Khi đã thành "người của công chúng" nghĩa là, xét về một phương diện nào đó, bạn thuộc về công chúng, không còn là của riêng gia đình, bạn bè bạn nữa, bạn đã thuộc về media mass. Và nếu đã là như vậy, công chúng có rất nhiều quyền lực với bạn (cũng như ngược lại, bạn cũng có nhiều quyền lực với công chúng). Đôi khi bạn có thể định hướng dư luận, tạo trend cho một đám đông khổng lồ và đôi khi, chính đám đông khổng lồ đó sẽ hạ bệ bạn. Đó là mối quan hệ tương tác biện chứng hết sức công bằng.
Công chúng có quyền khen, chê
Khi bạn đã là người thuộc về công chúng, công chúng có quyền khen, chê bạn tùy ý, tùy cảm hứng của họ; có quyền can thiệp vào đời sống riêng tư của bạn, bạn yêu ai, bỏ ai, xàm xí với ai, họ đều bình luận, thậm chí chửi rủa. Tây ta đều thế cả, Tây chửi càng lắm, vì họ dân chủ, họ phê bình cả tổng thống, từ "stupid" được dùng thường xuyên cho mọi "Public figure", dù khổ chủ chả ai đần độn cả. Họ yêu cầu bạn ăn cũng phải đẹp, ngủ gật cũng phải xinh nên mỗi lần các ngôi sao Hollywood đi dự giải Oscar, họ thường chuẩn bị trang phục trước một năm và thường… uống thuốc an thần vì căng thẳng, thậm chí đến độ mất ngủ và rối loạn lo âu; nếu cái váy Oscar mà công chúng không thích thì họ nhiếc cho cả năm, truyền thông cũng dùng loa phóng thanh nhiếc cùng. Từ nửa thế kỷ nay, có những tờ báo lá cải như Voici sinh ra chỉ để đăng ảnh của các paparazi, toàn ảnh nhăng nhố kiểu ngôi sao X ngã oạch khiến váy tốc lên hở cả nội y, ngôi sao Y bị bắt quả tang thò tay vào quần gãi lấy gãi để, ngôi sao Z bị chụp ngấn mỡ bụng... Những tờ báo in toàn ảnh loại này luôn best-seller, vì một bộ phận công chúng thích thế. Nên paparazi cả ngày cả đêm chả làm gì ngoài việc rình rập gốc cây, bụi rậm săn ảnh "xấu xí" rồi đi bán lại giá cao cho các tòa soạn. Các ngôi sao nhìn thấy paparazi là muốn úp sọt lên đầu mà tẩn, nhìn thấy chủ bút chỉ ước nhồi vào bao tải nện.
Khi bạn đã là người thuộc về công chúng, họ có quyền phán xét bất cứ phát ngôn và hành vi nào của bạn. Rất nhiều ngôi sao mất sô diễn hay hợp đồng quảng cáo triệu đô chỉ vì một phát ngôn vô tình. Năm 2008, ngôi sao phim "Bản năng gốc" Sharon Stone chỉ vì lỡ miệng khi bình luận trận động đất ở Tứ Xuyên là "quả báo" sau những gì Trung Quốc gây ra với Tây Tạng mà đã bị đất nước hơn tỉ dân tẩy chay, khiến minh tinh này mất hết các hợp đồng quảng cáo ở Trung Quốc. Nếu so với "công chúng" của các nước khác thì công chúng nhà ta hẵng còn được coi là "lành". Kinh dị nhất là luật "phong sát" của người Trung Quốc. Chỉ trong vòng 2 năm, hàng loạt ngôi sao Hoa ngữ hàng đầu như Ngô Diệc Phàm, Triệu Vy, Trịnh Sảng đã bị đánh bật khỏi thế giới giải trí, vĩnh viễn kết thúc sự nghiệp vì những vấn đề liên quan đến đạo đức và hành vi không chuẩn mực. Chính vì thế, giới giải trí chuyên nghiệp của Hàn Quốc luôn có hẳn ê-kíp để kiểm soát phát ngôn, trang phục, hành vi, thậm chí cả đời sống tình ái của các ngôi sao. Ngôi sao ký hợp đồng với các công ty giải trí ngoài việc được họ nâng đỡ, o bế hình ảnh, còn được giúp đỡ tránh xì-căng-đan. Các sao trẻ còn được soạn cho sẵn hàng loạt câu hỏi mà các nhà báo hay phỏng vấn, kèm theo câu trả lời để cứ thế mà học thuộc lòng, đỡ bị vạ miệng, đỡ ăn nói lăng nhăng, xàm xí. Tóm lại là các sao ăn gì, mặc gì, nói gì, đi đâu, làm gì, yêu ai đều cần phải được quản lý hình ảnh.
Cũng chính vì thế, một số sao Hàn và sao Hollywood mới hay phát ốm lên tới mức tự tử. Chuyện ngôi sao đang trên đỉnh cao của danh vọng, tiền tài, sắc đẹp mà đùng cái tự tử, ở xứ ta xưa nay hiếm chứ xứ người thì nhiều. Đấy là vì họ không chịu nổi áp lực, đấy chính là cái giá phải trả dành cho "người của công chúng". Và, họ chấp nhận "cái giá đính kèm" là một phần của sự chuyên nghiệp.
Minh họa: Hoàng Đặng
Sống cho công chúng là điều tất nhiên
Khi đã là người của công chúng, hãy quên đi khái niệm được sống hoàn toàn cho bản thân mình, bởi một phần rất lớn cuộc sống của bạn liên quan đến công chúng; vì thế, sống cho công chúng là điều tất nhiên. Việc này cũng đơn giản như khi ở nhà, bạn có thể nói cười lăng nhăng lít nhít, ra đến ngoài hành lang gặp hàng xóm đã không thể như vậy được rồi. Như thế, không phải nói gì, hay làm gì là đúng, mà là nói/làm ở đâu, khi nào, đúng lúc đúng chỗ mới là quan trọng. Ở chốn đông người, giữa công chúng mà "sống thật", thích gì nói nấy, muốn gì làm nấy thì không những không đúng lúc đúng chỗ mà còn thành vô duyên.
Một trong những phản biện phổ biến nhất của người nổi tiếng là: Công chúng nào nuôi tôi, công chúng thì cũng có này có nọ, có những người cả đời chả xem/đọc/nghe sản phẩm nghệ thuật của tôi, chỉ thuận miệng là chửi thì liên quan gì đến tôi mà bảo nuôi tôi. Đây là một khái niệm hết sức nhầm lẫn. Chỉ cần họ biết đến tên của bạn thôi thì bạn đã nhờ ơn họ rồi. Một người được cấu thành khái niệm "nổi tiếng" chính là bởi quá nhiều người biết đến họ. Nếu ta nhắc đến tên của một người nào đó mà cô X, cậu Z, bà Y đều gật đầu bảo biết (chứ chưa cần phải thưởng lãm sản phẩm nghệ thuật của họ) thì coi như việc đã xong, các nhãn hàng, các sô truyền hình, các chương trình nghệ thuật sẽ bắt đầu muốn làm việc với họ. Vì vậy, không có công chúng, sẽ không có người nổi tiếng.
Chính vì thế, tất cả "Người của công chúng" hoạt động chuyên nghiệp cần làm thêm một công tác chuyên nghiệp khác là "Quan hệ công chúng" (PR). Đây không phải hoạt động quảng cáo mà là quy trình quản lý hình ảnh, phát ngôn, hành vi để tạo thiện cảm với công chúng, có thiện cảm thì mới có quan hệ tốt. Một cá nhân bình thường nếu có nhiều quan hệ tốt thì cuộc sống còn có thể thành công nữa là người nổi tiếng luôn luôn phải tiếp xúc với công chúng. Và trong các hoạt động "quan hệ công chúng", điều tối kỵ nhất là xì-căng-đan, đặc biệt là xì-căng-đan phát ngôn; việc trả treo với công chúng lại càng nên tránh. Nhiều người nổi tiếng đôi co với từng comment trên mạng xã hội thực sự đã thể hiện tâm thế chưa chuyên nghiệp của họ. Nếu chưa sẵn sàng tâm lý làm "người của công chúng", chưa chấp nhận thực tế nghiệt ngã rằng người nổi tiếng không chỉ có màu hồng mà còn nhiều cay đắng và mất mát thì tốt nhất ta hẵng chỉ làm người bình thường. Ở đó, tức khắc ta được bình yên, xung đột lớn nhất chắc chỉ xoay quanh mấy đồng nghiệp, bạn bè và người trong nhà mà thôi.
Quãng hai thập kỷ trở lại đây có hai từ được dùng rất nhiều, dùng hằng ngày, nhưng dường như rất ít người hiểu thấu đáo ý nghĩa và bản chất của hai từ này. Thứ nhất là "Quan hệ công chúng" (Public Relations, viết tắt là PR) và thứ hai là "Người của công chúng" (Public Figure).
Đặc biệt, người ta hay nhầm PR thành ra quảng cáo trong khi bản thân từ "quan hệ công chúng" đã nói lên định nghĩa của nó: Tạo dựng quan hệ tốt với công chúng.
Bình luận (0)