TP Đà Nẵng vừa đưa vào thí điểm hai mô hình khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp hữu cơ tại xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, gồm: Bana Rita Glamping Farm và An Phú Farm. Hai mô hình này cung cấp các dịch vụ du lịch từ nông trại, những hoạt động trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống cùng nông dân.
Du lịch "kiểu nhà nông"
Bana Rita Glamping Farm có diện tích hơn 50.000 m2, cung cấp dịch vụ cắm trại trải nghiệm dành cho các hoạt động du lịch dã ngoại, ngoại khóa kết hợp rèn luyện kỹ năng sống. Theo ông Lê Thanh Tuấn, đại diện Bana Rita Glamping Farm, nông trại này vốn trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn hữu cơ. Từ nền tảng nông nghiệp ấy, ông đã phát triển thêm các dịch vụ, giúp du khách trải nghiệm du lịch "kiểu nhà nông".
"Chúng tôi mang đến những hoạt động trải nghiệm cho người yêu thiên nhiên, muốn hòa mình vào thiên nhiên. Ở đây, sáng sớm du khách nghe tiếng gà gáy, ngắm bình minh và có thể tự tay hái lá chè, đun nước bằng bếp củi… Đó là những trải nghiệm hoàn toàn khác biệt với không khí nhộn nhịp ở thành phố" - ông Tuấn cho biết.
Trong khi đó, An Phú Farm rộng hơn 18.000 m2, sản xuất các sản phẩm rau củ quả organic và OCOP (chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"). Du khách đến đây được trải nghiệm ẩm thực sạch và vui chơi, sinh hoạt cùng nông dân. Ông Dương Hiển Tú, Giám đốc An Phú Farm, cho hay nông trại này trồng các loại rau ăn lá như rau lang, muống, dền... cùng bầu, bí và nuôi gà, bò, dê. Sản phẩm từ nông trại được tiêu thụ ở những siêu thị thực phẩm sạch tại Đà Nẵng và các tỉnh lân cận, một số trường học...
Đến 2 nông trại nêu trên, du khách có thể tham gia trải nghiệm những hoạt động như: tự tay trồng, chăm sóc các loại rau, cây ăn trái theo tiêu chuẩn hữu cơ; chăm sóc vật nuôi; hòa mình với thiên nhiên... Tiêu chí hàng đầu của các nông trại này là xanh, sạch và bảo đảm thân thiện với môi trường.
Theo ông Dương Hiển Tú, khi tham quan nông trại, du khách được khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, không mang theo túi ni-lông. Đồ ăn, thức uống phục vụ du khách ở đây chủ yếu được lấy từ nông trại, là những sản phẩm hữu cơ, hoàn toàn sạch.
Trẻ em hào hứng tham gia các trò chơi dân gian tại Bana Rita Glamping Farm
Học sinh trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị tại An Phú Farm
Đầu tư với nhiều tâm huyết
Mô hình du lịch sinh thái kết hợp phát triển nông nghiệp chỉ mới triển khai thí điểm tại Đà Nẵng nhưng đã được nhiều du khách quan tâm, thích thú.
Đại diện An Phú Farm cho biết vào dịp cuối tuần, hàng trăm du khách đã đến đây trải nghiệm, trong đó có cả người lớn tuổi, thanh thiếu niên và học sinh. Nhiều khách đi theo đoàn từ các trường học hoặc công ty du lịch lữ hành.
Bà Văn Thị Hiền - ngụ quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng - từng đến 2 nông trại nêu trên. Bà nhận xét: "Việc du lịch kiểu nhà nông giúp du khách từng có thời gian sinh sống ở nông thôn nhớ lại nhiều ký ức. Trước đây, gia đình tôi sinh sống ở nông thôn. Khi đến các nông trại này, nhiều kỷ niệm được khơi gợi lại. Chúng tôi lại được làm nông, có thể tham gia trồng rau, gieo hạt… Buổi sáng ngủ dậy nghe tiếng gà gáy như đang ở quê nhà".
Theo nhiều du khách từng tham quan Bana Rita Glamping Farm hay An Phú Farm, đến đây, ngoài việc hòa mình với thiên nhiên và trải nghiệm các công việc nhà nông, họ còn yên tâm khi được dùng thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ.
Ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, nhìn nhận Bana Rita Glamping Farm và An Phú Farm không chỉ có lợi thế về không gian tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên hữu tình mà còn được đầu tư với nhiều tâm huyết. Ông kỳ vọng 2 mô hình này sẽ là điểm đến thú vị của người dân và du khách, góp phần đưa du lịch nông nghiệp của địa phương phát triển.
Còn nhiều bỡ ngỡ
Ông Dương Hiển Tú thừa nhận bản thân vốn là người làm nông nên rất bỡ ngỡ khi phát triển du lịch. Vì vậy, ông mong muốn được Sở Du lịch TP Đà Nẵng tạo điều kiện để kết nối các tour, tuyến đến tham quan nông trại. Đây cũng là cách để giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp sạch trên địa bàn.
Ngoài ra, nhân sự phục vụ tại các nông trại này đều là nông dân. Hằng ngày, họ đảm trách các công việc trồng rau, nuôi gà. "Chúng tôi mong ngành du lịch địa phương quan tâm, tổ chức tập huấn cho nông dân, giúp họ có thể trở thành những "hướng dẫn viên" chuyên nghiệp, phục vụ tốt nhất cho du khách" - ông Tú bày tỏ.
Bình luận (0)