xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết "Từ trong ký ức": Nỗi nhớ đôi bờ Mê Kông

LÊ BÁ TUẾ

Những ngày cuối đông còn là mùa khô Tây Nguyên. Khoảng vắng lòng tôi dìu dịu nỗi nhớ xa xa những cánh rừng. Ở đó có giọng nói, tiếng cười, những khuôn mặt đen sạm và giấc ngủ bình yên

Vì là mùa khô trước khi vào chiến dịch nên trung đoàn cho anh em chiến sĩ ăn Tết trước ba bốn ngày. Lần đầu tiên trung đoàn ăn Tết vui vẻ và to như thế. Chính ủy đi họp quân khu về thông báo chương trình đón Xuân 1981 khác với mọi năm ở Tha La (thị xã Stung Treng, Campuchia) này.

Cái Tết nhớ đời

Anh em trinh sát hào hứng ra mặt. Họ đã có kế hoạch đi tìm mai rừng về chưng 3 ngày Tết. Không khí ở Ban Quân lực chúng tôi cũng rộn ràng hẳn lên. Mấy ngày nay, cán bộ - chiến sĩ Ban Hậu cần đi và về Pleiku liên tục, chở nhu yếu phẩm cần thiết về cho đơn vị, đi bắt heo inh ỏi cả một góc rừng.

Năm nay có các thủ trưởng của Sư đoàn 315, tiền phương Quân khu 5 và đội công tác của nước bạn ở thị xã Stung Treng cùng xuống ăn Tết với anh em.

Những anh em đi chiến dịch ở mọi ngõ ngách trong rừng, trên Preah Vihear cũng lần lượt về Tha La nghỉ ngơi.

Tội nghiệp nhất là lính trinh sát, băng lội đồi suối và đi giữa mùa mưa tầm tã, kéo dài hàng tháng trời trở về trong bộ quân phục rách tả tơi, bạc thếch. Tôi đã chẳng ngại ngần tặng anh bạn đồng hương Quảng Nam một bộ còn lành lặn hơn để cùng nhau ăn Tết.

Cuộc thi viết Từ trong ký ức: Nỗi nhớ đôi bờ Mê Kông - Ảnh 1.

Đội K52 dựng trại để tìm hài cốt chiến sĩ Việt Nam hy sinh trên đất Campuchia

Các đại đội trực thuộc Trung đoàn 143 ăn Tết trước rồi mới đến Trung đoàn bộ gồm Ban Chỉ huy và 4 Ban Chính trị - Tham mưu - Hậu cần - Kỹ thuật. Ở Trung đoàn bộ vào những ngày cuối năm đều phân công cán bộ, chiến sĩ các ban xuống ăn Tết với anh em các đại đội, tiểu đoàn.

Tôi chủ động làm một số thứ để trang trí chỗ ở của mình, chẳng hạn như giấy màu để điểm thêm mấy bông hoa vàng lên cành mai rừng do anh em dưới đại đội cho. Tôi cắt hình và chữ Chúc mừng năm mới dán lên tấm phông bạt. Chừng ấy thôi đã thấy hương sắc Xuân về tận cánh rừng Tha La yêu quý này rồi.

Nguyên cái ngày 27 Tết năm ấy cả Trung đoàn bộ đón năm mới thật tưng bừng. Cụng chúc nhau từng bát rượu Lào thơm phức, ngất ngây đời lính trẻ xa quê. Sau đó họ lại lao vào chiến dịch thăm thẳm rừng già. Những cánh rừng chạy dọc đôi bờ Mê Kông.

Có một kỷ niệm làm tôi chẳng thể nào quên tại cánh rừng này: một cái Tết Đoàn Văn công Quân khu 5 lên tới Preah Vihear thăm cánh lính trên đó, xong về Tha La biểu diễn, cả Trung đoàn bộ phấn khởi, tưng bừng.

Đáng nhớ nhất là sự có mặt của ca sĩ Thu Trà đã khiến cánh lính trẻ không kìm được sự phấn khích. Cô ca sĩ được anh em bế lên và chuyền cho nhau đến từng người, hôn lên tóc, lên cơ thể bởi đã nhiều ngày không thấy con gái Việt Nam.

Đến khi cô ta đứng được lại xuống đất, mệt nhoài và buông một câu: "Em hiểu các anh. Hiểu nhiều chứ. Chỉ có điều mấy anh làm em sợ mất hồn! Lần sau em còn qua nữa mà?...".

Thực ra, sau đó các bạn gái diễn viên trong đoàn đã nói thêm về việc cánh lính trẻ cùng quê Quảng Nam của Trung đoàn 95 đang đứng chốt trên Preah Vihear còn nghịch táo bạo hơn. Khi chị em vừa xuống xe giữa doanh trại, từng tốp, từng tốp lính chạy đến ôm từng cô cho thỏa nhớ.

Ký ức ám ảnh

Bên cạnh cái Tết trên đất bạn, tôi còn nhớ những ngày tháng 12 năm 1978 khi lần đầu tiên tôi và đồng đội có mặt tại biên giới và bắt đầu đánh đuổi quân Pol Pot.

Những chàng trai 18, 20 trong đội hình lính trẻ lần đầu tiên đối diện với rừng xanh bạt ngàn, giáp mặt quân thù ẩn hiện bóng cây bóng lá. Không riêng gì cánh tân binh chúng tôi, các anh lớp lớn hơn cũng ngại ngùng với cái đám "Khmer Đỏ gian ác" ấy.

Khốc liệt nhất là chúng tôi bắt đầu nếm mùi hy sinh. Đồng đội lần lượt báo về trọng thương, tử vong từ tuyến trước, ngay trên trục đường vượt qua biên giới, qua ngầm Ôzadav, sâu hơn là đánh lên chiếm đồi xA, xB. Dọc đường biên qua đất nước bạn, xe cộ, phương tiện của ta bốc cháy nghìn nghịt khói đen, nhiều tháng như thế.

Những hình ảnh luôn ám ảnh tôi là buổi sáng, buổi trưa, những người đồng chí, đồng hương còn gửi lại vật quý cá nhân gì đó, hoặc nắm tay chào hỏi tâm tình trước lúc đi chiến dịch càn quét quân Pol Pot trong rừng sâu thì chiều hôm sau đã nhận điện báo về ngắn gọn hai từ: hy sinh.

Chúng tôi lần lượt đi qua nhiều ngôi làng bỏ hoang, đồi cao, suối xanh và bắt gặp những khuôn mặt phờ phạc, lo âu, sợ hãi của bà con người Jrai, người Khmer và kể cả người Việt từ Nam Bộ đã bao đời trôi dạt sang đây làm ăn, sinh sống. Họ sợ nhất khi thấy chúng tôi cầm dao, rựa, búa hay thậm chí chỉ khúc cây khô là run lên bần bật. Bởi bà con ám ảnh cuộc tàn sát, đánh đập của quân Khmer diệt chủng kia như vừa mới xảy ra.

Chúng tôi dừng lại bên chân đồi có suối nước, bên cạnh là dân làng vừa mới trở lại nhà mình sau nhiều ngày ẩn náu tận rừng sâu. Vượt qua nỗi âu lo, ngại ngùng của bà con, anh em chiến sĩ vồn vã giúp dân dọn dẹp, dựng lại cánh cửa. Sau đó cùng chia nhau cơm nắm, cá khô, bát canh rau lá giang. Dân làng bắt đầu nói: "Ta hanh Viet Nam chóp lây lây !" (Bộ đội Việt Nam tốt lắm!). Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 143 của Tỉnh đội Gia Lai - Kon Tum lúc đó vui và tự hào biết dường nào.

Dừng lại rồi đi. Ở lại vài ngày rồi đi. Chỉ có tình yêu theo gió, theo lá, theo bước chân còn ở lại.

Hành trình chưa biết ngày kết thúc

Năm 2003, tôi lần đầu trở lại Ôzadav. Qua nước bạn lần này với tư cách là nhà báo đưa tin, viết bài cho buổi lễ đưa tiễn hài cốt bộ đội Việt Nam hy sinh trong kháng chiến trở về nước do phía Campuchia tổ chức. Tôi hồi hộp thật sự, bởi nghe đâu có cả hài cốt được cất bốc, quy tập đợt này của anh em chiến sĩ tình nguyện năm 1978-1979. Cả nghìn mộ còn nằm lại trên đất bạn chứ ít gì, một vài mộ anh em trở về với đất mẹ là mừng rồi.

Tôi lại theo anh em K52 vào rừng và nghe chuyện kể cảm động của những người lính hôm nay sang nước bạn tìm kiếm, cất bốc mộ liệt sĩ đưa về nước. Một anh lính trẻ kể: "Những ngày đầu qua được dân chỉ mộ, chúng em mừng quá lao vào đào ngay. Gần chục hài cốt mang về lán trại thì trời vừa tối và mưa ập tới. Ăn vội miếng cơm xong, chúng tôi phân công nhau lên võng có tấm tăng làm mái che, mỗi người ôm một hài cốt đã quấn chặt và ngủ. Một ngày quần quật xúc đất nên chúng em ôm hài cốt ngủ ngon lành đến sáng".

Và còn nhiều mẫu chuyện bi hài, xúc động khác làm tôi nhớ mãi. Cuốn sổ tay màu xanh chữ đỏ chữ đen cứ quấn lấy, dày lên trang giấy tư liệu. Một lần anh em kể dân báo có ụ mối thật to, theo phán đoán là dưới ấy có mộ. Lực lượng K52 tập trung khoanh vùng, đào. Hì hục đào cả ngày thì thấy xương nhưng chỉ là xương trâu, bò gì đấy, không phải xương người. Một ngày mệt nhoài, phí công nhưng cánh lính trẻ vẫn nhoẻn miệng cười hồn nhiên và lục đục mang dụng cụ về trại với quãng đường xa. Có lúc, mùa nước lũ chưa kịp rút, nghe báo có mộ bên kia suối lớn anh em bơi qua, cố tìm cho được giữa điều kiện hiểm nguy khôn lường.

Cuộc hành trình của anh em chiến sĩ nơi đây còn dài lắm, chưa định được ngày cuối cùng và ôm trên tay cái hình hài cuối cùng nào đó của đồng đội. Họ vẫn đang ngày đêm vất vả đi tìm đồng đội bên những cánh rừng, những cánh rừng chạy dọc đôi bờ Mê Kông… 


ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Cuộc thi viết Từ trong ký ức: Nỗi nhớ đôi bờ Mê Kông - Ảnh 2.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo