xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làng mình

MAI NAM THẮNG

Ký ức về những ngày khó khăn cùng những chuyện về tình làng nghĩa xóm luôn là đề tài bất tận trong các cuộc hội ngộ người làng nơi đất khách quê người

Làng tôi là hai dải đất nằm hai bên bờ sông Gianh ở phía thượng nguồn. Cứ theo như các vị cao niên truyền khẩu, gốc gác dân làng tôi là người hạ bạn, men theo đôi bờ sông Gianh lên định cư lập nghiệp từ xa xưa.

Neo bám trong tâm thức

Cụ tổ của chúng tôi là người làng La Hà ở xã Quảng Văn, huyện Quảng Trạch - một trong "bát danh hương" (8 làng nổi tiếng: Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim) của tỉnh Quảng Bình. Theo gia phả, chúng tôi là hậu duệ đời thứ 9, tức cách nay khoảng vài trăm năm.

Thành hoàng làng tôi là ai? Dân làng không ai biết vì chẳng thấy sổ sách, bia bảng nào ghi danh. Cũng có thể ngày xưa trong đình làng, miếu, nghè… đã có nhưng bị phá vào cái đận bài trừ hủ tục, xóa bỏ tàn dư phong kiến hơn 6 thập niên trước. Có điều, tôi tin trong số những tiền nhân khai sơn lập ấp ngày ấy, chắc chắn cũng có người chữ nghĩa. Bằng chứng là bên cạnh những địa danh nôm na như cầu Bượm, xóm Bàu, chợ Ống, đồng Hung… thì làng lại có những cái tên rất đẹp: Lèn Tang Bồng, đồng Trảo Nha, xóm Phúc Sơn, bến đò Phú Hội…

Làng mình - Ảnh 1.

Làng ven thượng nguồn sông Gianh

Một dạo, cũng chừng dăm sáu chục năm trước, người ta mang về làng những cái tên lạ hoắc như Quyết Tiến, Thắng Lợi, Tiền Phong, Thống Nhất… để thay thế những địa danh hoặc là nôm na mách qué hoặc chữ nghĩa cao siêu. Nhưng những cái tên kêu như kẻng chấm công của hợp tác xã ấy dần dần cũng bị giải thể. Và những cầu Bượm, xóm Bàu, chợ Ống, đồng Hung… vẫn neo bám vững chắc trong tâm thức dân làng, cùng những cây đa Đá Sập, cây gạo cửa Hác, nghĩa địa Bàu Mác… làm nên hình hài và hồn vía làng tôi.

Như chưa hề chia tách

Quê tôi nhất làng, nhất xã. Sông Gianh chảy qua làng chia cắt bên ni bên tê; núi Hòn Ngang ngăn cách ngoài ni trong nớ nhưng bao đời nay vẫn cùng một tên làng, về sau là cùng một xã.

Đâu hơn chục năm trước, xã tách làm hai. Từ Hòn Ngang trở ra là một xã, vẫn mang tên cũ. Từ Hòn Ngang trở vào hết xóm Mét, cộng thêm mấy chục hộ khai hoang của 2 xã bên cạnh, lập thành một xã với tên rất mới. Làng bị tách làm 2 xã nhưng nếp làng, hồn làng vẫn chỉ một. Bà con ngoài ni trong nớ vẫn coi nhau như người làng năm nảo năm nào. Hằng năm, hội đồng hương "làng mình" họp ở Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng… vẫn đông đủ con em 2 xã cũ và mới, như chưa hề chia tách bao giờ.

Lịch sử thành văn của làng tôi có lẽ chỉ bắt đầu từ ngày toàn quốc kháng chiến chống Pháp. Chi đội vũ trang đầu tiên của huyện Tuyên Hóa mang tên vị lãnh binh Cần vương Lê Trực, được thành lập ở làng Còi, tiếp giáp với làng tôi về phía thượng nguồn, sau phát triển thành Trung đoàn 18 anh hùng của Đại đoàn Bình Trị Thiên nổi tiếng.

Làng Còi cũng là nơi sơ tán của cơ quan Tỉnh đội Quảng Bình. Tại đây, ngày 24-12-1947, Ban Hành chính Tỉnh đội đã tổ chức một bữa cơm "tăng cường" chút thịt, cá làm tiệc cưới cho Chính trị viên Đồng Sĩ Nguyên với cô y tá Nguyễn Thị Ngọc Lan, có sự chứng kiến của Tỉnh đội trưởng Quản Ân và Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Văn Diệm. Ông Diệm đã trao tận tay hai người giấy chứng nhận kết hôn và bắt phải... hôn nhau trước mặt mọi người! Năm sau, ông bà sinh hạ con trai đầu lòng cũng tại làng Còi. Chuyện này tôi được chính bác Ngọc Lan kể cho nghe trong giờ giải lao của hội thảo kỷ niệm "50 năm đường Trường Sơn huyền thoại", tổ chức hồi tháng 5-2009 tại TP Hà Nội.

Liền kề nơi sơ tán của cơ quan Tỉnh đội nên làng tôi nghiễm nhiên thuộc vào vùng An toàn khu. Một xưởng quân giới được thành lập ở xóm Niệt, sản xuất lựu đạn và sửa chữa các loại súng bộ binh. Xưởng ấy nay vẫn còn dấu tích. Một trường trung học kháng chiến được thành lập ở hung Bù, mang tên chí sĩ Phan Bội Châu. Tuy chỉ tồn tại dăm năm nhưng Trường Phan Bội Châu cũng kịp cung cấp cho công cuộc kháng chiến một lứa cán bộ cốt cán trung kiên; sau này nhiều người trở thành những nhà nghiên cứu, nhà văn, tướng lĩnh nổi tiếng.

Nhớ gần 40 năm trước, hồi nhạc sĩ Trần Hoàn làm Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, cái lần về chỉ đạo Đại hội Đảng bộ huyện Tuyên Hóa rồi viết ca khúc "Đường về Đồng Lê", ông kể nhạc phẩm "Sơn nữ ca" của ông ra đời ở chợ Gát, ngay cạnh làng tôi. Khúc sông thuở nhỏ chúng tôi vẫn bơi lội vẫy vùng, cũng là nơi ra đời tiểu thuyết "Mùa hoa dẻ" của Văn Linh, kể chuyện tình yêu quá ư lãng mạn.

Một lần, họp mặt anh em văn nghệ Quảng Bình ở Hà Nội, chúng tôi mời tác giả "Mùa hoa dẻ" tham dự. Ông kể mỗi lần nhắc đến các địa danh chợ Gát, chợ Ống, chợ Còi… là ông không cầm được nước mắt, vì con trai đầu lòng của ông đã mất khi theo mẹ cha sơ tán lên vùng này.

Hành trang vào đời

Những câu chuyện thuở An toàn khu trên đây của làng đã trở thành một phần quan trọng trong hành trang vào đời của chúng tôi, thế hệ lớn lên trong tiếng gào rú của máy bay Mỹ. Và ký ức về những ngày ác liệt, khó khăn, đói cơm, thiếu áo… cùng những câu chuyện về tình làng, nghĩa xóm luôn là đề tài bất tận trong các cuộc hội ngộ người làng nơi đất khách quê người.

Những năm gần đây, xen giữa chuyện "ngày xưa" của làng, là những lo âu về sự mai một hồn làng, nếp làng trong thời buổi kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Nào là cái lũy tre làng ven sông che chắn lũ lụt bao đời nay bỗng dưng bị dàn máy ủi, máy xúc bật tung hết cả lên, để giải ngân cho một dự án kè bao chưa làm đã chắc chắn là thất bại. Nào là những hàng rào dâm bụt, chè tàu phân định vườn tược bây giờ đã được thay thế bằng những tường gạch cao lút đầu người, đêm đêm nhà nhà cửa đóng then cài bất khả xâm phạm. Rồi chuyện anh em, con cháu đôi khi lôi nhau ra tòa chỉ vì cái tường gạch xây lấn sang bên này bên kia chỉ nửa gang tay. Rồi chuyện pha tạp, lai căng lối sống thị thành, cả những thói hư tật xấu mang về từ các thị trường lao động nước ngoài… Cứ đà này thì nay mai còn đâu cốt cách của làng?

Làng mình - Ảnh 2.

Biền bãi ven thượng nguồn sông Gianh

Bỗng một anh bạn đồng niên thủng thẳng nhưng quả quyết: "Mất thế nào được mà mất? Như cái chợ Ống làng mình đấy, bao đời nay bám vào cái mô đất bên cầu Ống, lũ lụt lở bên này thì bà con dịch sang bên kia; năm sau lở bên kia thì bà con dịch sang bên này, quyết không họp chợ trên khu đất mới quy hoạch khá là rộng rãi, quyết không chui vào ngôi nhà xây kiên cố của dự án "Điểm bưu điện văn hóa xã" bỏ hoang lãng phí từ ngày khánh thành… Vì sao các ông có biết không? Vì chợ làng không chỉ là nơi mua bán đổi chác mà còn là một địa chỉ văn hóa của làng, là một góc hồn làng, đố ai di dời thay đổi được. Văn hóa làng mình là văn hóa làng Việt".

Chúng tôi cùng im lặng như người có lỗi. Rồi cũng chính anh bạn đồng niên kia lên tiếng: "Làng mình bây giờ thôn xóm nào cũng đường đi lối lại phong quang, rải bê-tông đến ngõ từng nhà, các ông có biết bao nhiêu cây vườn, bao nhiêu mét đất hương hỏa được bà con mình tự nguyện hiến cho phong trào xây dựng nông thôn mới và làng văn hóa không? Dân mình rứa đo!".

Chợt nhớ năm kia về làng, có người hỏi tôi sao khu vườn rào dậu kiên cố thế mà không trồng ít cây ăn quả. Tôi nói mấy anh em chúng tôi đều sống xa quê, năm đôi bận về giỗ chạp, Tết nhất, trồng cây ăn quả đã chẳng được ăn lại thêm bực với kẻ trộm. Và tôi đã sượng sùng ân hận trước lời khuyên chân tình: "Hương hỏa của ông bà chớ có để hoang. Cây trái là lộc trời phúc nhà, mình không ăn thì người khác ăn, cũng là người làng mình cả thôi mà!".

Chao ôi, hai chữ "làng mình", thêm một lần khiến tôi thức ngộ. 

Quy về một mối

Tôi về quê chạp họ cuối năm Kỷ Hợi, trùng dịp chuẩn bị sáp nhập một số xã trong huyện. Mấy ngày ở làng, ngồi đâu cũng nghe bàn chuyện nhập xã, nhập thôn. Nhiều người băn khoăn rồi đây thừa hẳn một bộ máy tổng cộng ngót nghét nửa trăm con người chẳng biết sẽ đi đâu về đâu? Nhưng bao trùm lên tất cả vẫn là không khí hào hứng phấn khởi: Rứa là làng ta lại được quy về một mối như xưa. Vui quá hè? Ngay cả các ông bà đang thuộc diện không biết "đi đâu, về đâu" cũng hồ hởi không kém.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Làng mình - Ảnh 4.
Làng mình - Ảnh 5.
Làng mình - Ảnh 6.
Làng mình - Ảnh 7.
Làng mình - Ảnh 8.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo