Xuân Du từ lâu được biết đến là vựa đào phai lớn nhất ở xứ Thanh khi có cả ngàn người dân cùng trồng giống cây bản địa này. Cận Tết, nơi đây lại tấp nập người, xe ra vào đặt hàng, thu gom đào để chuẩn bị vận chuyển đi các địa phương phục vụ người dân chơi Tết Nguyên đán.
Gia đình ông Quách Văn Hùng (SN 1962; ngụ thôn 5, xã Xuân Du) được xem là một trong những hộ trồng đào làm kinh tế đầu tiên ở xã này. Theo ông Hùng, đào phai trước đây thường mọc tự nhiên ở ven núi Nưa, sau đó, người dân đưa về trồng quanh vườn nhà để trang trí mỗi khi Tết đến xuân về. Dần dần, thấy giống đào này đẹp, một số người đã mang xuống phố bán, từ đó nhiều người biết đến đào phai Xuân Du; bắt đầu trở thành hàng hóa đắt hàng mỗi dịp Tết cổ truyền.
"Đến nay, đào được trồng bạt ngàn ở xã, hầu như gia đình nào cũng có từ 2 sào (500 m2) trở lên" - ông Hùng nói.
Anh Trần Bá Nghị (ngụ thôn 4) phấn khởi nói xã Xuân Du trước đây đời sống người dân gặp nhiều khó khăn nhưng từ khi nghề trồng đào phai hình thành, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, có nhà trở nên giàu có.
Theo nhiều người dân trồng đào, hiện mỗi sào đất trồng được 80-90 gốc, cây 3 năm là có thể xuất bán. Ngoài ra, để nâng tầm thương hiệu và tăng giá trị cho đào, nhiều hộ dân đã đầu tư trồng đào thế, đào cổ. "Nếu một gia đình trồng khoảng 2 sào đào, với giá như dịp Tết Quý Mão 2023 thì sẽ thu về trên dưới 100 triệu đồng, còn những hộ trồng nhiều hecta, có cả ngàn gốc đào thì thu nhập lên tới cả tỉ đồng" - ông Hùng nhẩm tính.
Làng đào phai xã Xuân Du, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa
Cũng giống xã Xuân Du, xã Quảng Chính (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) trước đây được xem là một trong những xã khó khăn của huyện, thế nhưng kể từ khi cây đào phai hoa kép được đưa về trồng thử rồi dần phát triển thành làng nghề, đời sống người dân được nâng lên, đào dần trở thành cây chủ lực của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Xuyến (ngụ thôn Phú Lương, xã Quảng Chính) cho biết đào phai kép Quảng Chính thường có giá rất cao - từ 3 triệu đến 10 triệu đồng/cây.
Ông Trương Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Du, cho biết hiện nay, cây đào được xác định là cây chủ lực tại địa phương. Ông Hoàng Trọng Hạnh, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Chính, thừa nhận đào phai hoa kép mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người toàn xã đến nay đạt gần 63 triệu đồng/người/năm.
Bí thư Đảng ủy xã Quảng Chính thông tin thêm nhận thấy giá trị kinh tế từ trồng đào đem lại, những năm qua, xã đã khuyến khích người dân mở rộng diện tích đất trồng đào; đồng thời tạo mọi điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn vay, chuyển giao khoa học - kỹ thuật trồng đào, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kinh nghiệm, kỹ thuật mới nhằm nâng cao chất lượng, giá trị cho cây đào.
"Địa phương rất vui khi vừa qua, đào phai hoa kép Quảng Chính đã được tỉnh Thanh Hóa công nhận làng nghề hoa, cây cảnh. Đây là bước đà vững chắc để chúng tôi xây dựng thương hiệu đào ngày càng phát triển hơn nữa, giúp người dân có hướng đi bền vững, nguồn thu nhập ổn định" - ông Hạnh hồ hởi.
Bình luận (0)