụ còi, đỗ xịch trước nhà. Thế là ai nấy đều vội lấy quần áo, kem, bót đánh răng… cho vào vali, nhanh chóng rời căn nhà thân yêu. Cửa nhà khóa lại, cả nhà lục tục lên xe về khu cách ly tập trung tại quận Hải Châu.
Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Đà Nẵng) - một trong những nơi được trưng dụng làm khu cách ly tập trung
Càng nghĩ càng hoang mang
Khu cách ly tập trung được trưng dụng là Trường Tiểu học Lê Đình Chinh. Cả nhà tôi được bố trí ở phòng học số 7.
Bàn ghế được trưng dụng là nơi ngủ trong khu cách ly
Tại đây, người ta kê bàn ghế học sinh lại và đặt trên đó những miếng ván ép còn mới để làm giường. Mỗi người được phát một chiếc chiếu, gối và màn, khẩu trang, nước sát khuẩn, xà phòng kèm thau giặt đồ; một bình nước uống tinh khiết dùng chung.
Đêm đầu tiên nằm trong phòng học, về khuya cái lạnh áp vào buốt nhói. Cạnh tôi là mẹ già 80 tuổi co ro, thỉnh thoảng thở dài; bên kia là con dâu mang thai chừng 7 tháng đang dỗ cháu nội mới hơn 20 tháng tuổi cứ khóc ngằn ngặt. Tôi chợt nghĩ, nếu mình nhiễm SARS-CoV-2 hoặc mẹ, rồi cháu, con… thì sẽ ra sao.
Đo thân nhiệt hàng ngày trong khu cách ly
Càng nghĩ, tôi càng hoang mang tột độ. Nhưng rồi nghĩ là trụ cột gia đình, tôi phải vững vàng để mọi người còn dựa vào mà hy vọng, bình tĩnh trong tình cảnh éo le này. Suốt đêm nhìn lên trần nhà, nước mắt cứ trào ra và chảy ngược vào trong. Nước mắt làm cổ họng mặn chát do tôi ngậm nước muối bỗng ngọt lại, nhưng lòng tôi đắng chát.
Đêm thứ hai, tôi vẫn không thể chợp mắt được. Lòng tôi giằng xé bao suy nghĩ. Thời gian như ngừng lại. Không khí như đặc quánh khiến tôi tức ngực, có khi tưởng thở không nổi. Đến trưa ngày thứ ba, niềm vui vỡ òa khi tôi nhận được kết quả xét nghiệm cả nhà đều âm tính. Thật khó diễn tả niềm vui của lúc này.
Cần lời động viên, an ủi
Đã qua cả chục ngày cách ly, giờ tĩnh tâm lại, tôi thấy nếu không có sự động viên, an ủi, hỗ trợ từ bạn bè, người thân qua mạng xã hội Zalo, Facebook hoặc điện thoại thì chúng tôi sẽ suy sụp nhanh chóng. Ngay cả những bệnh nhân được cách ly, chữa bệnh cũng vậy, nếu không có "liều thuốc" quan trọng đó thì e khó vượt qua nỗi sợ hãi về bệnh tật, khó ổn định tâm lý để hợp tác với thầy thuốc để chữa bệnh và chiến thắng bệnh tật.
Lo trong khu cách ly thiếu thốn, em Thu Trang từng quen biết tôi khi em làm ở Tập đoàn T.N, dù trời đã tối vẫn chạy đi mua gửi vào 6 cái mền, sữa, bánh và cả chú gấu nhỏ bé xinh xắn cho cháu nội tôi. Rồi chị Thắng, chị Trợ là những cựu chiến binh từng đồng hành với tôi trong công tác từ thiện - xã hội cũng gửi vào nước muối, mật ong, dầu, cao linh chi, nước gừng…
Bức thư ngắn của Thu Trang đã động viên chúng tôi rất nhiều
Em Ly có nhà tận Hòa Phước cũng chạy xe máy ra gửi vào cho tôi nào là chanh, muối, mật ong. Rất nhiều bạn bè, người thân gọi điện hỏi tôi cần gì để mua gửi vào. Có người còn bảo cho số tài khoản để gửi tiền. Tôi phải giải thích rất nhiều, rằng trong khu cách ly có tiền cũng không mua được gì; hoặc cần mua gì có gửi cũng chẳng ai mua. Cho nên, ở đây tiền chỉ để trong ví. Chúng tôi cần nhất là những lời động viên, an ủi. Đó chính là năng lượng tinh thần góp thêm nghị lực để chúng tôi vượt qua những hoảng loạn. Đó là nghĩa, là tình mà suốt đời gia đình tôi phải mang theo.
Cũng có người băn khoăn về chuyện ăn uống ở khu cách ly. Tôi thì không thấy lo gì về chuyện này. Mỗi ngày, có người mang thức ăn đến tận phòng. Sáng ăn mì Quảng tôm, trứng hoặc thịt; có bữa là bún chả cá, bún thịt nướng. Suất cơm trưa, tối có đủ thịt heo, thịt bò, cá, trứng, còn được kèm theo sữa, trái cây, bánh. Thậm chí cả tăm xỉa răng, khăn giấy đều có.
Thời gian rảnh rỗi ở khu cách ly, chúng tôi tập luyện để nâng cao thể trạng
Bữa ăn cũng phục vụ theo từng đối tượng. Cháu nội tôi được cấp cháo xương, cháo thịt; mẹ tôi muốn ăn chay cũng được đáp ứng. Ngoài nước tinh khiết đóng chai, ai yêu cầu nước nóng thì được cấp bình siêu tốc để nấu. Rồi thì hàng hóa của các nhà hảo tâm hỗ trợ được chia đều.
Không riêng gì gia đình tôi, mà tất cả những người ở đây đều đã có những ngày tạm thời ổn định, đầy đủ trong khu cách ly.
Nỗi đau giằng xé
Nhưng nỗi mừng vui khi cả nhà âm tính chưa kịp lắng xuống thì tin từ quê Quảng Nam nhắn ra, ba vợ tôi mất vì bệnh nặng ở tuổi 91.
Phương điện thoại cho tôi qua Zalo, khóc và bảo: "Em bất hiếu quá! Không về được để tang cho ba!". Nhìn vợ khóc nức nở qua màn hình điện thoại, cả nhà tôi không ai cầm được nước mắt.
Không từ ngữ nào để diễn tả được nỗi đau giằng xé trong tôi. Chữ hiếu chưa tròn, trong khi tôi và các con, cháu đang bị cách ly đâu thể về thọ tang cho cha, ông mình.
Rất may mắn, tôi và gia đình lần nữa lại được bạn bè, người thân điện thoại, nhắn tin động viên. Phương cũng được các y - bác sĩ ở BV dã chiến Hòa Vang thăm hỏi, chia sẻ. Bạn bè ở quê quay video trực tiếp đám tang ba để thông qua điện thoại cho gia đình tôi được chứng kiến, thắp nén tâm nhang trong lòng tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng.
Thắp lên niềm hy vọng
Tôi nhớ ai đó nói "một que diêm có thể đốt cháy cả cánh rừng". Nhưng que diêm khi ở trong tay những người có tấm lòng nhân ái thì sẽ thắp lên niềm hy vọng cho bao người khó khăn, bất hạnh. Ánh lửa que diêm dù le lói cũng sẽ soi sáng cho những người gặp bế tắc có chút hy vọng để tìm được lối thoát khỏi bóng tối...
Và trong đại dịch Covid-19, tôi hy vọng sẽ có nhiều que diêm cùng đốt lên ngọn lửa của niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng không xa, nhân loại sẽ xóa sạch dịch bệnh quái ác này.
Bình luận (0)