xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Mắt thần" chống cháy rừng

Bài và ảnh: Thanh Tuấn

Nhờ đưa hệ thống camera chuyên dụng vào "gác rừng" mà lực lượng kiểm lâm Thanh Hóa đã sớm phát hiện, ngăn chặn kịp thời hàng chục vụ cháy rừng

Những năm trước, cứ tới mùa khô, tình trạng cháy rừng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thường xuyên xảy ra, có những nơi cứ vào mùa hè là rừng bị cháy. Thế nhưng, khoảng 3 năm trở lại đây, tình trạng trên đã được ngăn chặn.

Phát hiện cháy bằng "mắt thần"

Ông Lê Xuân Cải, Trưởng Phòng Quản lý bảo vệ rừng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, cho biết triển khai lắp đặt các hệ thống camera chuyên dụng thì tình trạng cháy rừng ở Thanh Hóa giảm rõ rệt. Những chiếc camera này được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa bắt đầu lắp thí điểm từ năm 2020 ở 3 điểm thường xuyên xảy ra cháy rừng tại xã Hà Lĩnh (huyện Hà Trung); xã Hoằng Kim (huyện Hoằng Hóa) và xã Nguyên Bình (huyện Tĩnh Gia). Khu vực này có khoảng 7.000 ha rừng (chủ yếu là rừng thông).

"Các camera được lắp đặt đều là camera chuyên dụng, có độ phân giải cao, tầm quan sát xa tới 10 km trong điều kiện bình thường. Cứ 2-3 phút, những "mắt thần" lại chuyển dữ liệu là những hình ảnh về trung tâm, từ đó giúp người làm nhiệm vụ có thể nhìn thấy những đám khói, dù là nhỏ nhất để kịp thời thông tin cho lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý sớm ngoài thực địa" - ông Cải nhìn nhận.

Theo báo cáo của Phòng Quản lý bảo vệ rừng, đến thời điểm này lực lượng kiểm lâm đã lắp đặt được 11 trạm camera tại nhiều địa phương là điểm nóng cháy rừng. Những "mắt thần" này đã bao quát được toàn bộ diện tích rừng rộng khoảng 70.000 ha. Từ khi 11 trạm camera được đưa vào hoạt động, hàng chục ngàn ha rừng phòng hộ có nguy cơ xảy ra cháy cao đã được giám sát liên tục suốt ngày đêm. Từ đó, nhiều đám cháy rừng đã được phát hiện sớm và dập tắt kịp thời ngay khi bắt đầu hình thành.

"Từ năm 2020 đến nay, camera đã phát hiện 22 đám cháy rừng và những điểm cháy có nguy cơ lan vào rừng tại một số điểm nóng, giúp cho chúng tôi nắm bắt sớm, huy động lực lượng chức năng và chính quyền địa phương kịp thời dập tắt đám cháy, không để chúng lan rộng" - ông Cải cho hay.

Ngoài nhanh chóng ghi nhận các hình ảnh nghi cháy rừng gửi về trung tâm, các "mắt thần" gác rừng này còn ước lượng được tọa độ, các lô, khoảnh rừng nghi xảy ra cháy rừng để báo về máy chủ, từ đó giúp lực lượng bảo vệ rừng ở cơ sở có thể tiếp cận địa điểm thực tế một cách chính xác, nhanh nhất để kiểm tra, xử lý. "Trước đây, cháy rừng tại Thanh Hóa thường được phát hiện rất muộn, khi đám cháy đã bùng lớn, không những gây thiệt hại về rừng, tài sản mà còn ảnh hưởng tới môi trường lâu dài. Kể từ khi chúng tôi áp dụng chuyển đổi số, đưa hệ thống camera vào giám sát hỗ trợ công tác bảo vệ rừng, tình trạng cháy rừng đã hạn chế rõ rệt" - ông Cải phấn khởi.

Mắt thần chống cháy rừng - Ảnh 1.

Phòng Quản lý bảo vệ rừng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa quan sát những cánh rừng trên địa bàn qua camera chuyên dụng

Mắt thần chống cháy rừng - Ảnh 2.

Đám cháy rừng xảy ra vào tháng 6-2021 tại xã Thạch Cẩm, huyện Thạch Thành nhờ camera phát hiện, sau đó được lực lượng chức năng dập tắt kịp thời

Thay thế hoàn toàn người gác rừng ngoài thực địa

Ngoài phát hiện nhanh các đám cháy rừng, hệ thống camera gác rừng còn mang lại một tiện ích chưa từng có, đó là việc thay thế hoàn toàn những người gác rừng ngoài thực địa. Cụ thể, trước đây, cứ tới mùa khô, các địa phương có rừng phải lập rất nhiều tổ chốt tại các điểm hay xảy ra cháy, túc trực cả ngày đêm, mỗi tổ chốt phải có ít nhất 2-3 người. Việc này không chỉ hao tổn nhân lực mà còn vất vả, tốn kém. Kể từ khi áp dụng hệ thống camera gác rừng, lực lượng chức năng không cần phải lập chốt, huy động người đi canh rừng nữa, chỉ cần một người có thể giám sát cả ngàn hecta rừng qua máy tính hoặc điện thoại.

Ông Trịnh Đăng Tình, Phó trưởng Phòng Quản lý bảo vệ rừng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, cho biết ngoài huy động nhiều người đứng chốt, nhà nước còn phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để trả công. Đơn cử, tại trạm bảo vệ rừng ở xã Nguyên Bình, thường có tới 6 chốt (khoảng 15-18 người) tham gia bảo vệ rừng. Nhưng giờ đây, một người có thể làm toàn bộ phần việc cho tất cả 6 tổ chốt trước đây.

Ông Tình cũng ghi nhận những thiết bị giám sát trên còn giúp phát hiện sớm các thay đổi về thông tin lô rừng, từ đó kịp thời kiểm tra và cập nhật chính xác những biến động về rừng và đất lâm nghiệp (ngăn chặn tình trạng khai thác rừng trái phép, phá rừng làm nương rẫy...), phục vụ hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Ngoài ra, việc đưa ứng dụng kỹ thuật vào công tác phòng cháy chữa cháy rừng còn góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát triển nguồn gien động vật, thực vật quý hiếm, ngăn chặn, hạn chế xói mòn, lũ lụt, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên phục vụ du lịch, giải trí và nghiên cứu khoa học. 

Việc đưa hệ thống camera chuyên dụng vào canh gác rừng là sáng kiến do Phòng Quản lý bảo vệ rừng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa đưa ra và được Trung tâm Nghiên cứu quản lý thiên tai - cháy rừng (thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) phối hợp triển khai thử nghiệm, áp dụng thực tế đầu tiên tại Thanh Hóa. Dự án này được Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đánh giá cao, được rất nhiều tỉnh trong cả nước học tập để triển khai thực hiện tại địa phương của mình.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo