"Thầy dạy miễn phí cho con tiếng Anh kịp trước khi con bị mù hoàn toàn". Đó là lời hứa của thầy Trần Thanh Tú (47 tuổi; bị liệt cả hai chân) trong lần gặp đầu tiên với cô gái 24 tuổi Lê Bảo Ngọc, do Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ tổ chức mới đây.
Chỉ cần trò hiếu học
Chưa từng làm giáo viên của một trường học nào mà chỉ làm gia sư môn Anh văn nhưng thầy Trần Thanh Tú vẫn nổi tiếng khắp TP Cần Thơ mấy chục năm qua, giảng dạy cho học sinh từ mẫu giáo tới lớp 12, đại học và cả luyện thi lấy nhiều loại chứng chỉ.
Bảo Ngọc có vẻ ngoài hoàn toàn khỏe mạnh và xinh xắn nhưng tiếc là hai mắt đang mờ đi nhanh chóng do chứng teo dây thần kinh thị giác từ năm 15 tuổi khiến em phải nghỉ học từ đó đến giờ. Bảo Ngọc cứ thắc thỏm rằng nghe thầy Tú nói như vậy, em mừng quá và rối rít cảm ơn.
Thầy Tú kèm Bảo Ngọc mỗi tuần một buổi đều đặn, một thầy một trò, vào chiều thứ hai hằng tuần tại nhà riêng của chị thầy trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Thầy tìm chỗ yếu nhất về kỹ năng Anh văn của Ngọc rồi tập trung bồi dưỡng đến khi thực sự cải thiện mới chuyển sang chủ đề khác, nhất là tập trung vào hai kỹ năng nghe và nói.
Thầy Tú xếp Ngọc ngồi sát bảng, viết chữ thật to để em nhìn rõ hơn. Trong tay Ngọc là những tài liệu được thầy Tú viết tay riêng, viết bằng bút lông, chữ to và đẹp. Thầy tập trung nhiều thời gian giúp Ngọc phát âm tiếng Anh bằng giọng mũi và giọng cổ, dù khá khó khăn. Thầy Tú nhận xét dù bỏ tiếng Anh gần 10 năm nhưng Ngọc bắt nhịp lại khá nhanh bởi em học với sự khát khao cực độ và có niềm vui lớn!
Tôi đã vài lần dự buổi dạy "một kèm một" kiểu này ở nhà chị của thầy Tú.
"Tiếng Anh thì em cũng được học rồi nhưng bỏ lâu quá nên không nhớ được nhiều. Hơn nữa, cách dạy của thầy Tú rất mới lạ, giúp em có sự hứng khởi khi học mà trước đây em chưa từng có. Em phải học thật gấp, nhất là được miễn phí vì nhà em nghèo, để kịp trước khi mù hẳn thì vẫn thực hiện được giấc mơ dùng tiếng Anh giao tiếp tốt để bán đồ thủ công mỹ nghệ do mình làm ra cho người nước ngoài. Đó là nghề em quyết tâm làm bằng được để mưu sinh sau này khi ba mẹ già yếu" - Ngọc ngước khuôn mặt thánh thiện, nói với tôi.
Ngọc cho hay vài bữa nữa, tiếng Anh ổn hơn, thầy Tú hứa sẽ đệm đàn cho em hát nhạc boléro mà thầy cho là phù hợp với chất giọng mềm mại và ngọt ngào của em, để năm tới hai thầy trò lên TP HCM dự một cuộc thi hát dành cho người khuyết tật.
Thầy Tú nói với việc làm gia sư Anh văn, dù đã miễn hoặc giảm học phí cho học sinh nghèo thì thầy vẫn kiếm được hơn 10 triệu đồng/tháng, đủ nuôi mình và vợ. Nét khác biệt với những người làm gia sư khác là thầy thường xuyên dạy lớp "một kèm một" như kiểu dạy cho Ngọc với cả những học sinh lành lặn, bình thường. Học sinh dù ở xa Cần Thơ, chỉ cần hiếu học là thầy nhận lời, dù phải chật vật di chuyển trên xe ba bánh.
Thầy Trần Thanh Tú đang kèm một học trò hiếu học
Được gọi thầy là tự hào
Nữ sinh xinh xắn Trần Quang Hoàng Yến, sinh viên năm 2 Khoa Công nghệ ĐH Cần Thơ, học tiếng Anh với thầy Tú từ năm lớp 6 đến giờ. Yến cười thật tươi, cho một nhận xét đáng chú ý: "Thầy Tú giúp học sinh tự tin với Anh ngữ và phát âm cực tốt là điều giúp em giờ có thể thoải mái tranh luận với thầy bằng tiếng Anh. Đó cũng là điều em thích nhất của quá trình gắn bó với thầy Tú trong ngần ấy năm".
Hôm tôi ghé thăm lớp, Yến đang học với một bạn cùng lớp đại học, tên Võ Thùy Vân. Vân đã học một năm với thầy Tú. Cả hai say sưa trao đổi với thầy bằng tiếng Anh rất tự nhiên và trôi chảy, dường như quên hết sự có mặt của những người xung quanh.
Điểm dạy đông nhất bây giờ của thầy Tú là ở nhà chị thầy, với hơn 20 học viên, dạy từ thứ hai đến thứ sáu. Kế đến là điểm ở gần Viện Lúa ĐBSCL, được một người bạn cho mượn địa điểm, với khoảng 15 học viên, học trong hai ngày thứ bảy và chủ nhật. Thầy Tú nói điểm dạy xa nhất là khoảng 30 km.
Tới xem thầy Tú dạy, thấy thầy vẫn thường đi pha ca cao cho học sinh uống như là phần thưởng để động viên khuyến khích các em. Thùy Linh, một học sinh trong lớp của thầy, nói vui: "Thích nhất ở lớp học này là ngoài chuyện học tốt, con còn được thầy pha ca cao cho uống".
Thầy Tú kể ngoài Bảo Ngọc, từ trước đến nay thầy vẫn thường miễn, giảm học phí cho học sinh nghèo nhưng ham học và học giỏi. Tiếng lành đồn xa, cứ em này học xong rồi giới thiệu em khác nên hai mươi mấy năm qua luôn có lớp dạy liên tục.
"Đó là niềm vui lớn, niềm tự hào lớn nhất vì công sức và đam mê của mình được xã hội chấp nhận xứng đáng" - thầy Tú chân tình và cho biết để đủ trang trải cuộc sống, tối nào không dạy thì thầy đến các phòng trà hát cho nhau nghe, vừa để thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc và cũng để kiếm thêm thu nhập. Thầy Tú có thể nói say mê không biết mệt trong nhiều giờ liền về âm nhạc, nhất là nhạc Trịnh Công Sơn mà thầy thích nhất.
Thầy Tú sinh ra trong gia đình có 5 người con, cha mất sớm, cả nhà chỉ trông chờ vào gánh bún bán ngoài chợ của mẹ. Thương mẹ, thầy nghỉ học khi mới đến lớp 12 rồi phải xoay xở đủ nghề kiếm sống nhưng vẫn chật vật do khuyết tật nặng. Mê tiếng Anh từ lúc mới 4-5 tuổi nên dù khó khăn thầy vẫn mày mò tìm trong sách vở để học ngữ pháp và từ vựng, rồi nghe đài thường xuyên để rèn nghe, rèn nói Anh ngữ sao cho chuẩn.
May mắn đến từ khi thầy được một thầy giáo tiếng Anh dạy miễn phí. Nhờ đó mà từ năm 23 tuổi, thầy Tú bắt đầu làm gia sư và đến nay chưa hề gián đoạn chỉ vì muốn trả nghĩa cho thầy, cho đời theo cách đã làm với Bảo Ngọc hay bất kỳ học sinh nào thực sự khó khăn mà hiếu học.
"Mình chỉ đi làm kiếm sống và trả nghĩa cho thầy nhưng vẫn được học sinh lễ phép một tiếng thưa thầy, hai tiếng thưa thầy, nghe sướng rơn cả người và thấy mình cần phải nỗ lực hết mình dạy cho các em thật tốt, dạy bằng cả tâm huyết suốt thời trai trẻ của mình chứ không hẳn chỉ để kiếm cơm" - thầy Tú nói.
Thầy kể điều khiến thầy xúc động thực sự là dù không phải nhà giáo chính quy nhưng mỗi dịp 20-11, nhiều học trò vẫn đến tặng hoa với những lời tri ân rất đỗi chân thành.
Chưa muốn dừng lại
Học trò kháo nhau học với thầy Tú kỹ năng nào cũng thích, nhất là nghe, nói. Chất giọng của thầy nhẹ nhàng, truyền cảm, rất dễ nghe.
Nhưng thầy Tú nói với tôi thầy vẫn chưa muốn dừng lại ở đó mà muốn ngày càng dạy tốt hơn nữa. Bởi vậy, thầy thường xuyên vào kênh YouTube nước ngoài, xem người bản xứ dạy học tiếng Anh, để tự nâng cao trình độ, cập nhật những thay đổi của ngôn ngữ Anh. Thầy còn đọc tài liệu về dạy tiếng Anh của các trường đại học uy tín của Anh và Mỹ.
Một cựu giáo viên Anh văn có tiếng của Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (TP Cần Thơ) là cô Hồng Nga, đánh giá thầy Tú là một trong những người dạy tiếng Anh rất chuẩn của Tây Đô, có thể dạy tốt ở nhiều cấp độ.
Tôi thì rất thích câu khẩu hiệu "English for everyone" (tiếng Anh cho mọi người), được viết trang trọng ở dòng đầu tiên trên danh thiếp của thầy Trần Thanh Tú.
CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:
Bình luận (0)