Trải qua nhiều thăng trầm, nghề gác kèo ong đặc trưng ở rừng U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau) vừa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp giấy chứng nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là vinh dự lớn lao và là động lực để những người ăn ong nơi đây gắn bó với nghề truyền thống hàng trăm năm này.
Theo gió lên ngàn
Ông Nguyễn Văn Rớt (Hai Rớt), đã hơn 50 năm làm nghề ăn ong ở rừng U Minh Hạ, kể rằng từ thuở rừng U Minh còn là những quần thể với nhiều cổ thụ to hơn vòng tay người ôm, người dân phải cất những căn nhà "cao cẳng" để tránh cọp, chẳng ai thèm ngó ngàng tới mật ong, họ chỉ lấy sáp ong bán cho các ghe buôn vùng trên xuống mua về làm đèn cầy. "Có những tổ ong to cỡ bộ ván, lúc đó chẳng bao giờ người ta lấy hết một tổ ong. Người ăn ong cứ leo lên cây, dùng dao cắt lấy từng phần, vắt bỏ mật, lấy sáp cho vào cần xé khiêng về. Khi nào thiếu đường ăn thì người ta mới lấy ít mật về nấu thành đường" - ông Hai Rớt kể.
Người thạo rừng chỉ nhìn đàn ong bay qua là biết có tổ ong lớn hay nhỏ. Vì ong đi ăn theo hướng gió nên người ăn ong cũng nhắm hướng gió mà tìm, nên người ta gọi dân ăn ong của miệt rừng U Minh Hạ là "phong ngạn".
Về sau, có ghe vùng trên xuống tận nơi mua mật. Mật ong U Minh Hạ không bao lâu nổi tiếng khắp vùng bởi ngon và bổ. Từ đó, người ta mới bắt đầu lùng sục tìm mật. Mùa nắng, mật nhiều đến nỗi lấy rồi mang về không hết, phải đổ bớt.
Người dân U Minh Hạ gác kèo ong Ảnh: VÂN DU
Người đi ăn ong không đi riêng lẻ mà đi từng nhóm bạn để hỗ trợ nhau khi có bất trắc xảy ra giữa vùng rừng thiêng nước độc. Mỗi người mang theo vài chục cây kèo, chia hướng, mạnh ai nấy gác. Trên mỗi cây kèo đều có khắc tên chủ nhân để tránh chuyện lấy nhầm mật của người khác. Dân phong ngạn chia thời điểm ăn ong làm ba mùa trong năm: mùa ong nước (mùa mưa), mùa ong lỡ (giao mùa), mùa ong hạn. Trong đó, mùa ong hạn là mùa chính trong năm. Mùa này các tổ ít ong, mật nhiều lại ngon. Thuật gác kèo ong cũng theo thời tiết, mùa gió: Đông Bắc, Tây Nam và Tây Bắc để gác kèo ong. Nếu gác sai hướng gió thì coi như thất bại. Ông Hai Rớt giải thích nếu gác không đúng hướng gió, ong sẽ bị vặn cánh khó lòng đậu được trên kèo. Đến mùa thu hoạch, mỗi tổ ong 1 m trung bình thu được 3 lít mật ở mùa ong nước và 6-7 lít mật vào mùa ong hạn.
Ông Hai Rớt nhớ lại có lần ông gác 100 kèo, đến khi thu hoạch được 300-400 lít mật. Không có đồ chứa, cha con ông phải trải cao su lên xuồng rồi đổ mật lên. Thời điểm 1 lít mật đổi ngang 1 giạ lúa. Một mùa mật ngọt, một phong ngạn thu hoạch gấp nhiều lần một người trồng lúa.
Mỗi nhóm thợ rừng đi ăn ong được gọi là đoàn. Các đoàn này tập hợp nhau lại thành "tập đoàn" phong ngạn. Những người trong "tập đoàn" sống rất đoàn kết. Mỗi phong ngạn nhận một khu vực rừng; trong khu vực này, anh ta được trọn quyền gác kèo và cũng chịu luôn trách nhiệm bảo vệ rừng. Nếu rừng cháy ở khu vực nào, sẽ rất dễ tìm ra ai là thủ phạm. Ông Hai Rớt khẳng định chắc nịch: "Vì rừng là chén cơm manh áo nên cánh phong ngạn giữ rừng còn hơn cả kiểm lâm". Người lạ khó lòng mà bước vào khu vực rừng của một phong ngạn được giao. Để bảo vệ rừng, phong ngạn không đốt đuốc tạo khói đuổi ong bằng xơ dừa hay cúi sậy như dân "ngoại đạo" mà dùng rễ phụ từ cành của cây gừa phơi khô, đập dập mà đốt. Khi ăn xong một tổ ong, phải lột vỏ tràm cột lại để tránh bay tàn đi nơi khác.
Các tập đoàn cụ thể hóa việc giữ rừng bằng những quy định như thời gian đi ăn ong trong vòng 5-8 giờ sáng. Nếu vì lý do nào đó phong ngạn ra khỏi rừng trễ thì phải chịu sự kiểm tra ngay tại mé rừng. Khi tổ kiểm tra kết luận rừng không cháy, người này mới được cho về. Ngoài ra, dân phong ngạn tuyệt đối không được bán mật ong pha, không được ăn ong trộm và thăm "nhầm" kèo của người khác. Nếu phong ngạn nào vi phạm một trong các điều trên thì bị tịch thu đầu kèo, cho ăn ong lần cuối cùng để làm vốn, rồi sau đó bị trục xuất khỏi tập đoàn vĩnh viễn. Đối với phong ngạn, hình phạt đó là cái nhục lớn, nên những ai lỡ vi phạm, thường bỏ xứ ra đi không quay lại vùng rừng đó nữa.
Không chỉ là sinh kế
Từ tháng 2 hằng năm là bắt đầu mùa gác kèo ong ở U Minh Hạ. Không chỉ để kiếm tiền, đây còn là mùa để những tay thợ rừng trình diễn tài nghệ và kinh nghiệm của mình so với bạn nghề. "Ăn ong là nghề ông cha tôi để lại, nó hình thành ngót trăm năm qua ở miệt này. Các con của tôi rồi cũng sẽ tiếp tục bám rừng mà sống" - ông Dư Văn Kiến, một thợ rừng giàu kinh nghiệm ở U Minh Hạ, vừa nói vừa cùng cậu con trai luồn lách vào rừng bắt đầu hành trình một ngày ăn ong.
Ông Kiến khẳng định nghề này không phải ai muốn làm cũng được. Nó đòi hỏi người thợ phải có đầy đủ kinh nghiệm, am hiểu tập tính của đàn ong. Tay nghề hơn thua nhau của cánh thợ rừng là việc chinh phục đàn ong về làm tổ trên kèo của mình, vào số lượng mật kiếm được trong mùa.
Con trai lớn ông Kiến có gần 10 năm theo cha vào rừng cho biết để có được mùa ong thắng lợi, người thợ rừng phải chuẩn bị các công đoạn hết sức chu đáo. Kèo ong được làm bằng cây tràm, cây cau hoặc cây đủng đỉnh phơi khô. Kèo dài từ 1,5 đến 2 m, cách đẽo kèo tùy thuộc vào kinh nghiệm của từng người thợ mà có hình dáng khác nhau.
Thường thời gian để cho ong làm tổ là 40 ngày nhưng có người chỉ mới gác kèo buổi sáng thì buổi chiều nó đã đóng tổ. Bí quyết và kinh nghiệm hơn nhau giữa những người thợ rừng là ở chỗ đó. Khi lấy mật, người thợ chỉ cắt một phần tổ, chừa lại một phần cho ong non phát triển.
Lấy mật xong, thợ rừng rút đi, bầy ong bay trên đầu lại trở về tổ cũ, tiếp tục xây tổ. Đến kỳ, thợ rừng lại đến hun khói lấy mật. Trung bình, mỗi kèo ong có thể thu hoạch 3 đợt, mỗi đợt 8-10 lít mật, sau đó bầy ong mới bỏ đi. "Tập quán con ong khi lớn lên là tách đàn và mỗi đàn là một tổ ong mới tiếp tục cho mật. Mật ong rừng tràm tự nhiên ở U Minh Hạ là tốt nhất. Đầu mùa mật có màu vàng, gần cuối mùa màu hơi sậm và cuối mùa có màu hơi đen" - ông Kiến nói.
Cánh thợ ăn ong cũng không ít phen chạy vắt giò lên cổ do bị ong đánh, hay gặp phải rắn độc giữa rừng. Ông Lê Văn Nhì, một thợ rừng có hơn 40 năm trong nghề, thừa nhận việc thợ rừng bị ong đốt là chuyện xảy ra như cơm bữa. "Có khi gặp đàn ong hung hãn, anh em chúng tôi phải bỏ lại đồ nghề chạy theo hướng ngược gió để lánh nạn. Có lúc, mọi người đụng độ heo rừng, rắn hổ mây... Tùy vào trường hợp mà người thợ rừng xử lý theo nhiều cách khác nhau để giữ mạng. Do sự nguy hiểm này nên thợ ăn ong hiếm khi vào rừng riêng lẻ. Thường từ 3 người trở lên để hỗ trợ nhau trong mọi tình huống" - ông Nhì kể thêm.
Ông Nhì bảo rằng dù vất vả và hiểm nguy rình rập nhưng dân phong ngạn chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ nghề. "Không chỉ là kế sinh nhai, nghề ăn ong còn là niềm đam mê ăn sâu vào máu cánh thợ rừng chúng tôi. Có những giai đoạn rất khó khăn, nhất là bị thương buôn pha trộn đường làm mật ong rừng U Minh mang tiếng. Hay gần đây, rừng tràm phần lớn bị thay thế bằng rừng keo lai nên cái chất của mật ong truyền thống rừng U Minh Hạ không còn như xưa. Nhưng nghề gác kèo ong lấy mật thì vẫn không thay đổi và được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đó là niềm vui vô bờ bến của dân phong ngạn mà chúng tôi chưa từng mơ đến" - ông phấn khởi.
Bảo tồn và phát huy thương hiệu mật ong rừng U Minh Hạ
Với trữ lượng 1.000 tấn mật mỗi năm, lại là khu dự trữ sinh quyển thế giới, mật ong rừng U Minh Hạ nếu được tận dụng khai thác tốt thì sẽ là một thương hiệu mạnh mang lại nhiều giá trị kinh tế.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng, nghề gác kèo ong được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã khẳng định giá trị đặc trưng của vùng sông nước Cà Mau. Qua đó, trao truyền những kinh nghiệm quý báu trong thực hành, trình diễn, khai thác và bảo tồn nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống của người dân vùng này. Nó đã tạo nên thương hiệu, sản phẩm du lịch độc đáo mỗi khi đến với vùng ngập ngọt Cà Mau.
"Cùng với niềm vui của người dân Cà Mau nói chung, nhất là đối với người dân đang trực tiếp thụ hưởng những lợi ích từ rừng U Minh thì việc gìn giữ, quản lý, khai thác nghề gác kèo ong vẫn đang là nỗi lo. Làm thế nào để sống hài hòa với môi trường, hưởng lợi từ thiên nhiên một cách bền vững, không hủy hoại thiên nhiên, không bị đe dọa do sự phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp thâm canh. Đây là bài toán nan giải để nghề gác kèo ong tiếp tục phát huy giá trị truyền thống, tạo hướng đi thực sự bền vững cho người dân đang bám trụ dưới tán rừng U Minh Hạ" - ông Hùng trăn trở.
Bình luận (0)