Nhiều người ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang nói với chúng tôi về anh Đinh Vũ Tâm (ngụ ấp Long Hòa 2, xã Long Kiến, huyện Chợ Mới), người đang nuôi đàn cá tự nhiên ước tính đến hàng ngàn con.
"Thấy cưng lắm"
Chuyện thú vị này bắt đầu từ Tết nguyên đán 2020. Khi đó, anh Tâm xuống bến sông cạnh nhà để rửa tay như thường lệ, bỗng có đàn cá da trơn bơi đến. Có con còn bơi vào tay anh như thân quen lắm.
Nghĩ là những con cá này có tình cảm với mình và muốn được nuôi dưỡng nên anh Tâm mua thức ăn chế biến sẵn thả xuống sông. Vậy rồi ngày tiếp ngày, đàn cá rủ nhau về đây trú ngụ. Trong số này, cá tra chiếm tỉ lệ nhiều nhất, kế đến là vồ đém, chim trắng, he...
"Tôi nhớ lúc đó là vào chiều 30 Tết. Sau khi xuống tàu cột dây lại cho chắc chắn để sửa chữa, tôi thò tay xuống sông để rửa. Không ngờ, đàn cá từ đâu bơi lại. Thấy chuyện lạ nên tôi kêu một số anh em trong xóm đến cùng xem. Sáng hôm sau, tôi tiếp tục xuống sửa tàu như thường ngày rồi vẫn rửa tay thì thấy cá bu lại nữa nhưng lần này đông hơn trước. Tôi thử để một nhúm thức ăn vào lòng bàn tay xem tụi nó có dám ăn hay không. Không ngờ chúng nó ăn thấy cưng lắm. Từ đó, tôi thích quá nên mua thức ăn nuôi luôn" - anh Tâm nhớ lại.
Hàng xóm của anh Tâm cho biết lúc đàn cá đến bến sông này thì con nào to cũng chỉ bằng ngón tay cái và quây quần trong phạm vi chưa đầy 1 m2. Thế nhưng, chỉ sau vài tuần lễ, đàn cá tăng nhanh về số lượng, có thể đã lên tới hàng tấn. Mới đây, anh Tâm mua thêm chiếc thuyền trị giá khoảng 20 triệu đồng rồi kết nối với thuyền cũ của gia đình để tạo không gian yên tĩnh cho đàn cá trú ngụ được an toàn hơn. Phía bên ngoài, anh cho làm những chiếc phà để các loại ghe tàu và cả những ghe cào cá biết đường tránh xa ra.
"Thật lòng mà nói, đàn cá của tôi còn được đến ngày hôm nay cũng là nhờ bà con lối xóm thương và cùng nhau bảo vệ chứ không thì khó lắm. Việc tôi mua thêm chiếc thuyền để làm như vậy cũng vì mục đích giấu đàn cá trước sự dòm ngó của những người chuyên làm nghề săn bắt dưới sông, vì họ có thể làm cho đàn cá hoảng sợ rồi bỏ đi mất. Gia đình tôi chuyên làm nghề chở vịt thuê bằng thuyền nhưng từ khi đàn cá về ở bến sông này, cũng là lúc tôi nhận được nhiều đơn hàng chở thuê hơn. Do bận bịu như vậy nên gia đình tôi phân công nhau cử người cho cá ăn mỗi ngày 2 lần để chúng không bị đói" - anh Tâm kể.
Đối với ông Trần Văn Đặng thì không có hạnh phúc nào bằng mỗi khi đi làm về mệt mỏi, ra nhìn đàn cá bơi lội
Dứt khoát không bắt ăn
Khi biết được thông tin bến sông nhà anh Tâm có đàn cá này, người dân không chỉ trong huyện Chợ Mới mà từ nhiều nơi khác cũng kéo đến để được tận mắt chứng kiến. Cũng chính vì vậy mà anh Tâm phải tốn thêm chi phí mua thức ăn cho cá với mức bình quân khoảng 600.000 đồng/ngày.
"Trước khi mọi người biết chuyện này, tôi chỉ tốn khoảng 235.000 đồng/ngày để mua một bao thức ăn cho cá và chia làm 2 cử sáng, chiều. Khi khách đến tham quan nhiều thì phải cho cá ăn nhiều lần và hiện giờ đã lên đến tầm 2-3 bao mỗi ngày rồi. Trong nhà tôi bây giờ lúc nào cũng phải dự trữ không dưới 20 bao thức ăn cho cá, mua từ tiền chạy thuyền chở vịt thuê cho người ta và một phần tiền lời từ việc làm 20 công ruộng. Có khách đến đây xem rồi ngỏ ý gửi tiền mua thức ăn cho cá nhưng tôi không nhận nên sau đó người ta tự mua thức ăn mang tới cho cá luôn. Tôi cưng đàn cá lắm nên nghèo thì nghèo chứ dứt khoát không bắt ăn, dù chỉ là một con và có ý định sẽ nuôi hoài" - anh Tâm khẳng định.
Tuy nhiên, người đàn ông mặn duyên với "chim trời, cá nước" cũng không khỏi băn khoăn, lo lắng vì từ khi có thông tin đàn cá tập trung đông ở bến sông này thì gần đó xuất hiện một số ghe cào điện, xiệt điện lén lút đánh bắt cá vào ban đêm. Việc này đã được anh Tâm trình báo với chính quyền địa phương và ngành chức năng nhưng hoạt động đánh bắt cá trái phép vẫn diễn ra, nhất là trong khoảng thời gian từ 2-3 giờ sáng.
Tốn kém cũng ráng chịu
Ở tỉnh An Giang, ngoài anh Đinh Vũ Tâm còn có ông Trần Văn Đặng (ngụ xã Phú Thành, huyện Phú Tân). Cách đây khoảng 3 tháng, ông Đặng mang thực phẩm xuống mé kênh Thần Nông trước nhà để rửa thì bất ngờ có một ít cá diêu hồng bơi đến quẩn quanh.
Thấy vậy, ông lên nhà lấy một ít thức ăn chế biến sẵn đem xuống cho số cá này ăn. Sau đó, có thêm đàn cá tra đến bơi lội trên mặt nước khiến ông hết sức ngạc nhiên rồi vui mừng khôn xiết vì nghĩ đã có được những người bạn để hủ hỉ cùng nhau. Ban đầu, ông xuất tiền túi ra đại lý mua một bao thức ăn chế biến sẵn về cho cá ăn với mục đích dụ chúng ở đây với mình. Sau nhiều tháng nuôi dưỡng, bảo vệ, hiện nay đàn cá ước tính hơn 5 tấn, chủ yếu là cá tra và diêu hồng, đã có những con nặng đến 1 kg.
"Cá kéo đến đây ngày càng nhiều. Hiện mỗi ngày tôi phải tốn từ 1 triệu đến 1,2 triệu đồng để mua thức ăn cho cá nhưng tất cả nhờ bà con trong xóm đóng góp. Về phía gia đình, tôi đi cắt rau muống đồng cho cá ăn kèm để đỡ tốn kém. Nuôi dưỡng mà để người ta xâm hại nó thì đau xót lắm nên mình phải bảo vệ mới được" - ông Đặng chia sẻ và cho biết trong lần ông đi vắng, có một số người kéo đến chích điện để bắt cá với số lượng hàng trăm ký.
Được người chị gọi điện thoại báo tin, ông tức tốc chạy về thì phát hiện trên chiếc xuồng của nhóm người này đã chất đầy cá khiến ông vô cùng đau xót. Ông nói cá này do mình nuôi thì nhóm người kia trách móc ngược lại, nuôi cá mà không cắm bảng cấm cho người khác biết để tránh.
"Tôi thật sự cảm thấy có lỗi vì cái bảng cấm đã bị hư rớt xuống kênh nhưng chưa kịp sửa. Tôi cũng muốn xuất tiền mua lại toàn bộ số cá bị bắt để thả nuôi nhưng đau xót là đã chết hết rồi. Sau sự cố đáng tiếc đó, giờ tôi ra đây cất chòi ngủ để giữ cá luôn cho chắc ăn. Chính quyền địa phương cũng sẵn sàng hỗ trợ gia đình tôi bảo vệ đàn cá này. Tôi chỉ muốn nuôi, bảo vệ đàn cá này thôi, cho dù tốn kém bao nhiêu cũng chịu, bởi đàn cá như thành viên trong gia đình. Không có hạnh phúc nào bằng mỗi khi đi làm về mệt mỏi, ra đây nhìn đàn cá bơi lội. Tôi sẽ giữ đàn cá này, không bán cho ai, để mọi người đến đây tham quan cho vui" - ông Đặng khẳng định.
Ông Phan Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thành, cho rằng có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện nay thường xuyên xuất hiện những đàn cá số lượng lớn trên các tuyến kênh hoặc sông rồi được người dân dẫn dụ về nuôi dưỡng, bảo vệ. Lý do đầu tiên là vì thời gian gần đây có nhiều người phóng sinh các loại cá vào những ngày rằm. "Một nguyên nhân khác nữa là do hiện nay giá cá tra xuống rất thấp khiến người nuôi lâm cảnh lỗ lã dẫn đến nợ nần trong suốt 2 năm qua. Từ đó, nhiều người thả cá giống mới mua về ra các tuyến kênh hoặc sông để tránh tình trạng cá nuôi lớn đúng cỡ thì không ai mua để rồi lâm nợ" - ông Quý nhận định.
Lực lượng chức năng sẽ hỗ trợ
Ông Nguyễn Văn Bé Hai, Chủ tịch UBND xã Long Kiến, cho rằng việc đàn cá tự nhiên về bến sông nhà anh Đinh Vũ Tâm trú ngụ là điều hiếm có từ trước đến nay ở địa phương. Đặc biệt, trước thông tin của anh Tâm cung cấp thì lãnh đạo UBND xã Long Kiến sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng có biện pháp hỗ trợ, nhằm ngăn chặn tình trạng đánh bắt trái phép cũng như tuyên truyền, giáo dục người dân về ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên.
Bình luận (0)